Bảo vệ bờ biển Cửa Đại: Xây đê ngầm phá sóng từ xa
Sau gần 3 tháng thi công, hơn 200m tuyến đê ngầm chắn phá sóng bờ biển Cửa Đại dần hoàn thiện, mở ra kỳ vọng bảo vệ vững chắc bờ biển Hội An trong mùa mưa bão sắp tới.
Ngăn sóng từ xa
Theo thiết kế, công trình đê ngầm chắn phá sóng từ xa khu vực biển Cửa Đại chạy song song cách bờ 250m, vật liệu chủ yếu được làm bằng đá hộc, bê tông… xếp chồng lên nhau nhằm hạn chế tối đa tác động của sóng vào bờ. Sau khi hoàn thành, đê có chiều dài 220m, chiều cao trung bình 4,5m (đỉnh đê nằm dưới mặt nước khoảng 1,5m); chân đế rộng 12m, chóp đê rộng 1,5m.
Ông Lê Đình Sơn - cán bộ kỹ thuật Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam (đơn vị được UBND tỉnh giao thực hiện dự án) cho biết, dự án được khởi công từ tháng 6, dự kiến hoàn thành đầu tháng 10. Đến nay, tiến độ công trình đạt khoảng 80%, phấn đấu dứt điểm trước mùa mưa bão năm nay. “Công dụng chính của đê là giúp phá sóng từ xa, hạn chế sóng tác động vào bờ, đặc biệt giữ cát và nuôi bãi” - ông Sơn cho hay.
Cũng theo ông Lê Đình Sơn, công trình đê ngầm chắn sóng đang thi công chỉ là gói thầu nhỏ trong dự án tổng thể bảo vệ bờ biển Hội An (kéo dài từ Cửa Đại về hướng bắc 5km) đã được Chính phủ thống nhất phê duyệt, kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu ngân sách trung ương và vốn vay của AFD. Dự kiến, đến năm 2025 dự án hoàn thành, nhưng do hạn chế về nguồn vốn nên giai đoạn đầu chỉ sử dụng nguồn vốn trung hạn (khoảng 40 tỷ đồng) để triển khai gói thầu nhỏ.
“Đây là lần đầu tiên Quảng Nam tiến hành giải pháp kè ngầm chắn sóng biển từ xa. Ưu điểm của dự án là giúp nuôi bãi, trả lại bãi cát như ngày xưa, qua đó giúp khôi phục bãi tắm, tạo mỹ quan bờ biển sau này” - ông Sơn chia sẻ.
Kỳ vọng
Từ năm 2011 đến năm 2018, mỗi năm biển xâm thực vào bờ khu vực Cửa Đại hàng chục mét, hàng nghìn tấn đất cát đã bị cuốn trôi. Nhiều giải pháp chống xói lở cục bộ đã được triển khai nhưng hiệu quả chỉ mang tính tạm thời. Năm 2016, UBND tỉnh phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tiến hành nghiên cứu sâu về cơ chế xói lở và bồi tụ các khu vực bờ biển Hội An, trên cơ sở đó xây dựng dự án tổng thể chống xói lở và phục hồi bền vững cho bờ biển Cửa Đại.
Việc triển khai dự án đê chắn phá sóng, tuy mới triển khai một đoạn nhưng đã mở ra kỳ vọng mới, giúp khắc phục những tồn tại về xói lở đã diễn ra dai dẳng lâu nay, mỗi khi đến mùa mưa bão. Thời gian qua rất nhiều dự án riêng lẻ đã được Nhà nước, doanh nghiệp triển khai thực hiện như xây tường, kè chắn sóng bằng đê mềm, đê cứng, mỏ hàng… với kinh phí hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn không thể giữ được bờ cát; bãi biển vẫn bị xé nát; hàng quán, khách sạn vẫn chơi vơi bất lực trước thiên nhiên, sóng biển.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - chủ nhà hàng Biển Dừa ở khu vực Cửa Đại bảo, xói lở trở thành nỗi ám ảnh và lo lắng của tất cả nhà hàng kinh doanh ăn uống dọc biển Cửa Đại. “Mùa hè bãi biển nhìn rất đẹp nhưng đến mùa mưa bão thì không biết hàng quán sụp đổ lúc nào. Hy vọng năm nay có kè, đê chắn sóng từ xa, sạt lở sẽ đỡ hơn” - ông Tuấn nói.
Không chỉ trông chờ vào Nhà nước, thời gian qua một số hộ kinh doanh nhà hàng, doanh nghiệp ven biển Cửa Đại cũng khẩn trương bắt tay xây dựng, gia cố lại công trình của mình. Tại khách sạn Fusion Alya, sau nhiều năm bị bỏ hoang vì biển xâm thực, doanh nghiệp cũng đã xây dựng bức tường bê tông chắn sóng để tiếp tục hoàn thành dự án.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, việc triển khai gia cố, kè chắn bờ biển hay bờ sông đều rất quan trọng và cấp thiết đối với Hội An, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần. Hiện tại, ngoài dự án xây đê chắn sóng ngầm từ xa do tỉnh làm chủ đầu tư, thành phố cũng bố trí khoảng 1 tỷ đồng khẩn trương tu sửa đoạn kè mềm khu vực phía bắc bờ biển Cửa Đại. Theo đó, những bao tải địa kỹ thuật nào bị rách hoặc xô lệch sẽ được xe múc kéo lên vá lành, thêm cát, sắp xếp lại… Mục tiêu các dự án hướng đến tái tạo bờ biển, phục hồi các bãi tắm phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng cho người dân và du khách. Ngoài ra, thời gian qua thành phố cũng lập dự án kè mềm bờ sông đoạn qua xã Cẩm Kim giai đoạn 2 với chiều dài hơn 700m, kinh phí khoảng 7 tỷ đồng, nhưng do dịch Covid-19 bùng phát, kinh phí thiếu nên chưa thể triển khai.