“Muốn đi xa phải đi cùng nhau”

CHÂU NỮ 09/09/2020 09:05

Sau đợt dịch Covid-19 lần này, ngành du lịch một lần nữa lên kịch bản kích cầu du lịch. Theo Tổng cục Du lịch, kịch bản kích cầu du lịch lần thứ 2 không chỉ gói gọn trong chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” như đợt trước, mà có thể mở rộng đối tượng, như khuyến khích người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam đi du lịch Việt Nam.

Còn nhớ, sau đợt dịch Covid-19 lần trước, hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VH-TT&DL đề ra, hầu hết địa phương trong nước - nhất là những nơi có thế mạnh về du lịch, đã tổ chức nhiều chương trình, giải pháp khác nhau để vực dậy ngành công nghiệp không khói của địa phương mình, từ giảm giá tour, giảm giá dịch vụ đến tạo điểm đến an toàn, tạo sản phẩm mới... Ngoài ra, một số địa phương còn chọn cách liên kết, hợp tác phát triển, kích cầu... với các địa phương khác có những điểm tương đồng về tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch.

Ví như ở Quảng Nam, cùng với việc giảm giá tham quan, UBND tỉnh cũng phối hợp với TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế ký kết chương trình liên kết, phục hồi, phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch chung. Hay như  tỉnh Quảng Ninh và TP.Đà Nẵng liên kết thúc đẩy phát triển các hoạt động du lịch với mục tiêu “Một hành trình hai điểm đến”. Đông đúc hơn là hoạt động phối hợp của 8 sở du lịch phía Nam trong việc kích cầu du lịch bằng việc xây dựng tour liên tuyến, liên vùng dựa trên sự khác biệt với giá ưu đãi chào bán và thu hút khách tiêu dùng lẫn nhau; trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước; phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá du lịch. Lần này, các địa phương cũng nhanh chóng kích cầu, khởi động du lịch hậu covid như đợt trước. Bà Rịa - Vũng Tàu giảm giá sâu. Khánh Hòa đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thu hút du khách. Đà Nẵng, Quảng Nam - hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch covid đợt này cũng mở cửa “hâm nóng” bầu không khí du lịch, trong đó Khu di tích Mỹ Sơn mở cửa đón khách trở lại từ ngày 3.9…

Hy vọng đợt kích cầu lần này, các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành rút kinh nghiệm đợt trước. Đó là cùng với việc chớp lấy thời cơ, “chạy đua” để thu hút khách bằng các chương trình khuyến mãi, dịch vụ cộng thêm, ngành du lịch phải nỗ lực phòng chống dịch an toàn và tránh để nảy sinh những biểu hiện không tốt như từng xảy ra: chất lượng sản phẩm du lịch không đúng như cam kết với khách hàng, dịch vụ cơ sở lưu trú chưa tương xứng so với hạng sao được công nhận, thu hút khách bằng việc giảm giá nhưng cắt bớt dịch vụ...

Du lịch là một trong các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 và cũng là ngành khó gượng dậy trong ngày một ngày hai. Và có lẽ, chưa bao giờ câu nói của tỷ phú Mỹ - Warren Buffett “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau” lại đúng với triết lý kinh doanh du lịch như lúc này. Đi cùng nhau, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch phải tự lượng được sức mình, phát huy nội lực và tăng cường liên kết trong tổ chức tour, tuyến, điểm đến, dịch vụ... Đi cùng nhau, ngành du lịch phải đồng hành với du khách bằng chất lượng dịch vụ, bằng giá cả hợp lý, bằng các chương trình kích cầu linh hoạt và cầu thị...

CHÂU NỮ