Dịch đã ngớt nhưng "bệnh" sẽ còn "trong vô tận"

TƯỜNG MINH 10/09/2020 12:46

(QNO) - Ca dương tính rồi lại âm ở Bệnh viện C Đà Nẵng ngày 6.9 có vẻ như là một cú hù dọa người dân đang từng ngày nín thở. Thực tế thì đến hôm nay (10.9), Đà Nẵng đã có 12 ngày không có ca mắc Covid-19 mới và là ngày thứ 14 không có ca lây lan trong cộng đồng. Cùng với việc nới lỏng giãn cách xã hội, dịch ở Đà Nẵng đã bắt đầu ngớt. Tuy nhiên, “bệnh” của thành phố này thì sẽ còn “trong vô tận”.

Y bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện C Đà Nẵng vẫn đang làm việc trong môi trường căng thẳng và nguy hiểm. Ánh: MINH TẠO
Y bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện C Đà Nẵng vẫn đang làm việc trong môi trường căng thẳng và nguy hiểm. Ánh: MINH TẠO

Nỗi nhớ đáng sợ hơn cái chết

“Tình hình dịch bệnh khả quan hơn nhiều rồi, nên sáng nay em trực mà có thể nhắn tin được cho mọi người”. Đó là những dòng tin nhắn của Nguyễn Minh Hải bạn tôi, nữ bác sĩ ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện C Đà Nẵng.

Nguyễn Minh Hải là một trường hợp khá thú vị trong đợt dịch bệnh bùng phát vừa rồi. Hơn tháng trước, khi ca dương tính đầu tiên được phát hiện ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện C Đà Nẵng (bệnh nhân 460), hôm ấy đúng ca trực của Hải. Tuy nhiên do có việc đột xuất phải ra ngoài giải quyết nên một bác sĩ khác thay cho Hải thăm khám bệnh nhân 460. Vậy nên, thay vì thành F1 và bị các ly tập trung trong bệnh viện như các đồng nghiệp khác, Hải chỉ là F2 và được cách ly tại nhà.

Tuy nhiên sau 14 ngày, cùng lúc Bệnh viện C Đà Nẵng được gỡ phong tỏa, Hải vào ca và ở lại luôn trong bệnh viện đến nay tròn một tháng. “Những ngày đầu, em và đồng nghiệp (hơn 60 người gồm bác sĩ và y tá) ăn ngủ la lết đúng nghĩa luôn trong bệnh viện. Hơn một tuần sau, tụi em mới được cho ra ăn ngủ ở một khách sạn do thành phố hỗ trợ, hằng ngày có xe đưa đi đón về bệnh viện” - Hải kể.

Và mới đây, ngày 6.9, khi ca dương tính (sau đó âm tính) được phát hiện ở Bệnh viện C Đà Nẵng, hôm đó cũng đúng ngay ca trực của bác sĩ Nguyễn Minh Hải. Tuy nhiên lần này thì không ai phải đi cách ly cả do tất cả y bác sĩ đều mặc đồ bảo hộ khi thăm khám.

Đáng nói là trong khi Bệnh viện C Đà Nẵng đã được gỡ phong tỏa tròn một tháng, dịch đã ngớt và các khoa phòng khác đã trở lại làm việc bình thường thì bác sĩ Nguyễn Minh Hải cùng hơn 60 bác sĩ, y tá của Khoa Cấp cứu vẫn mặc đồ bảo hộ 24/24. Và lúc nào cũng khẩn trương như lúc cao điểm bởi đây là tuyến đầu để tiếp nhận và sàng lọc, xét nghiệm bệnh nhân. Ai âm tính thì sẽ chuyển xuống các khoa phòng điều trị, ai dương tính thì chuyển lên Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Nghĩa là, nguy hiểm vẫn luôn rình rập đối với bác sĩ Nguyễn Minh Hải cùng hơn 60 đồng nghiệp từng giờ. Hỏi “em có sợ chết không?”. Hải cười: “Bác sĩ cũng là con người bằng xương thịt và không phải tự nhiên mà tụi em có lời thề Hippocrates (được xem là tuyên ngôn của ngành y). Nhưng với em thì nỗi nhớ các con, nhớ chồng, nhớ người thân còn đáng sợ hơn cả cái chết”.

