Số lượng động vật hoang dã trên thế giới giảm mạnh

NAM VIỆT 10/09/2020 17:02

(QNO) - Ngày 10.9, các nhà khoa học đưa ra báo cáo Chỉ số hành tinh sống năm 2020, kêu gọi phục hồi thiên nhiên và cứu lấy con người.

Lợi ích từ việc bảo vệ động vật hoang dã là rất lớn. Ảnh: India
Số lượng động vật hoang dã giảm mạnh. Ảnh: India

Theo đó, các quần thể động vật, chim và cá trên toàn cầu đã giảm mạnh trong vòng chưa đầy 50 năm, chủ yếu do các hoạt động của con người. Cạnh đó là sự suy thoái nghiêm trọng 3/4 diện tích đất và 40% đại dương. Sự tàn phá thiên nhiên ngày càng nhanh đó có thể gây ra những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe và sinh kế của chính người dân toàn cầu.

Báo cáo Chỉ số hành tinh sống (Living Planet Index) năm 2020 đã theo dõi hơn 4.000 loài động vật có xương sống và cảnh báo rằng nạn phá rừng tràn lan, săn bắt trái phép, tiêu thụ quá mức, biến đổi khí hậu, mở rộng các hoạt động sản xuất nông nghiệp, du lịch… ngày càng tăng là những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm số lượng lớn động vật có vú, chim, cá và bò sát kể từ năm 1970.

Báo cáo trên là sự hợp tác giữa Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Động vật học Luân Đôn nhằm theo dõi các quần thể động vật hoang dã trên khắp thế giới.

Các nhà khoa học cho rằng, việc phá hủy thiên nhiên không chỉ gây mất cân bằng sinh thái mà cũng đang đưa con người đến gần hơn với động vật hoang dã, thúc đẩy sự gia tăng các đại dịch toàn cầu như đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) đang hoành hành trên thế giới, đến nay cướp đi sinh mạng của hơn 900 nghìn người.

Tổng Giám đốc WWF - ông Marco Lambertini nói với hãng tin AFP về sự mất mát đáng kinh ngạc của đa dạng sinh học trên trái đất kể từ năm 1970, rằng trong năm 2016 các nhà khoa học nhận thấy mức suy giảm 60% động vật hoang dã trong số hơn 4.000 loài được nghiên cứu, bây giờ các nhà khoa học cho thấy giảm 70%. Ông Marco Lambertini nói, tất cả điều này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn so với hàng triệu năm mà nhiều loài sinh vật đã sống trên hành tinh.

Lãnh đạo WWF cho rằng, sự suy giảm động vật hoang dã sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dinh dưỡng, an ninh lương thực và sinh kế của hàng tỷ người trên hành tinh này.

Điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải có hành động phối hợp toàn cầu ngay từ bây giờ để ngăn chặn sự suy giảm, đồng thời phục hồi đa dạng sinh học và quần thể động vật hoang dã. Như con người nên giảm lãng phí thực phẩm, ưu tiên chế độ ăn lành mạnh và thân thiện với môi trường hơn, kết hợp những nỗ lực bảo tồn nhằm ngăn chặn sự suy giảm số lượng các loài động vật trong tương lai.

Báo cáo Chỉ số hành tinh sống của năm 2020 được đưa ra trước thềm thảo luận của Đại hội đồng Liên hiệp quốc sắp tới, dự kiến ​​sẽ xem xét các Mục tiêu phát triển bền vững, Thỏa thuận chung Paris và Công ước đa dạng sinh học. Trong đó nhằm tìm ra tiếng nói chung để bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

NAM VIỆT