Bia đá lưu danh làng nghề

NGUYỄN HOÀNG THÂN 13/09/2020 06:23

Làng nghề truyền thống đất Quảng phong phú và đa dạng, bao gồm những làng nghề của cư dân bản địa, của người xứ Bắc nam tiến, từ ngoại quốc truyền vào. Sản phẩm làng nghề đất Quảng không chỉ là đồ dùng tại địa phương mà còn dâng tiến cho triều đình, thậm chí còn là sản vật bang giao và mua bán quốc tế. Làng nghề truyền thống đất Quảng được ghi chép chủ yếu trong các thư tịch Hán Nôm bằng chất liệu giấy. Đặc biệt có 3 làng nghề nổi tiếng từ xưa đến nay còn được lưu dấu trong văn bia, gồm: làng nghề đá Non Nước, nghề gốm Thanh Hà và nghề khai thác yến sào Thanh Châu.

Làng gốm Thành Hà. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Làng gốm Thành Hà. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

GỐM THANH HÀ NỨC TIẾNG GẦN XA

Cư dân đất Quảng xưa đã biết dựa vào điều kiện tự nhiên có sẵn của địa phương để sản xuất. Tùy theo từng vùng, từng thời điểm mà có những nghề và làng nghề khác nhau. Trong đó, làng nghề làm gốm Thanh Hà (TP.Hội An) nức tiếng xa gần…

Địa danh mang nghĩa làng nghề

Làng nghề gốm Thanh Hà hiện nay là một địa điểm du lịch quan trọng của Hội An, cùng với một khu du lịch tái hiện và trưng bày tinh hoa nghề gốm là Công viên văn hóa Đất nung Hội An. Làng Thanh Hà có lịch sử hình thành từ lâu đời, muộn nhất từ thời thành lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam năm 1471. Nơi đây có nhiều địa danh về mặt ngữ nghĩa liên quan đến làng nghề gốm.

Trong các tư liệu văn khế mua bán đất đai của làng Thanh Hà xuất hiện các từ: Cương lô (缸 炉), Diêu lô (窑 炉). Cương có nghĩa là vại, ang, chum… thuộc về đồ sành; diêu có nghĩa là đồ gốm; lô có nghĩa là lò. Đặc biệt, địa danh ấp Nam Diêu (南 窑) rất nổi tiếng và nay trở thành một khối phố của phường Thanh Hà. Trong địa danh Nam Diêu thì chữ “diêu” liên quan đến đồ gốm. Nam Diêu có khu miếu tổ nghề gốm mà hay gọi là khu miếu tổ nghề gốm Nam Diêu.

 

Theo các nhà nghiên cứu, làng nghề gốm Thanh Hà cũng được hình thành cùng với giai đoạn lập làng, do những cư dân Thanh Hóa nam tiến đã mang theo. Song, niên đại sớm nhất về làng nghề gốm Thanh Hà cho đến nay vẫn chưa xác định được.

Trong điều kiện thư tịch hiện tại, làng nghề gốm Thanh Hà được nhắc đến vào giữa thế kỷ 18. Theo Thái Mỹ, tài liệu Hán Nôm làng Minh Hương Hội An là cuốn sổ Ngân lễ có niên đại 1747 (do Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An lưu trữ) chép rằng: “Viên chức làng Minh Hương cử người đến Thanh Hà mua 7 cái chậu để trồng một số loài hoa quý hiếm biếu quan Cai án kiêm Tri tàu vụ…”. Thời điểm hình thành làng nghề đến khi làng nghề có sản phẩm trở thành mặt hàng thương mại và làm quà tặng là một quá trình lâu dài. Từ đó cho thấy làng gốm Thành Hà có thể hình thành từ sớm hơn nữa.