Hải làm tôi giật mình bởi mấy hôm trước, trong khi phỏng vấn những lao động tự do người Nghệ An trốn khỏi Đà Nẵng bằng cách đi bộ, tôi hỏi “điều gì khiến tụi em phải bất chấp hiểm nguy đi bộ suốt 12 tiếng xuyên đèo Hải Vân để thoát khỏi tâm dịch Đà Nẵng?”. Và câu trả lời cũng tương tự như của Hải: “Tụi em không sợ dịch, không sợ chết, chỉ sợ đói và trên tất cả, tụi em sợ không vượt qua được nỗi nhớ vợ con, người yêu… luôn cồn cào ở quê nhà”.

Hải kể: “Hơn một tháng nay, em chỉ có 2 lần liều mạng chạy về thăm chồng con vì không chịu được nhớ, mỗi lần như vậy tầm 2 tiếng qua quýt nói với nhau vài câu qua khẩu trang rồi lại vào bệnh viện. Mỗi lần rời nhà, lòng em như ai xé ra khi nghe mấy đứa nhỏ khóc gọi mẹ nhưng em nghiến răng bước đi vì không còn cách nào khác…”.

Còn dưới đây là những ghi chú của một bác sĩ nam (đồng nghiệp của Hải) đi kèm những bức hình trên Facebook: “Trằn trọc, chập chờn, lúc được ngủ thì lại không tài nào nhắm mắt, có lẽ do khoảng thời gian 4 tuần thay đổi giờ giấc sinh lý, hôm thì sống giờ Việt Nam hôm sau lại sống giờ Mỹ. Khi nhiều người đang đắp chăn ngủ ngon dưới điều hòa, thì anh chị em lại tranh thủ chợp mắt trong lớp áo bảo hộ, đến cả găng tay cũng không dám tháo vì sợ cấp cứu bệnh nhân không kịp… Giờ không mong cao xa, chỉ cần người thân trong gia đình hiểu những việc chúng ta đang làm là vì bệnh nhân, vì lương tâm nghề nghiệp, vì con đường chúng ta đã chọn...”.

Một Đà Nẵng lam lũ…

Những ngày theo chân Liên đoàn Lao động TP.Đà Nẵng đi trao quà công nhân lao động nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong các khu nhà trọ, tổ công nhân tự quản, tôi có cơ hội biết sâu hơn về một Đà Nẵng lam lũ với hàng chục nghìn phận người gần như toàn bộ thời gian sống chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường nhà máy cũng như nhà trọ. Mức thu nhập chỉ 5 - 7 triệu đồng/tháng nên “ráo mồ hôi là thiếu ăn” - như lời một lao động hơn tháng nay sống chủ yếu nhờ những tấm lòng hảo tâm.

Nhưng thế vẫn chưa thấy xót xa bằng hôm thành phố vừa nới lỏng giãn cách, mấy ông chủ quán nhậu ở dọc đường biển Nguyễn Tất Thành mở cửa một mình ngồi nhìn ra đường với ánh mắt xa xăm, buồn bã kiểu vừa chờ đợi một điều gì đó tươi mới vừa bất cần kệ tới đâu thì tới. Hay như bạn tôi, chủ một chuỗi khách sạn tư nhân ven biển sau một đêm tóc bạc trắng là có thật bởi đứng trước nguy cơ vỡ nợ…

Một nữ công nhân ở Tổ công nhân tự quản quận Cẩm Lệ bị mất việc, hơn tháng nay sống nhờ những tấm lòng hảo tâm. Ảnh: TƯỜNG MINH
Một nữ công nhân ở Tổ công nhân tự quản quận Cẩm Lệ bị mất việc, hơn tháng nay sống nhờ những tấm lòng hảo tâm. Ảnh: TƯỜNG MINH

