Đợi chờ khắc khoải
Tiếng còi từ con tàu chở hàng chục container rền khắp mặt sông, nêm thêm những bức bối cho dòng người chen kín trên phà lẫn số người đến muộn còn phải chờ trên bến. Nắng dội loang loáng nước, một người đàn bà chở thúng cá chất cao hai bên chiếc xe máy buột miệng: “Biểu đổi cái bảo hiểm dành cho dân xã đảo lấy cái phà bự hơn, hoặc cái cầu qua sông ni, tui đổi cái rẹt liền”.
1. Những điều đã quen, cảm xúc thường cũng hời hợt, đôi khi người ta quên bặt đi cơn cớ mà chấp nhận như một điều mặc nhiên. Riêng dân xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) chịu cảnh “lụy đò” đã từ bao đời nay, nhưng chấp nhận, thì không. Cứ hỏi bất kỳ một người dân xã đảo nào về chuyện phà, người lạc quan nhất cũng buông ra vài câu chua chát kiểu chờ lâu quá nên chả trông mong gì, người “khó tính” hơn thì bao nhiêu than phiền cứ thế tuôn ra như một sự ấm ức dồn nén chẳng biết tìm ai để tỏ bày.
Tôi nối đuôi dãy dài người đợi qua phà, nắng vẫn dội lên đầu. Đợi chờ không hạnh phúc. Là nói vui, bởi cứ thử cảm giác sắp đến lượt mình thì… phà đầy, đứng trên xe máy phơi mình giữa nắng chờ phà rục rịch qua sông, trở lại, rồi lại rục rịch, rục rịch, quen lắm như dân Tam Hải chắc mới kiềm được vài câu oán thán. Nghĩ tới chuyện công nhân sắp vào ca, người đi chữa bệnh, hay gần gụi hơn là cái xe máy chở hai thúng cá của bà cô bên cạnh phải chịu đựng cái sự rục rịch mệt mỏi này, cơn bực bội được phen lên cấp độ cao hơn.
Bà Phạm Thị Lệ Thương (thôn Long Thạnh Đông, xã Tam Hải) nói, phà chật nhưng mùa nắng còn đỡ, nhiều khi mưa phùn gió bấc, đứng đợi phà mà lướt thướt ướt rũ người, mới thấy cám cảnh. “Dân Tam Hải đâu có thua chi nơi khác về chuyện cày cuốc làm ăn, cũng đâu có ù lỳ hay ỷ lại chi. Nhưng quy lại, thua một cái chuyện lụy đò. Có ưng nhanh cũng phải từ từ, chớ phà chưa tới thì chỉ có cách… bay qua sông. Thời đại 4.0 mà cái đò như cái bàn tay, buôn bán chi cũng thiệt. Nói cho dễ hiểu, tôi vừa nuôi, vừa buôn tôm, mà cứ mỗi ký thiệt hơn so với nơi khác tới 4 nghìn đồng, cứ nhân lên cho 200 hồ tôm của Tam Hải ni thì biết mỗi mùa dân thiệt hại biết bao nhiêu. Chi phí vận chuyển thức ăn nuôi tôm thì đắt đỏ, giá bán tôm thì thấp hơn do tư thương ép, chưa kể tôm giống đợi vận chuyển về đến nơi thì cũng suy yếu, giảm năng suất so với các chỗ khác. Cũng đợi phà đợi đò ra chớ đâu. Mà đâu phải chỉ chậm, có hồi còn đứt đoạn do phà hư hỏng, dân chịu sầu chớ cái phà gỗ cũ rích kia đâu chở được bao lăm” - bà Thương nói. Bao nhiêu năm, dân Tam Hải kiến nghị, rồi chờ đợi, niềm mong chẳng biết có như hòn đá ném xuống biển sâu xanh thẳm nơi bến phà…
2. Cái khổ lây qua cả chính quyền địa phương. Tôi gặp anh Phạm Minh Phụng, cán bộ phụ trách giao thông, thủy lợi của UBND xã Tam Hải đang ngồi trực ngay bến. Phụng nói, vận hành cái phà có tất thảy 15 người, chia ba ca, riêng Phụng từ 5 giờ kém đã xuống dưới bến phà trực, chỉ khi nào có việc chuyên môn khác ở xã giao mới rời đi.
“Nội chuyện phụ trách vận hành cái phà đã ngốn của em hết 70 - 80% thời gian làm việc, kiểm tra người mỗi kíp trực, máy móc, xăng dầu, thu vé. Ớn nhất là khi phà bị sự cố, dân gọi la liên tục. Họ thắc mắc có, phàn nàn có, người không bình tĩnh có khi còn lớn tiếng vì lỡ chuyện cần kíp. Đội ngũ vận hành cũng đâu có nghỉ. Phà chạm qua bên bờ là đầy ngay, đi liên tục. Ngày này qua tháng nọ, kiểu gì không hư hỏng, chưa kể còn phải sửa chữa để đăng kiểm định kỳ. Sự cố nhỏ thì ông lái tàu cứ lái, ông bảo vệ cứ bảo vệ, ông thu vé cứ thu vé, còn ông thợ máy thì nhảy xuống hầm nớ mà khắc phục. Mà lương cũng đâu có nhiều nhặn gì cho cam, có anh em chỉ khoảng 3 triệu rưỡi mỗi tháng, nhiều khi khẩn cấp nửa đêm gà gáy là phải phục vụ bà con, không thu tiền. Xã đảo hơn 8.000 dân, chưa kể khách vãng lai cũng khá nhiều, nhất là dịp cuối tuần. Cực thì còn chịu được, chỉ mong phà đừng có hư hỏng gì, nhưng mà chuyện đó mình muốn cũng đâu có được” - Phụng kể một hồi, giọng vừa có vẻ phân trần cho chính mình, vừa giãi bày cho đội ngũ vận hành phà Tam Hải.