Văn bia miếu tổ nghề

Khu miếu tổ nghề gốm Nam Diêu thuộc khối Nam Diêu, phường Thanh Hà, TP.Hội An có 2 tấm bia đá nói về việc công đức trùng tu miếu Nam Diêu. Hai tấm bia này thuộc cùng một đơn vị văn bản văn bia, nhưng lại bị chia thành 2 tấm bia để phân biệt ghi tên người công đức là nam và nữ. Hai tấm bia này được làm bằng cẩm thạch màu trắng và ốp vào tường của miếu Tổ nghề gốm Nam Diêu.

Văn bia trùng tu miếu Nam Diêu do Tú tài Nguyễn Tải phụng chí. Nội dung có đoạn: “Nay, may sao đồng nhân khuyến lệ, lòng thành, sức góp nhất tề, đều nói thay tùng đổi bách để chẳng còn một chút nào hư hỏng, như làm nhà thì phải toàn ngói cho thế được an toàn. Rồi bèn xây trên nền cũ, chế biến quy mô mới, mọi thứ đều thay đổi, một lần chấn chỉnh, trên có lầu cao, dưới có tẩm rộng, phô vẻ tôn nghiêm. Trong thì tiền đường, ngoài có hạ hiên, dạng thêm tráng lệ. Rồi đến ngày hoàn thành, tổn phí hơn 300 đồng bạc. Đẹp đẽ cả trăm năm, mắt kẻ bàng quan nay càng khen ngợi, đều do sức chung để thờ thần” (Nguyễn Bội Liên dịch).

Phần nội dung chính của văn bia không thể hiện rõ về dấu vết làng nghề gốm, nhưng phần họ tên người công đức đã có được một số thông tin liên quan đến nghề gốm Thanh Hà lúc bấy giờ. Đó là những từ ngữ “Nguyên tượng mục lão nhiêu Ngụy Khuê”, “Phụng hỏa xuất nhập lão nhiêu Nguyễn Bình”, “Nguyên ngõa tượng lão nhiêu Lê Từ”, “Nguyên ngõa tượng lão nhiêu Nguyễn Thành”. Những danh xưng “tượng mục” (có thể hiểu là chủ thợ), “phụng hỏa xuất nhập” (người phụ trách đốt lò), “ngõa tượng” (thợ ngói) chính là thể hiện các công việc và phân nghề cụ thể của nghề làm gốm, nghề đất nung.

Làng nghề gốm Thanh Hà nhờ văn bia mà lưu giữ ký ức làng nghề “bền như đá” và nhờ đó truyền mãi cho đời sau.

NON NƯỚC LƯU TRÊN ĐÁ

Làng đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) trước kia thuộc về làng Quán Khái, hình thành từ thế kỷ thứ 17. Theo Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, làng Quán Khái này gồm Quán Khái Đông giáp và Quán Khái Tây giáp, thuộc tổng Hà Khúc, huyện Hòa Vang, xứ Quảng Nam. 

Nghề đá Non Nước.
Nghề đá Non Nước.

Lưu dấu làng nghề

Các thư tịch cổ trước đây lại không nhắc đến lịch sử hình thành làng nghề. Tư liệu dùng để nghiên cứu làng nghề đá chỉ có thể dựa vào nguồn tư liệu văn bia. Một trong những sản phẩm đá để khẳng định thời điểm nghề đá thủ công truyền thống của đất Quảng được hình thành là những tấm bia mà trên đó còn lưu dấu của niên đại tạo tác văn bia. Còn sản phẩm đá gia dụng khác thường không có niên đại nên khó hoặc không đủ dữ liệu để xác định mốc thời gian hình thành làng nghề đá thủ công.

Tấm bia có niên đại sớm nhất ở đất Quảng là bia mộ tiền hiền tộc Trần được lập vào năm 1498 hiện còn ở Hội An. Song, tấm bia này chưa đủ độ tin cậy. Văn bia 2 ngôi mộ cổ của vợ chồng ngài Câu kê họ Lê, mộ ông lập năm 1638, mộ bà lập năm 1645 (thuộc khu vực núi Non Nước hiện nay); 2 bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc (1631) và Phổ Đà sơn linh trung Phật (1640) trên ngọn Thủy Sơn (Ngũ Hành Sơn) không có thông tin về người khắc đá. Chỉ trên bia Phổ Khánh tự bi (1678) mới có dòng chữ “san tượng Quán Khái xã” (thợ khắc đá xã Quán Khái).

