Ẩn họa từ việc đốt rơm rạ cuối vụ
Trong những ngày qua, vào buổi chiều, tại các cánh đồng nằm ven quốc lộ 1 đoạn qua huyện Quế Sơn và Thăng Bình nông dân thường đốt rơm, gốc rạ, nhiều lúc lửa lan lên bờ cỏ ven lề đường rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Chị Nguyễn Thu Hạnh (ở Quế Sơn) sống gần khu vực cánh đồng cho biết, mỗi lần người dân đốt rơm rạ chị chỉ biết đóng cửa cho khói khỏi bay vào nhà.
Đi qua tuyến quốc lộ gặp lúc người dân đốt đồng, người điều khiển phương tiện giao thông phải quan sát thật kỹ vì khói phủ như sương mù, tầm nhìn bị hạn chế rất nhiều. Chị Nguyễn Thị Long (ở xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) cho biết, đi ngang qua đoạn này, khói làm chị cay mắt, tầm nhìn bị cản trở nên rất nguy hiểm.
Khá nhiều nông dân cho rằng việc đốt rơm, gốc rạ là để diệt sâu bệnh có hại trong đất và tạo lớp mùn đất dinh dưỡng cho vụ mùa sau. Tuy nhiên, theo các ngành chuyên môn, việc đốt rơm, gốc rạ không những tiêu diệt vi khuẩn có lợi mà còn gây vôi hóa đất, mất cân bằng hệ sinh thái đất. Khói sinh ra từ quá trình đốt rơm rạ không chỉ gây ra mùi mà còn ảnh hưởng đến tầm nhìn, đặc biệt trên các đoạn đường giao thông. Khi đốt cháy rơm rạ sẽ sản sinh ra lượng khí CO2, CO, NO2 vào môi trường, gây biến đổi khí hậu và sinh ra các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình nói: “Khi đốt rơm rạ thì lượng dinh dưỡng - mà theo nông dân là có trong đất - sẽ bị phân hủy và sinh ra các khí độc, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, lượng nhiệt sinh ra từ việc đốt rơm rạ sẽ làm vôi hóa và khô cứng bề mặt canh tác. Một số côn trùng có lợi không có chỗ ẩn nấp và bị tiêu diệt”.
Ông Quảng cũng khuyến cáo, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ tình trạng đốt rơm rạ, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho người dân cách thức xử lý rơm rạ hoặc hướng dẫn người dân tận dụng rơm rạ làm nguồn thức ăn sẵn cho trâu, bò, cung ứng rơm cho các khu trồng nấm rơm. Và quan trọng hơn cả là người nông dân cần thay đổi thói quen đốt rơm rạ sau mỗi vụ mùa.