Nỗi lo ngân sách eo hẹp
Những dự án hiệu quả sẽ được bổ sung, xem xét ban hành nghị quyết mới để tái thực hiện, sẽ do HĐND tỉnh quyết định. Nhưng trong bối cảnh nguồn lực ngân sách ngày càng giảm, lấy đâu kinh phí để thực thi các nghị quyết là điều chính quyền phân vân.
Dừng hay tiếp diễn nghị quyết còn hiệu lực?
Sau 3 đợt rà soát, UBND tỉnh đã đề nghị HĐND tỉnh xem xét, quyết định dừng, tiếp tục thực hiện, sửa đổi, bổ sung trong thời gian đến 23 nghị quyết về cơ chế, chính sách (căn cứ phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách); tiếp tục thực hiện 21 nghị quyết quy định chi tiết về điều khoản, điểm… của cơ quan nhà nước cấp trên cho hết giai đoạn (khi cơ quan nhà nước cấp trên ban hành văn bản mới thì sẽ rà soát trình HĐND tỉnh ban hành văn bản cho phù hợp); công bố hết hiệu lực để ban hành văn bản hành chính hoặc tích hợp vào quy hoạch tỉnh trong giai đoạn tiếp theo 20 nghị quyết.
Chỉ đề nghị dừng thực hiện và công bố hết hiệu lực với 3 nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại (2014 - 2020); Cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển một số cây dược liệu (2016 - 2020) và Nghị quyết một số chế độ với TP.Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn và Núi Thành. Tổng vốn đã phân bổ cho 3 nghị quyết này khoảng 930 tỷ đồng. Nhưng hiện ngân sách chính quyền tỉnh và đối ứng địa phương thiếu hụt nên đành buộc phải dừng thực hiện.
Ông Vũ Nguyễn – Phó Giám đốc Sở Tài chính nói thống kê sơ bộ, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh giai đoạn 2016 -2020 xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, nhưng vốn đã phân bổ gần 4.200 tỷ đồng, từ nguồn tăng thu, vượt thu và nguồn cải cách tiền lương còn thừa của ngân sách tỉnh. Sẽ tiết kiệm để thực hiện những nghị quyết có hiệu lực, nhưng sẽ rất khó vì thiếu hụt nguồn thu. Trong khi đó không có cơ sở nào để đánh giá về sự phục hồi của nền kinh tế địa phương. Ngay cả cơ quan tài chính cũng lúng túng trong chuyện này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói gần như ít nhất mỗi năm phải bố trí hơn 1.000 tỷ đồng thực hiện nghị quyết (ngay như các nghị quyết còn lại phải thực hiện trong năm 2020 khoảng hơn 450 tỷ đồng) là khoản kinh phí lớn, trong khi ngân sách eo hẹp là điều hết sức khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh, dù có đề xuất hay không thì những nghị quyết có thời gian thực hiện đến năm 2020 mặc nhiên hết hiệu lực (về mặt thời gian). Muốn thực hiện tiếp tục thì phải bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng lại đề án để thông qua nghị quyết thực hiện cho giai đoạn tiếp theo. Kỳ họp HĐND tỉnh lần này chỉ nghe báo cáo kết quả rà soát. Vấn đề quan trọng là chính quyền có cân đối được kinh phí hay không trong tình trạng hụt thu ngân sách? Không thể cứ soạn thảo trình khi không biết bao nhiêu nguồn lực để thực hiện.
Nguồn lực hạn chế
Không ai nghi ngờ về mục tiêu của những đề án “xin” được tiếp tục, bởi tất cả đều cấp thiết và cho thấy sự hiệu quả trong việc tạo ra nền móng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn hay cải thiện phúc lợi, an sinh xã hội. Tuy nhiên, cũng không thiếu lo lắng khi muốn thực thi hiệu quả các đề án này cần nguồn kinh phí khổng lồ, cả ngàn tỷ đồng. Trong khi ngân sách đang trên đà thiếu hụt, phải “thắt lưng buộc bụng” để đảm bảo chi tiêu, thì lấy nguồn lực đâu để triển khai các đề án, báo cáo như các nghị quyết đã, sẽ ban hành nay mai?
Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính cho hay chính quyền đã ban hành rất nhiều cơ chế, nhưng không có tiền thực hiện. Thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính những nghị quyết còn hiệu lực và những đề án đang trình thì ngân sách phải bỏ ra 1.426 tỷ đồng (hơn 726 tỷ đồng chi đầu tư). Trong khi đó, Quảng Nam có nguy cơ quay về thời trợ cấp ngân sách nên dự toán chi vô cùng khó khăn. Ngân sách dường như không còn khả năng cân đối. Nên bố trí xây dựng, đề xuất dự án theo năng lực địa phương. Ngay như đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH, giao thông nông thôn, năm 2021 phải bố trí khoảng 392 tỷ đồng. Những đề án khác không thể có tiền để triển khai được.
Không chỉ những nghị quyết được yêu cầu tiếp tục mà sẽ có thêm những nghị quyết sẽ được ban hành để thực hiện kế hoạch hành động Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền (chưa thống kê cụ thể là bao nhiêu). Lực ngân sách có hạn đã khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết tình hình ngân sách như hiện tại, dù rất muốn thông qua các nghị quyết sẽ trình HĐND nhưng xét về nguồn lực thì phân vân. Theo ông Thanh, nếu không có nguồn mà vẫn “quyết tâm” thực hiện thì sẽ mất cân đối toàn bộ. Nên chính quyền quyết định rà soát các đề án thích ứng với nguồn lực thực tế. Có những đề án có thể kéo dài tới 10 năm. Một khi vượt qua giai đoạn khó khăn thì trình điều chỉnh.
“Không có tiền sẽ không làm gì được. Ngân sách năm 2021 cũng sẽ rất khó khăn, sẽ không sáng sủa gì hơn năm 2020. Nên sẽ có nhiều nghị quyết phải tạm dừng thực hiện trong năm 2021. Đợi đến khi ổn định, biết trong tay có gì, theo định mức như thế nào mới có thể thực hiện được” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Nguồn lực ngân sách không đủ mạnh để thực thi nghị quyết một cách hiệu quả. Tất cả phải dựa vào khả năng cân đối ngân sách để có thể tiếp tục thực hiện hay bãi bỏ, không thể để kéo dài, không biết tìm đâu ra nguồn lực để chi… đang chờ đợi vào sự phê chuẩn cuối cùng từ HĐND tỉnh!