Nông dân Điện Bàn với phong trào thi đua

CÔNG TÚ 08/09/2020 09:36

Lấy quyền lợi thiết thực của hội viên, nông dân (HVND) làm mục tiêu hoạt động để thu hút, tập hợp họ, thời gian qua, các cấp hội nông dân ở Điện Bàn đã thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua lớn và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tham quan mô hình trồng hoa, cây cảnh tại xã Điện Hòa. Ảnh: HỮU CÔNG
Tham quan mô hình trồng hoa, cây cảnh tại xã Điện Hòa. Ảnh: HỮU CÔNG

Nông dân làm giàu

Ban đầu, lão nông Nguyễn Văn Bảy trú thôn Hà Đông (xã Điện Hòa) trồng hoa cảnh với mong muốn kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Dần dà, gia đình mở rộng diện tích trồng hoa và trở thành địa điểm được nhiều khách hàng tìm đến.

Ông Đặng Hữu Tú cho biết, 5 năm qua, các cấp hội nông dân Điện Bàn đã trực tiếp giúp đỡ hơn 200 hộ nông dân thoát nghèo, hỗ trợ xây dựng hơn 20 nhà nhân ái; tặng hàng trăm suất quà cho HVND khó khăn, hoạn nạn. Qua tổng kết phong trào, toàn thị xã có 7.533 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp tỉnh 250 hộ, cấp trung ương 10 hộ.

Nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với hoa, cây cảnh ngày càng cao, ông Bảy cùng 3 thành viên khác thành lập Tổ hợp tác (THT) trồng hoa để tiện đầu tư, giao dịch, sản xuất kinh doanh. THT quyết định đầu tư vào đtrồng hoa cúc đất, hoa cúc đá, hoa vạn thọ. Mỗi tháng, họ thu về hơn 200 triệu đồng từ bán hoa cúc đất để thờ cúng; dịp tết bán ra 1.500 chậu hoa cúc và hoa vạn thọ với hơn 5 tỷ đồng. Với mô hình này, THT giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 lao động tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Bảy chỉ là một trong rất nhiều điển hình của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Tính riêng trồng hoa, cây cảnh, các phường ở vùng đông, các xã Điện Hòa, Điện Thọ, Điện Phong, phường Vĩnh Điện cũng xuất hiện không ít HVND chuyên trồng mai, quật cảnh, hoa cúc với doanh thu 200 - 500 triệu đồng mỗi năm.

Theo ông Đặng Hữu Tú - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Điện Bàn, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi có sức lan tỏa mạnh mẽ bởi hiệu quả thiết thực mà nó mang lại cho đời sống xã hội. Thành công của người đi trước đã khích lệ tinh thần trong toàn hội hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo. Chính vì vậy, ở Điện Bàn xuất hiện nhiều mô hình mới, nhân tố mới tiêu biểu.

Ông Đặng Hữu Tú đơn cử, lão nông Phan Xang (xã Điện Quang) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi bò lai sinh sản tập trung, theo hướng an toàn sinh học; mô hình nuôi bò 3B được nhân rộng ra phường Điện An và các xã Điện Thọ, Điện Tiến… Thực hiện kinh tế trang trại chăn nuôi tổng hợp, thị xã có 60 mô hình nuôi bò, heo, gà công nghiệp, chim cút. Trong số này, hộ ông Nguyễn Văn Tàu (xã Điện Hồng) lãi ròng 150 - 200 triệu đồng/năm. Tại thôn Thái Cẩm (xã Điện Tiến), THT nuôi trồng thủy sản do lão nông Trần Văn Lộc làm tổ trưởng thả nuôi cá diêu hồng, cá trắm, cá leo, cá trê lai và ếch trong 80 lồng bè, mỗi năm xuất bán hơn 60 tấn.

Thi đua nhiều mặt

“Lấy quyền lợi thiết thực của HVND làm mục tiêu, động lực hoạt động để thu hút, tập hợp, vận động họ; trong 5 năm qua, các cấp hội nông dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua lớn gắn với xây dựng tổ chức hội vững mạnh về mọi mặt” - ông Nguyễn Văn Thừa, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Điện Bàn nói.

Các phong trào đã có nhiều đổi mới, sáng tạo về tổ chức, tạo khí thế thi đua sôi nổi, sát với nhiệm vụ trọng tâm và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, HVND. Ngoài sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, các phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng an ninh, thực hiện nhiệm vụ xây dựng tổ chức hội vững mạnh đều đạt những thành quả.

Ông Nguyễn Văn Thừa chia sẻ, trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, HVND tham gia làm hàng trăm kilômét giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, bê tông hóa kênh mương, cải tạo và chỉnh trang đất lúa. Người dân còn góp hơn 150 tỷ đồng, 210 nghìn ngày công lao động, hiến hơn 30ha đất để mở đường nông thôn và giao thông nội đồng; hơn 10 nghìn hộ tháo dỡ, di dời 45km tường rào, cổng ngõ, xây mới hơn 100 cổng chào tại thôn, khối phố. Từ đây, nhiều chi, tổ hội tự nguyện đảm nhận xây dựng, duy tu, bảo dưỡng đường liên thôn, liên xã, thực hiện các “Tuyến đường Chi hội nông dân tự quản kiểu mẫu”.

Tiêu biểu tại thôn Bảo An (xã Điện Quang), ông Trần Phục hiến 120m2 đất vườn và di dời tường rào cổng ngõ để làm đường; ông Phan Hưng trú thôn Phong Lục Tây (xã Điện Thắng Nam) góp kinh phí và hỗ trợ 15 camera an ninh. Hội cũng đã thành lập 56 mô hình “Chi hội nông dân tự quản bảo vệ an ninh trật tự”, “Chi hội nói không với tệ nạn xã hội”; 140 mô hình “Chi hội nông dân 3 nói - 3 có - 3 bảo vệ”, “Gia đình 3 không - 3 có” đã tích cực cung cấp kịp thời thông tin liên quan đến an ninh trật tự cho các cơ quan chức năng, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn thị xã.

CÔNG TÚ