Thực hiện chính sách BHYT ở cơ sở: Những cách làm hiệu quả
Việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân ở cơ sở đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai bằng những cách làm hiệu quả, thiết thực.
Một đại lý tận tâm
Hơn 15 năm qua, ông Nguyễn Tấn Hảo (thôn Định Phước, xã Tam Nghĩa, Núi Thành) là cái tên được nhân dân tin tưởng mỗi khi cần tham gia BHYT. Ông Hảo trở thành cầu nối thực hiện chính sách an sinh hiệu quả của xã Tam Nghĩa - địa phương có hơn 50% dân số phải tham gia BHYT hộ gia đình (dân số của xã hơn 11 nghìn người).
Đến tháng 6.2020, số người tham gia BHYT tại xã Tam Nghĩa hơn 10.800 người, chiếm tỷ lệ hơn 97,8% người dân có thẻ BHYT, tỷ lệ này cao hơn mặt bằng chung của huyện. Trong đó, số người tham gia BHYT hộ gia đình tăng dần hằng năm, năm 2017 có 3.486 người, 2018 tăng lên 3.570 người, năm 2019 là 4.500 người và 6 tháng đầu năm 2020 là 4.600 người. Trong đó đại lý của ông Hảo quản lý hơn 3.400 người tham gia BHYT.
Từ tháng 4.2005, ông Hảo “bén duyên” với chính sách BHYT khi được xã Tam Nghĩa giao nhiệm vụ làm đại lý thu BHYT của xã. Theo ông Hảo, lúc đó nhận thức về tham gia BHYT của người dân còn rất hạn chế, họ chỉ tham gia BHYT khi có ốm đau bệnh tật, do đó việc vận động người dân gặp nhiều khó khăn. Số người tham gia ban đầu rất khiêm tốn, mỗi quý không quá 100 người. Gõ từng nhà, rà từng người, giải thích từng chính sách là cách mà ông Hảo đã kiên trì thực hiện. Cho đến một lúc, nhận thức của người dân thay đổi khi chứng kiến những tiện ích mang lại cho những người có thẻ BHYT khi họ gặp sự cố về sức khỏe, bệnh tật. Thực tế bằng câu chuyện của người thật việc thật, ông Hảo đã thuyết phục người dân tin tưởng vào chính sách và tham gia.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hảo ghi cụ thể thông tin về từng người dân tham gia BHYT, từ thời gian tham gia, nơi cư trú, số người trong hộ khẩu, số điện thoại, kể cả thông tin thẻ hết hạn làm cơ sở cho lập danh sách, tra cứu mã thẻ, mức đóng, việc giảm trừ đúng theo quy định để tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình. “Thời hạn đến, chỉ một cuộc điện thoại hoặc một tin nhắn thôi, người dân lập tức biết được và tiếp tục tham gia vào chính sách. Có khi họ bận việc chưa kịp đến nộp tiền, thì tôi bỏ tiền túi ra đóng, rồi họ tới trả lại mình” - ông Hảo kể.
Tổ tiết kiệm mua BHYT
Từ xã Đại Hòa (Đại Lộc), chị em phụ nữ đã sẻ chia với nhau bằng cách thành lập mô hình Tổ tiết kiệm mua BHYT. Dẫu biết rằng tham gia BHYT hộ gia đình sẽ gánh bớt chi phí khám chữa bệnh khi bị ốm đau, nhưng không phải gia đình nào cũng có thể tham gia cho tất cả thành viên trong gia đình.
Bà Huỳnh Thị Hà (thôn Giao Thủy, xã Đại Hòa, Đại Lộc) nói: “Một tấm thẻ BHYT có giá gần 800 nghìn đồng, nếu nhà có 4 người mà mua cùng lúc thì dù có được giảm cũng vẫn là số tiền lớn. Biết rằng có thẻ BHYT thì yên tâm hơn nhiều cho sức khỏe, nhưng nhiều gia đình vẫn còn khó khăn. Vì thế mà tôi tham gia mô hình Tổ tiết kiệm mua BHYT để có thể mua được thẻ BHYT cho cả nhà theo cách làm rất hay”.
Cách làm mà chị Hà nhắc tới là sự vào cuộc của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đại Hòa. Các chị đã đến từng nhà giải thích mục đích, ý nghĩa BHYT; vận động chị em cùng tham gia tiết kiệm. Cách giải thích rõ ràng, dễ hiểu, ban đầu Tổ tiết kiệm mua thẻ BHYT thôn Giao Thủy vận động được 42 chị em tham gia. Mô hình được ra mắt, có tổ trưởng, tổ phó, xây dựng quy chế hoạt động của tổ, thống nhất mức đóng 50 nghìn đồng/người/tháng, chọn đóng vào ngày 10 - 15 hằng tháng; tổ chức họp định kỳ 3 tháng 1 lần. Tổ sẽ ưu tiên cho các hộ gia đình có người thường xuyên ốm đau, bệnh tật nhận tiền trước để mua thẻ BHYT, khám chữa bệnh kịp thời.
Tháng đầu tiên, tổng số tiền tiết kiệm thu được 2,1 triệu đồng đồng. Số tiền này ưu tiên cho 3 chị là hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên bị đau ốm được nhận mua thẻ BHYT trước. Tháng thứ hai, các thành viên trong tổ tiếp tục đóng góp tiền và xoay vòng cho thành viên khác nhận. Thấy được lợi ích của mô hình đem lại, nhiều chị em phụ nữ đã chủ động xin tham gia vào mô hình. Tính đến nay, đã có 120 người tham gia mô hình, với số tiền thu được là 6 triệu đồng/tháng, mua được 8 thẻ BHYT/tháng. Sau hơn 3 năm, số tiền tiết kiệm đã mua được 210 thẻ BHYT cho hội viên phụ nữ.
Không chỉ góp tiền và hỗ trợ thành viên trong tổ mua BHYT, Tổ phụ nữ tiết kiệm mua BHYT thôn Giao Thủy thường xuyên duy trì sinh hoạt định kỳ, thành viên trong tổ gặp nhau để được nghe về chủ trương xây dựng nông thôn mới; tham gia thảo luận về vấn đề chăm sóc sức khỏe; nuôi, dạy con trong gia đình. Nhưng cũng có khi buổi sinh hoạt đó đơn giản chỉ là gặp mặt, trò chuyện, văn nghệ… Hội LHPN xã Đại Hòa đã chỉ đạo nhân rộng mô hình ra phạm vi toàn xã. Đến nay 3/4 thôn của xã đã xây dựng mô hình Tổ phụ nữ tiết kiệm mua BHYT với hơn 300 thành viên tham gia.