Như vậy nghề đá thủ công truyền thống này của đất Quảng được hình thành muộn nhất cũng từ thế kỷ thứ 17. Đồng thời các nhà nghiên cứu ở TP.Đà Nẵng dựa vào tấm bia mộ tiền hiền tộc Huỳnh Bá lập vào thời Bảo Đại để cho rằng “tượng đá xã Quán Khái do tộc Huỳnh Bá khai sinh đầu tiên”.

Mục Núi sông của tỉnh Quảng Nam trong Đại Nam nhất thống chí có chép: “Năm Minh Mạng thứ 6, ngự giá Nam tuần, lên núi Tam Thai, xem khắp danh thắng, nhân đặt tên cho các động và khắc vào đá, có những tên: động Huyền Không, động Linh Nham, động Lăng Hư, động Vân Thông, động Tàng Chân, hang Vân Nguyệt và hang Thiên Long”. Điều này khẳng định vào năm 1825, các thợ đá địa phương đất Quảng đã rất khéo léo về nghề, có thể đu mình để khắc chữ trên các vách đá cheo leo, chênh vênh. Hiện còn thác bản văn bia Hoa Nghiêm động thạch giả do Viện Viễn Đông bác cổ (E.F.E.O) sưu tầm (N0 12620 a, b) cùng 2 tấm bia Vọng Giang đài, Vọng Hải đài dựng năm Minh Mạng thứ 18 (1837) là những văn bia lưu dấu làng nghề đá Non Nước.

Mang chuông đi đánh xứ người

Một vinh dự của làng đá mỹ nghệ Non Nước là nghệ nhân của làng đã trực tiếp khắc chữ cho văn bia Võ Trường Toản (1909 - 1792, danh sĩ ở Gia Định). Hiện nay, tại đền thờ Võ Trường Toản ở Bến Tre còn một tấm bia nói về thân thế, hành trạng của ông. Văn bia này do Phan Thanh Giản soạn vào năm Tự Đức 20 (1867), Trương Ngọc Lang người Minh Hương tỉnh Vĩnh Long dựng năm 1872. Thời gian soạn bia đến thời gian dựng bia mất 5 năm là do việc tấn công của Pháp vào nơi này làm cho việc khắc và dựng bia phải dừng lại – “thợ khắc bỏ dở công việc”.

Thông tin của văn bia này còn cho biết, người viết chữ là Trương Đức Hinh người Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc); người khắc chữ là Huỳnh Bá Khao/Nghiêu người phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Văn bia này làm bằng chất liệu đá cẩm thạch trắng, một loại đá phổ biến và nổi tiếng ở Ngũ Hành Sơn, nhưng chưa rõ là đá bia này được lấy đá từ nơi nào. Một thông tin chắc chắn người khắc bia là người của đất Quảng. Có thể lúc bấy giờ người này khăn gói vào Vĩnh Long “hành nghề” để khắc bia Võ Trường Toản hoặc gia đình ông đã di cư vào Lục tỉnh lúc đó (hay trước đó). Dù thế nào thì người của làng nghề đá Non Nước cũng đã mang nghề đi xa.

Đặc biệt, dưới triều vua Tự Đức, nhiều nghệ nhân ở làng Quán Khái như Cửu Đàn Huỳnh Bá Triêm, Nguyễn Văn Đệ được triệu về kinh làm đốc công theo dõi việc điêu khắc đá ở các cung điện, lăng tẩm. Nhìn chung, nguồn tư liệu văn bia đất Quảng góp phần nghiên cứu về lịch sử hình thành làng nghề đá ở đất Quảng mà các thư tịch khác không có được. Đó chính là giá trị tư liệu quan trọng của văn bia đất Quảng đối với làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước của Đà Nẵng hiện nay.

