Ngành giao thông chủ động ứng phó mưa bão
Sở Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với mùa mưa bão năm 2020 nhằm đảm bảo lưu thông thông suốt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cứu hộ cứu nạn, an toàn giao thông.
Phát huy kinh nghiệm
Đối với ngành GTVT, cơn bão số 5 và 2 cơn áp thấp nhiệt đới xảy ra năm vừa qua gây thiệt hại khoảng 1,6 tỷ đồng (đường bộ 700 triệu đồng, đường thủy nội địa 900 triệu đồng). Con số thiệt hại được giảm thiểu đáng kể là nhờ Sở GTVT luôn xem phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) là một nhiệm vụ trọng tâm, bám theo phương châm “Chủ động phòng, tích cực chống”.
Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Trần Ngọc Thanh nói: “Việc xây dựng phương án, tổ chức thực hiện, huy động lực lượng và phương tiện rất nghiêm túc, cơ bản thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Những đợt mưa lũ vừa qua cho thấy, sự chủ động của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sở GTVT, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại về người, tài sản, nhanh chóng ổn định tình hình giao thông sau ngày mưa lũ”.
Nhờ chủ động huy động nhân lực, máy móc, nguyên vật liệu tập kết sẵn, nên các vị trí nguy hiểm được rào chắn, khắc phục nhanh chóng sạt lở gây tắc đường; kịp thời thực hiện cảnh báo, điều tiết giao thông tại khu vực ngập lụt, đèo dốc, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tham gia giao thông.
Từ thực tiễn ứng phó với bão, mưa lũ thời gian qua, ngành chức năng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để quán triệt, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ PCTT&TKCN năm 2020 hiệu quả hơn nữa. Trước hết, Sở GTVT tiếp tục xác định công tác này phải lấy phòng ngừa là chính.
Ông Trần Ngọc Thanh giải thích: “Đầu tư trong giai đoạn phòng ngừa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với giai đoạn ứng phó, khắc phục hậu quả. Nhằm giảm thiểu thiệt hại, chúng tôi chú trọng nắm chắc diễn biến, bình tĩnh ứng phó kịp thời, chính xác và đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế từng tình huống”.
Ngành GTVT còn chú trọng xây dựng lực lượng chuyên nghiệp trong hoạt động PCTT&TKCN, nên ngoài đáp ứng các nhiệm vụ nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả lại còn hạn chế lực lượng cần huy động và giảm kinh phí. Việc xử lý các tình huống càng phát huy hiệu quả khi có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đơn vị liên quan.
Chủ động ứng phó
Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn cho biết, ngành sớm xây dựng kế hoạch huy động nhân lực, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu chuyên dụng để chuẩn bị ứng phó với mùa mưa bão năm nay. Những ngày qua, lãnh đạo Sở GTVT đi kiểm tra, rà soát lại từng phương án cụ thể, việc chuẩn bị trên từng cung đường đã làm đến đâu để tiếp tục chỉ đạo đôn đốc thực hiện.
“Phương án chuẩn bị phải sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, đảm bảo khắc phục nhanh giao thông thông suốt nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn lưu thông” - ông Văn Anh Tuấn khẳng định.
Tuân thủ chỉ đạo của Sở GTVT, các đơn vị quản lý, bảo trì các tuyến đường bộ đã khơi thông mương rãnh, lòng cống, lòng cầu, giải quyết thoát nước trên mặt đường, hạn chế xói lở nền đường, mố trụ cầu trước mùa mưa đã tiến hành. Toàn bộ hệ thống cầu đường, các vị trí xung yếu như đoạn đường đèo, dốc được kiểm tra; rà soát đoạn thường xuyên bị ngập lụt để bổ sung cọc tiêu, cọc thủy chí, biển báo tại ngầm, tràn. Với đường thủy nội địa, đơn vị liên quan thanh thải trục vớt các chướng ngại vật trong luồng tuyến. Phương án trung chuyển hành khách nếu đường sắt bị ách tắc cục bộ dài ngày do thiên tai gây ra cũng được xây dựng.
Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam - ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, việc dự phòng vật tư, máy móc và nhân lực tại các tuyến đường bộ xung yếu thường xuyên ách tắc giao thông do mưa lũ đã triển khai. Chẳng hạn với quốc lộ 40B, mùa mưa lũ hay băng qua ngầm Nước Oa và ngầm Sông Trường trên tuyến chia cắt lưu thông dài ngày. Chính vì vậy, doanh nghiệp đã đưa máy móc thiết bị, nguyên vật liệu lên tập kết sẵn tại các điểm xung yếu ở phía tây 2 ngầm này. Để đủ người phục vụ ứng phó, các xí nghiệp, công trường trực thuộc không được cho người lao động nghỉ phép trong mùa mưa bão, trừ các trường hợp đặc biệt. Doanh nghiệp cũng yêu cầu phải dự trữ đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men, dụng cụ sản xuất, phòng hộ lao động để phục vụ cho nhân lực PCTT&TKCN.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, khi sự cố sạt lở, cắt đường xảy ra sẽ tiến hành ngay việc khắc phục, trước mắt phải đảm bảo giao thông bước một. Công ty cũng đã thành lập 2 tổ phản ứng nhanh, giao trách nhiệm cho 2 tổ chủ động huy động máy móc, thiết bị kịp thời lên hiện trường để giải quyết thông xe sớm nhất.