Tăng cường kiểm tra chất lượng thực phẩm
Sở Y tế sẽ thành lập các đoàn kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chay và các cơ sở chế biến, sản xuất bánh kẹo truyền thống nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Siết chặt quản lý thực phẩm chay
Ông Nguyễn Đây – Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm cho biết, với sản phẩm Pate Minh Chay nhiễm vi khuẩn có độc tố, và trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 4 trường hợp ngộ độc, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương nhanh chóng tìm cách thu hồi 13 sản phẩm khác của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (là cơ sở sản xuất của Pate Minh Chay).
Từ ngày 20.8, các cơ quan chức năng của tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh và thông báo trực tiếp cho khách hàng ngừng sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay, niêm phong và bảo quản ở khu vực riêng biệt.
Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, giám sát trên thị trường, chủ động thu hồi các sản phẩm của công ty này và thông báo số lượng cụ thể của 13 sản phẩm về Cục An toàn thực phẩm gồm Pate Minh Chay, Pate nấm hầu thủ, Ruốc nấm Heri vị hảo hạng, Muối vừng bát bảo đặc biệt, Ruốc nấm Heri hương thảo mộc, Giò lụa lúa mì, Muối lạc truyền thống, Chả quế lúa mì, Muối vừng bát bảo, Giò nấm lúa mì, Ruốc nấm truyền thống, Ruốc nấm sả ớt, Ruốc nấm cháy tỏi. Đồng thời, thông tin cảnh báo khẩn cấp cho người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới và thông báo cho cơ quan chức năng y tế tại địa phương nếu còn sản phẩm.
Ông Đây cho biết, các địa phương như Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An là nơi có số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh các thực phẩm chay khá lớn. Do đó, đợt kiểm tra của Sở Y tế sẽ đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chay tại các địa phương này trước, tập trung kiểm tra ở các nơi có số lượng người ăn chay nhiều. Năm 2019, Quảng Nam đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất đồ chay không đảm bảo các quy định về ATVSTP. Đầu năm 2020, đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu một cơ sở sản xuất kinh doanh đồ chay tại phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) tạm ngừng kinh doanh do chủ cơ sở không cung cấp được giấy chứng nhận tập huấn ATVSTP cũng như các kiến thức về quy trình sản xuất thực phẩm một chiều khép kín.
Xử lý nghiêm vi phạm
Nhiều năm qua, công tác ATVSTP được tập trung, công tác thanh tra kiểm tra được tăng cường, giám sát mối nguy thực phẩm bẩn, hạn chế các bệnh lây qua thực phẩm. Tuy nhiên, Sở Y tế cho biết, khó khăn trong công tác đảm bảo ATVSTP hiện nay là năng lực kiểm nghiệm tại tỉnh còn hạn chế, một số chỉ tiêu kiểm nghiệm chưa thực hiện được nên phải gửi mẫu kiểm nghiệm ngoài tỉnh. Nhân lực làm công tác ATVSTP tại các tuyến hiện nay đa số là cán bộ kiêm nhiệm, chưa đáp ứng nhiệm vụ của công tác này.
Theo Sở Công Thương, Quảng Nam hiện có hơn 20 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, vấn đề đảm bảo ATVSTP rất quan trọng, vì vậy thời gian tới cần phải được siết chặt quản lý, đặc biệt tại các chợ, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ...
Đồng thời với hoạt động kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm chay, Sở Y tế sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn trong thời gian tới, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, sản phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…
Ông Nguyễn Văn Văn – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở Y tế yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.