SẢN VẬT QUÝ CỦA THANH CHÂU

Làng nghề yến sào Thanh Châu nay thuộc Cù Lao Chàm, phường Tân Hiệp, TP.Hội An. Tổ yến tự nhiên trên đảo này là sản vật quý hiếm nổi tiếng xưa nay.

Khai thác yến sào ở Cù Lao Chàm.
Khai thác yến sào ở Cù Lao Chàm.

Sử đá làng nghề yến sào

Làng nghề yến sào được hình thành từ thế kỷ thứ 16 dưới thời chúa Nguyễn. Làng Thanh Châu ra đời khá sớm, vào cuối thể kỷ thứ 15. Thanh Châu, vào thời Lê Quý Đôn viết Phủ biên tạp lục, là xã thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa; vào thời Nguyễn, là xã thuộc tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Yến sào: sản ở đảo Đại Chiêm (Cù Lao Chàm), có yến hộ để đi lấy, đồng niên phải nộp 80 lạng”.

Hiện trong số văn bia đất Quảng có 4 văn bia có đề cập nghề yến sào: Trùng tu thần từ bi (N0 19349) lập năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), Thần từ bi ký (N0 19348) lập năm Tự Đức thứ 7 (1854), Vô đề (N0 19350) lập năm Tự Đức thứ 7 (1854). Các văn bia này đều do do Viện Viễn Đông bác cổ (E.F.E.O) sưu tầm, đặt tên. Riêng văn bia Thanh Châu Yến hộ miếu bi (do tác giả sưu tầm, đặt tên) lập năm Tự Đức thứ 1 (1848).

Nội dung của Thanh Châu Yến hộ miếu bi như sau: “Nhặt vật quý đất Nam châu, (để) dâng (làm) món ngon cửa Bắc khuyết (cung vua). Vua ban thưởng công lao, mà tước phong vinh hiển, người người ngưỡng vọng; (vua khen tặng) ơn đức, mà miếu linh được xây dựng, ngọc cốt kính giấu nơi vượng địa, sinh khí như giữ tồn núi yến mãi mãi vững bền ở trời Nam, công lớn lâu dài. (…). Các hộ làm nghề yến sào của xã Thanh Châu đồng bái. Hồ Văn Hòa giữ chức Phó Quản cơ gia nhị cấp, (người) tầm thường gia nhất cấp, vẫn Lãnh quản Yến hộ đồng bái”.

Nội dung văn bia này cho biết ông Hồ Văn Hòa cùng những hộ khai thác yến sào đã đứng ra trùng tu lại miếu thờ Tổ nghề yến. Như vậy từ trước 1848, nghề khai thác yến sào ở Quảng Nam đã phát triển và lập được miếu thờ Tổ nghề. Đây là tư liệu bổ sung cho các bộ thư tịch như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, Xứ Đàng Trong năm 1621 của Borri… Sách Đại Nam nhất thống chí có chép, về phía tây Cù Lao Chàm chừng 3 dặm, có hòn Lồi, về phía nam chừng 7 dặm có hòn Tai, về phía bắc chừng 10 dặm có hòn La, về phía tây bắc chừng 17 dặm có hòn Khô lớn, hòn Khô nhỏ, hòn Dài, hòn Mậu. Phía nam hòn Tai có hang đá, chim yến tụ tập, tục gọi hòn Yến, chim yến thường ở hai bên động nhả nước dãi để làm tổ, yến hộ lấy nộp.

