Dân vùng ven biển khẩn trương "chạy" bão (clip)
(QNO) - Chiều nay 17.9, bão số 5 (tên quốc tế Noul) đã tiến gần đất liền với diễn biến ngày càng mạnh lên. Chính quyền các địa phương ven biển như Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên, Hội An đang tranh thủ từng phút để triển khai các phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Tại khu neo đậu tránh trú bão An Hòa (xã Tam Quang, Núi Thành), hàng trăm tàu cá của ngư dân Tam Quang, Tam Hải, Tam Hòa và tỉnh Bình Định thả neo, che chắn kỹ càng. Chằng néo ngư cụ, đóng chặt cabin xong, ngư dân lên bờ trú ngụ để đảm bảo an toàn.
Ngư dân Trần Thành (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) cho hay, sau khi nhận tin cơn bão số 5 sẽ đổ bộ vào đất liền, ông và 16 ngư dân trên tàu QNa-90359 đã vào bờ ngay lập tức. “Lúc 11 giờ trưa nay anh em chúng tôi đã neo tàu cẩn thận ở âu thuyền và trở về nhà. Giờ thì yên tâm đợi hết bão để sớm đi lại chuyến tiếp theo” - ông Thành nói.
Còn tại xã đảo Tam Hải, theo ông Nguyễn Công Tiến - Chủ tịch UBND xã, chính quyền đã phát thanh cập nhật tình hình cơn bão số 5, yêu cầu người dân gia cố nhà cửa. Cử cán bộ đứng điểm các thôn rà soát 10 nhà thiếu kiên cố, số lượng các hộ vùng nguy cơ cần phải sơ tán và chuẩn bị 14 địa điểm phục vụ sơ tán dân.
“Ứng phó với bão, xã Tam Hải đã chuẩn bị lực lượng tại chỗ gồm Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của thôn là 92 người, của xã 26 người; lực lượng xung kích xã 70 người, quân sự xã 31 người, công an xã 11 người; Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà 15 người, Hải đội 2 thuộc Bộ đội Biên phòng Quảng Nam 10 người, lực lượng cảnh sát biển 30 người” - ông Nguyễn Công Tiến cho hay.
Ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành thông tin, ngay trong sáng nay 17.9, lãnh đạo UBND huyện đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão tại một số xã ven biển. Đồng thời họp triển khai khẩn cấpcác biện pháp ứng phó.
Núi Thành hiện có 150 tàu thuyền với 2.972 lao động đang hoạt động ở vùng biển khơi. Hầu hết tàu thuyền đã và đang di chuyển vào nơi tránh trú bão tại quần đảo Trường Sa, ở Nha Trang, Quy Nhơn và các nơi an toàn khác hoặc di chuyển ra khỏi vùng tâm bão đến nơi an toàn. Các tàu vào bờ kịp thì ngư dân đã neo đậu an toàn tại các âu thuyền.
“Chúng tôi yêu cầu UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Đặc biệt, phải kiểm tra, rà soát các khu dân cư vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có phương án di dời ngay trong tình huống khẩn cấp.
Để làm tốt điều này thì các địa phương phải chủ động phương châm “4 tại chỗ”, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức trực ban 24/24 nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện” - ông Lê Văn Sinh nói.
Ngư dân Núi Thành đưa tàu vào neo đậu (Thực hiện: ĐOÀN ĐẠO):
Tại xã Duy Hải (Duy Xuyên), sau khi nghe thông tin về cơn bão số 5, người dân đã khẩn trương chằng chống nhà cửa và di dời tài sản. Anh Nguyễn Quốc Liên (33 tuổi, thôn An Lương) cho biết, từ chiều 17.9, anh cùng nhiều người khác cho cát vào bao tải để gia cố mái nhà.
“Khi chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng tuyên truyền, gia đình tôi nhanh chóng gia cố, chằng chống lại nhà cửa, công trình phụ và hoàn tất mọi việc trước khi bão vào. Thôn chúng tôi nằm ngay cửa biển nên khi nghe có bão thì không thể chủ quan” - anh Liên nói.
Clip ngư dân neo đậu tàu thuyền tại cảng cá An Lương (Thực hiện: H.QUÂN - T.THẮNG):
Ông Võ Văn Dũng (49 tuổi, thôn An Lương) - chủ một quán ăn tại bến cá An Lương cho biết: “Chúng tôi thường xuyên nghe, xem đài để nắm mức độ phức tạp của bão. Hiện quán tôi đã tháo hết biển hiệu, đèn phát sáng để bảo vệ tài sản; đồng thời gia cố mái nhà bằng nhiều bao cát”.
Clip người dân Duy Xuyên chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản (Thực hiện: H.QUÂN - T.THẮNG):
Tại TP.Hội An, bà Đinh Thị Thanh Lực (khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại) đã chủ động chằng chống mái nhà từ sáng sớm nay. Theo bà Lực, do nhà nằm gần bờ biển Cửa Đại nên chắc chắn sẽ có sóng to, gió lớn khi bão đổ bộ. Việc chằng chống này phần nào giúp bà yên tâm hơn.
Từ 14 giờ chiều nay, chính quyền phường Cửa Đại đã di dời người già, trẻ em, phụ nữ của 2 khối phố Phước Trạch và Phước Hải đến tránh trú tại Trường THCS Nguyễn Du theo chỉ đạo của UBND TP.Hội An. Trong đó, các trường hợp bệnh nặng, người tàn tật sẽ được di dời về Trạm Y tế phường Cẩm Châu.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu (khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại) cho biết: “Nhà cửa đã chằng chống, tài sản di chuyển đến nơi cao ráo. Trưa nay, tôi đã thu xếp vật dụng cá nhân, quần áo để nhanh chóng di dời theo chủ trương của địa phương”.
Clip phòng chống bão ở phường Cửa Đại (Thực hiện: H.QUÂN - T.THẮNG):
Theo ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, địa phương đã quán triệt đội ngũ lãnh đạo, đảng viên chấp hành nghiêm quy định về phòng chống lụt bão do tỉnh, thành phố chỉ đạo. Tập trung tuyên truyền đến từng hộ dân chấp hành chủ trương di dời đến nơi tránh trú an toàn, không chủ quan, lơ là.
“Dự kiến sẽ di dời khoảng 310 người đến 2 nơi tránh trú bão theo chỉ đạo của UBND TP.Hội An; vận động người dân có nhà ở vùng trũng thấp, không an toàn đến những khu nhà kiên cố, cao ráo để tránh trú. Công tác này đang được triển khai khẩn trương và sẽ hoàn thành việc di dời vào 18 giờ chiều nay” - ông Sỹ nói.
Clip di dời dân đến nơi tránh bão(Thực hiện: H.QUÂN - T.THẮNG):
Cũng theo ông Sỹ, phường Cửa Đại đã vận động 150 phương tiện đánh bắt thủy hải sản neo đậu an toàn. Cùng với đó, đề nghị các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông khẩn trương gia cố và lên bờ tránh trú bão.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết: “Bên cạnh công tác di dời người dân tại phường Cửa Đại, công tác kiểm tra người trên tàu thuyền, chủ các lồng bè trên sông Đế Võng được TP.Hội An tập trung triển khai quyết liệt, đảm bảo hoàn thành trước chiều tối nay”.