Từ một thủ phủ miền Trung đầy năng động và tràn đầy sức sống, 2 đợt dịch chồng dịch đã biến Đà Nẵng thành một “con bệnh” ốm o đầy thương tổn từ xác thịt cho đến hồn vía. Đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng khi Đà Nẵng có gần 7.200 doanh nghiệp thì tới hơn 90% là bị ảnh hưởng. Trong đó, có tới 58,4% doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong thời kỳ giãn cách xã hội. Điều này dẫn đến trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố có hơn 179.000 người lao động bị mất việc. Trong đó 12.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; 59.600 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương; 106.800 lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.

Một thống kê khác đến từ du lịch - ngành mũi nhọn thật sự của kinh tế Đà Nẵng từ nhiều năm nay, cho thấy tổng thiệt hại lên đến con số gần 20.000 tỷ đồng, kéo theo đó hàng trăm doanh nghiệp phải đóng cửa, hàng chục nghìn lao động bị mất việc… Đặc biệt, dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến khu vực thương mại - dịch vụ, nhất là lĩnh vực dịch vụ ăn uống, lữ hành - du lịch… khiến hầu hết ngành kinh tế ở Đà Nẵng đều tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm.

Mới chỉ là “cú nháp” của dịch Covid-19 thôi mà 6 tháng đầu năm 2020, Đà Nẵng đã toang hoang như thế. Vậy thì tới đây, sau gần 2 tháng (và có thể dài hơn) dốc toàn sức lực chống chọi với dịch thì những con số thống kê của 6 tháng cuối năm sẽ khủng khiếp như thế nào?

Những bữa cơm, nước uống, sữa, trái cây… miễn phí cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch; những chuyến xe thiện nguyện chở hàng hóa nối đuôi nhau tưởng như dài vô tận đến các bệnh viện, hoàn cảnh khó khăn sau những lời kêu gọi là một nét đẹp không phải đâu cũng có được như người Đà Nẵng trong những ngày cao điểm của dịch bùng phát trở lại. Nó khiến cho không khí ở tâm dịch trở nên dễ chịu hơn và TP.Đà Nẵng đúng nghĩa với 2 chữ “đáng sống” hơn.

Nhưng với tôi, mặt nào đó, những bữa cơm miễn phí, chuyến xe thiện nguyện, lời kêu gọi giúp đỡ từ nhỏ nhất... là những góc khuất của thành phố này và của rất nhiều thành phố khác trên cả nước. Nó cho thấy rằng Đà Nẵng (và cả chúng ta) vẫn còn rất bị động, lúng túng và thiếu thốn đủ thứ để ứng phó với thiên tai dịch bệnh trên quy mô lớn. Xã hội vận động phát triển là bằng lao động sáng tạo chứ không phải bằng tình thương! Đó là chưa nói tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc Việt, nhưng trong một vài trường hợp, nó chỉ là công cụ để thỏa mãn sự động lòng mồ côi cùng nhiều cảm giác khác rất khó gọi tên qua những màn tường thuật trực tiếp trên Facebook hay tranh cãi, chửi bới, mạt sát nhau ầm ĩ trên mạng xã hội của những người “làm từ thiện”.

“Trong vô tận” là tên một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Vĩnh Quyền. Nhớ hồi dịch mới bắt đầu bùng phát, nhà văn Vĩnh Quyền đã đưa ảnh bìa “Trong vô tận” lên Facebook cá nhân của mình cùng lời cầu nguyện “Tháng 8 của Đà Nẵng sẽ không vô tận”. Nay thì lời nguyện ấy của nhà văn có vẻ đã ứng với dịch Covid-19. Nhưng còn “bệnh” của Đà Nẵng - những hậu quả tàn khốc của dịch gây ra, đà này, có lẽ sẽ còn kéo dài “trong vô tận”…

TƯỜNG MINH