Tiền nhân nghề yến “trú sào” trong đá

Ba văn bia Thần từ bi ký (N0 19348) lập năm Tự Đức thứ 7, Trùng tu thần từ bi (N0 19349) lập năm Thiệu Trị thứ 6, Vô đề (N0 19350) lập năm Tự Đức thứ 7 cung cấp nguồn sử liệu về những thông tin cá nhân có liên quan đến nghề yến sào, thông qua việc công đức xây dựng, trùng tu miếu thờ thần của họ. Bia Thần từ bi ký có ghi các tên: Cáo thụ Tín Nghĩa Đô úy Phó thân quân hiệu Phó quản cơ gia tam cấp nhưng lãnh Quản yến hộ Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa cai tam hộ Hồ Văn Hòa; Quảng Nam Yến hộ Hộ trưởng Hồ Văn Học; Bình Định Yến hộ Hộ trưởng Hồ Văn Trùy; Yến hộ Thư lại Phạm Văn Vũ...

Bia Trùng tu thần từ bi có ghi họ tên chức danh: Thanh Châu xã Phó quản cơ nhưng lãnh Yến hộ Hồ Văn Hòa lập bia. Bia Vô đề ghi tên Thanh Châu Đông Giáp Yến hộ Thư lại Nguyễn Văn Tố lập bia để phụng cúng. Nội dung những văn bia trên cho thấy việc khai thác yến sào từ vùng đất Quảng Nam cho đến Khánh Hòa ngày nay đều do người (tỉnh) Quảng Nam quản lý.

Những tiền nhân nghề yến sào Hồ Văn Hòa, Hồ Văn Học, Hồ Văn Trùy, Phạm Văn Vũ, Nguyễn Văn Tố… đã làm “sào” trên bia đá để “yên trú” dễ đến gần 200 năm nay và sẽ còn tiếp tục ngàn đời sau.

THANH ÂM NHỮNG PHIẾN ĐÁ LÀNG NGHỀ

Văn bia đất Quảng đã góp phần bổ sung và điền khuyết cho tư liệu thành văn, thậm chí là tư liệu chính thống của Quốc sử quán triều Nguyễn về làng nghề truyền thống của địa phương xưa. Tư liệu văn bia đã phần nào xác định được mốc thời gian về sự hình thành các làng nghề của địa phương và lưu nhắc một số nhân vật liên quan đến làng nghề.

Nếu trong điều kiện chưa thể tìm được những nhân vật xưa hơn thì có thể chọn những người được nhắc đến trong văn bia xưa làm “tổ nghề”, ví dụ “tổ nghề” nghề khai thác yến sào chẳng hạn. Nghề đá Non Nước phát triển liên tục từ xưa đến nay và giờ trở thành “làng đá mỹ nghệ Non Nước” nổi tiếng, nâng lên một tầm mới với yếu tố “mỹ nghệ”. Văn bia liên quan đến làng nghề đá Non Nước chính là bệ đỡ và phản ánh hành trình lịch sử làng nghề gần nửa thiên niên kỷ.

Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, nghề gốm Thanh Hà và nghề khai thác (bao gồm nuôi dưỡng, sản xuất) yến sào Hội An hiện nay trở thành một tài nguyên du lịch, thì những văn bia về 3 làng nghề này càng là một tài nguyên để khai thác phát triển du lịch. Du khách nhìn những tấm bia đá này như đối diện với tiền nhân. Những văn bia về nghề khai thác yến sào, nghề gốm cổ truyền ở Hội An đã được cắm biển chỉ dẫn cho khách du lịch tham quan. Văn bia liên quan nghề đá Non Nước đang nằm ở chùa Phổ Khánh (Đại Lộc) cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 30km hoặc văn bia đền thờ Võ Trường Toản ở Tây Nam Bộ.

Thông qua nội dung thông tin trong văn bia, người ta có thể hiểu biết hơn về sự hình thành, phát triển, tổ chức hoạt động, những quy định làng nghề… của làng nghề đá Non Nước, nghề làm gốm và làng nghề khai thác yến sào ở Hội An thuở nào.

NGUYỄN HOÀNG THÂN