Chi trả hỗ trợ Covid-19 ở Hội An: Tránh phức tạp nảy sinh

QUỐC HẢI 10/09/2020 15:18

(QNO) - TP.Hội An vừa sơ kết công tác chi trả chính sách theo Nghị quyết số 42/NQ-CP (ngày 9.4.2020) của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhiều kinh nghiệm được đúc kết cho việc thực hiện trong thời gian tới.

TP. Hội An họp rút kinh nghiệm.
TP.Hội An họp rút kinh nghiệm việc chi trả chính sách theo Nghị quyết số 42/NQ-CP. Ảnh: QUỐC HẢI

Nhiều tồn tại

Từ khi triển khai thực hiện chế độ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đến nay, Hội An đã chi hơn 16 tỷ đồng. Trong đó có 6.114 đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, khẩu nghèo và cận nghèo được chi trả hơn 8,9 tỷ đồng; 13/13 xã, phường hoàn thành công tác chi trả cho 283 đối tượng 2 và 3 với số tiền 283 triệu đồng; 9 xã, phường hoàn thành việc chi hỗ trợ cho 5.019 đối tượng 4 hơn 5 tỷ đồng. Phòng LĐ-TB&XH cũng đã chi hỗ trợ 1.081 lao động thuộc đối tượng 1 của 28 doanh nghiệp với kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng.

Ông Lê Viết Phúc - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An cho biết, việc tổ chức chi trả trong thời gian giãn cách xã hội được các đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm, thực hiện đúng quy trình phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, việc rà soát chấm trùng của ngành LĐ-TB&XH khá vất vả, số lượng nhiều, thuộc nhiều nhóm đối tượng, nhiều cấp quản lý. Trên địa bàn Hội An, người lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp gần 2.000 người, chủ hộ kinh doanh kê khai thuế hơn 100 triệu đồng có hơn 500 trường hợp nên việc rà soát chấm trùng và loại trừ chuyển đối tượng là không dễ dàng, dễ bị sót lọt.

Các đối tượng nhận tiền hỗ trợ tại Phòng LĐ-TB&XH.
Người dân nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP tại Phòng LĐ-TB&XH Hội An. Ảnh: QUỐC HẢI

Trong quá trình tổ chức thực hiện, có địa phương thiếu nhất quán trong khâu giải đáp chính sách, xác định đối tượng, trình tự thủ tục... Có trường hợp người lao động tự do khai tại hộ kinh doanh này không đủ điều kiện thì khai qua hộ kinh doanh khác; đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng khai qua diện lao động tự do; đang đóng bảo hiểm xã hội đến thời điểm hiện nay vẫn khai lao động tự do. Có trường hợp chủ hộ kinh doanh có doanh thu kê khai thuế hơn 100 triệu đồng và kể cả dưới 100 triệu đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng thì chuyển qua lao động tự do.

Trong việc áp dụng chính sách, hầu hết địa phương đều yêu cầu người lao động phải xác nhận địa điểm làm việc, tuy nhiên có địa phương không yêu cầu mà tự xác nhận là không đủ cơ sở. Một số trường hợp người lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp nhưng không ký hợp đồng thì lại chuyển qua diện lao động tự do. Việc thụ lý hồ sơ còn thiếu kiểm tra thông tin dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, cụ thể như việc thiếu thông tin số chứng minh nhân dân, số thẻ bảo hiểm y tế...

Cần nắm chắc nghiệp vụ

Từ nay đến hết 30.9.2020, Hội An tiếp tục thẩm định hồ sơ tháng 5, 6 cho các đối tượng 2, 3, 4. Trên cơ sở kết luận của Cục Thuế Quảng Nam về việc chuyển thông tin liên quan đến việc thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Phòng LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục trình UBND thành phố phê duyệt danh sách người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong doanh nghiệp phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, kể cả người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc Chi cục Thuế thành phố quản lý.

Trước mắt, 4 xã, phường còn lại là Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Thanh Hà, Cẩm Kim phải tiến hành chi trả chế độ tháng 4 sau khi có quyết định phê duyệt, đồng thời tiếp tục xây dựng hồ sơ cho các đối tượng để hỗ trợ tháng 5 và 6. Về trình tự và thủ tục hồ sơ vẫn phải thực hiện theo quy trình trước đây, đặc biệt là rà soát thật kỹ số lao động đã có việc làm, kể cả đối tượng bổ sung nếu đủ điều kiện thụ hưởng mà bị sót lọt hoặc thiếu thông tin nên chưa kê khai để đưa vào danh sách. Đối tượng 4 bổ sung tháng 4 tại Hội An hiện có hơn 1.300 người và phải được kết thúc vào ngày 14.9.2020.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP tác động đến nhiều đối tượng, vì vậy khâu quan trọng nhất là phải nắm vững các quy định, nghiệp vụ phải chắc tay. Cán bộ xã, phường và thôn, khối phố cần phải được tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ hơn để tránh những phức tạp nảy sinh. Về nguồn kinh phí thì thành phố xem đây là ưu tiên hàng đầu”.

QUỐC HẢI