Phẫu thuật tán sỏi thận qua da: Nhiều ưu điểm, tiện lợi cho bệnh nhân

CHÂU NỮ 16/09/2020 08:08

Từ cuối năm 2017 đến nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam triển khai phương pháp tán sỏi thận qua da tư thế nằm ngửa. Đây là phương pháp phẫu thuật hiện đại, và đến nay, chỉ có số ít cơ sở y tế trong cả nước triển khai thực hiện phương pháp này.

Phẫu thuật tán sỏi thận qua da tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: C.N
Phẫu thuật tán sỏi thận qua da tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: C.N

Nhiều ưu điểm

Bác sĩ Trần Văn Thành - Trưởng khoa Ngoại tiết niệu - lồng ngực BVĐK Quảng Nam cho biết, tán sỏi thận qua da tư thế nằm ngửa được xem là “tiêu chuẩn vàng” để điều trị sỏi lớn không ngừng phát triển theo thời gian, giúp giảm tỷ lệ tai biến và biến chứng, đồng thời cải thiện sức khỏe, khả năng và hiệu quả lao động của người bệnh cũng như thuận lợi cho nhân viên y tế.

Tại Việt Nam hiện nay, tán sỏi thận qua da tư thế nằm ngửa chỉ có một vài cơ sở y tế thực hiện. BVĐK Quảng Nam thực hiện phương pháp này từ năm 2017, và đến nay đã trở thành cách thức phẫu thuật thường quy trong điều trị sỏi thận lớn, sỏi thận phức tạp. Đây là phương pháp ít xâm lấn với vết mổ rất nhỏ, cỡ 5 - 7mm nên rất thẩm mỹ. Bệnh nhân ít biến chứng nhiễm trùng vết mổ, thời gian nằm viện ngắn, ít đau, khả năng phục hồi sức khỏe nhanh.

“Nếu như trước đây bệnh nhân từng mổ mở vùng hông lưng thì việc mổ lại là một thách thức cho phẫu thuật viên cũng như tiềm ẩn nhiều biến chứng cho người bệnh, phương pháp lấy sỏi qua da đã giải quyết được vấn đề này”  - bác sĩ Thành nói.

Trong hội thảo về phẫu thuật tán sỏi qua da do BVĐK tỉnh tổ chức vào cuối năm trước, các chuyên gia tiết niệu - thận học hàng đầu Việt Nam đều cho rằng, đây là kỹ thuật mới, ít xâm lấn và là kỹ thuật không thể thiếu trong chuyên ngành phẫu thuật tiết niệu.

“Việc ứng dụng phương pháp phẫu thuật tán sỏi thận qua da là kỹ thuật mới trong phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh ngoại tiết niệu, là kỹ thuật ít xâm lấn trên người bệnh, giúp giảm các phẫu thuật mở, giảm tối đa đau đớn cho bệnh nhân, phù hợp với bệnh nhân từng mổ hở” - các chuyên gia chia sẻ.

Tiện lợi

“Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ tư thế nằm ngửa cải biên dưới hướng dẫn siêu âm trong điều trị sỏi thận - sỏi niệu quản đoạn khúc nối bể thận niệu quản tại BVĐK Quảng Nam” là nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học y dược duy nhất và là một trong 15 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh năm 2020. Nhiệm vụ này nhằm khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân sỏi thận được lấy sỏi thận qua da đường hầm nhỏ tư thế nằm ngửa; đánh giá kết quả phẫu thuật và khảo sát một số yếu tố kỹ thuật của lấy sỏi thận qua da đường hầm nhỏ tư thế nằm ngửa. Kết quả của đề tài là sẽ xây dựng chỉ định điều trị và quy trình kỹ thuật trong thực hành điều trị sỏi thận bằng phẫu thuật tán sỏi qua da tại BVĐK Quảng Nam. (Nguồn: Quyết định 2255/QĐ-UBND ngày 17.8.2020 của UBND tỉnh).

Bác sĩ Thành cho biết, nội soi tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ thường được chỉ định đối với các bệnh có sỏi lớn 1cm, kể cả các sỏi san hô phức tạp và các trường hợp tán sỏi ngoài cơ thể nhưng thất bại. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, BVĐK Quảng Nam phẫu thuật tán sỏi thận qua da tư thế nằm ngửa cho gần 100 bệnh nhân.

Trao đổi với chúng tôi, các bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp này cho biết rất hài lòng. Bà Phan Thị Xuân (62 tuổi, thôn Phú Thạnh, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) bị sỏi thận san hô trước đây từng mổ hở ở một bệnh viện trong khu vực miền Trung, cách đây 1 tháng, bệnh tái phát. Khi xuất hiện cơn đau quặn thận do sỏi thận và biến chứng, bà Xuân nhập Khoa Ngoại tiết niệu - lồng ngực, BVĐK Quảng Nam. Tại đây, bà Xuân được chỉ định phẫu thuật mổ sỏi thận qua da đường hầm nhỏ tư thế nằm ngửa. Lần này, thời gian nằm viện của bà Xuân chỉ 4 ngày.

Gặp bà Phan Thị Xuân trong lần tái khám sau mổ 2 tuần, bà cho biết: Vừa rồi là lần mổ sỏi thận lần thứ 4. Bà từng mổ sỏi thận hở ở bệnh viện tỉnh bạn, lần này được mổ theo cách mới này, bà cảm thấy khác hẳn: không đau nhiều, nhanh khỏe và vết mổ rất nhỏ so với mổ hở.

Trường hợp khác, sau nhiều lần tán sỏi thận vẫn tái phát, cuối tháng 8, ông Bùi Thanh Sơn ở Tam Mỹ Tây (Núi Thành) được chỉ định mổ qua da và ông Sơn, cũng hài lòng khi sức khỏe hồi phục nhanh chóng. Bà Xuân, ông Sơn, được bảo hiểm y tế chi trả, gia đình không phải tốn nhiều chi phí. Được biết, chi phí mỗi trường hợp mổ sỏi thận qua da khoảng 4,8 triệu đồng và được bảo hiểm y tế chi trả. Các chi phí vật tư khác, chưa được bảo hiểm thanh toán, bệnh nhân được bệnh viện hỗ trợ gần như toàn bộ.

CHÂU NỮ