Theo Phụng nhẩm tính, mỗi ngày có ít nhất khoảng 40 chuyến, nhưng thường con số sẽ cao hơn, do chuyện “chạy ngoài giờ” khi có trường hợp khẩn cấp diễn ra ngày càng thường xuyên. Tôi đoán định phần nào đó sự ái ngại, khi chính Phụng, đội ngũ vận hành phà lẫn chính quyền địa phương luôn là người “đứng mũi chịu sào” trước những bức xúc của người dân, nhất là khi phà Tam Hải thi thoảng lại bất động vì sự cố.
Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải nói ngay, khi chúng tôi hỏi chuyện phà Tam Hải: “Năm 2010, phà Tam Hải được đầu tư, đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Nhưng từ đó đến nay đã là 10 năm rồi, nhu cầu bây giờ cũng đã quá khác so với thời đó. Không chỉ đi lại của dân bị khó khăn, mà chuyện làm ăn, đầu tư xây dựng của địa phương cũng sẽ chịu tác động. Việc đảm bảo an toàn cho bà con đi lại luôn là áp lực rất lớn. Rồi việc sản phẩm địa phương đi ra ngoài bị tư thương ép giá, bị tăng chi phí đầu tư do phải phụ thuộc vận chuyển. Nguy cơ mất an toàn vẫn hiển hiện khi phà bắt đầu xuống cấp do phải liên tục vận hành từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm mỗi ngày”.
3. Những năm gần đây, Tam Hải liên tục kêu khó về việc đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư xây dựng. Có thời điểm, xe tải chở vật liệu xây dựng đậu hàng dài từ bến phà lên đến ngã ba Tam Quang, mỗi xe chỉ chạy được một chuyến mỗi ngày do phải chờ phà. Có thể thấy rõ những cản trở về kinh tế do việc “lụy đò”.
Theo ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, giải pháp hữu hiệu nhất ở thời điểm hiện tại là xã hội hóa, giao cho doanh nghiệp có năng lực đầu tư phương tiện mới, phục vụ theo kiểu “BOT” tại Tam Hải. Chuyện xưa, nhưng chưa bao giờ cũ, khi nhu cầu của người dân, doanh nghiệp vẫn luôn bức thiết đến… bức xúc. Chính quyền địa phương cho hay, có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư phương tiện phà hiện đại, tải trọng lớn hơn, song việc làm hồ sơ, thẩm định lẫn phương án đấu giá vẫn chưa có.
“Năm nào phà cũng phải dừng vận hành một tháng để sửa chữa định kỳ, chưa tính sự cố rải rác làm gián đoạn hoạt động. Dân Tam Hải chỉ có thể qua lại bằng phà gỗ, hàng hóa phải thuê phương tiện khác chở với giá đắt đỏ. Mới đây, công trình thi công kè chống sạt lở khẩn cấp ở Tam Hải khởi công từ tháng 12.2018, dự kiến hoàn thành vào tháng 4.2019 nhưng phà hư hỏng phải đưa vào sửa chữa làm công trình gián đoạn, phải gia hạn nhiều lần. Khẩn cấp, song phải đến tháng 8 vừa qua mới hoàn thành, mức độ xâm thực của biển cũng đã ảnh hưởng ít nhiều so với tiến độ ban đầu. Đó chỉ là một trong số rất nhiều công trình xây dựng cơ bản chậm tiến độ ở nơi này, áp lực giải ngân nguồn vốn khiến chính quyền địa phương rất đau đầu” - ông Hùng thông tin.
Phà Tam Hải thành “cổ chai”, bóp dòng chảy phát triển, kiềm hãm “giấc mơ du lịch” của xã đảo. Khách đến không phải là ít, nhưng chuyện giao thông cách trở thành nỗi phiền toái để họ cân nhắc việc trở lại. Mỗi ngày, có khoảng 20 lượt tàu tải trọng trên 10 vạn tấn lừng lững đi qua, đủ để hiểu chuyện làm cầu là phương án bất khả thi, nên giải pháp được nhấn mạnh là đầu tư một chiếc phà mới tải trọng hơn 50 tấn, cùng với việc mở rộng bến bãi phục vụ việc đi lại.
“Chính quyền đã bị chỉ trích rất nhiều, trong khi chúng tôi phải điều hành, quản lý mọi mặt về việc vận hành phà Tam Hải. Uy tín chính quyền bị ảnh hưởng, áp lực thì lớn, chúng tôi cũng như người dân, rất mong chờ chủ trương phù hợp để có một chiếc phà hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu đi lại lẫn phát triển kinh tế, xã hội, du lịch địa phương” - ông Hùng nhấn mạnh.
Nỗi đợi chờ khắc khoải bên kia sông, vọng theo những chuyến phà. 5 năm, 10 năm, lâu hơn thế nữa, họ đã và vẫn phải “lụy đò”!