1 ca và 5K

BẢO ANH 08/09/2020 08:46

Cuối cùng, người đàn ông 66 tuổi ở quận Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) nghi dương tính với SARS-CoV-2 được nhiều tờ báo đưa tin sáng 6.9 đã được xét nghiệm lại và được khẳng định là âm tính.

Thực hiện nghiêm “công thức 5K” là biện pháp cơ bản phòng chống Covid-19 trong “trạng thái bình thường mới“. Trong ảnh: Sát khuẩn cho học sinh trước khi vào lớp. Ảnh: B.A
Thực hiện nghiêm “công thức 5K” là biện pháp cơ bản phòng chống Covid-19 trong “trạng thái bình thường mới“. Trong ảnh: Sát khuẩn cho học sinh trước khi vào lớp. Ảnh: B.A

Tuy nhiên, để có thể thở phào nhẹ nhõm, người dân Đà Nẵng - và cả Quảng Nam cùng nhiều địa phương khác - đã phải hồi hộp chờ đợi suốt nhiều giờ liền. Và trong suốt thời gian chờ đợi ấy, cùng với việc chia sẻ thông tin ban đầu về ca nghi nhiễm này là trạng thái lo lắng, bàng hoàng, bất an, và kể cả... thất vọng!

Có thể nói, những cảm xúc, những phản ứng đó là không lạ. Bởi lẽ, tuy chỉ có 1 ca nghi nhiễm thôi - rất ít và chưa chắc chắn, song thông tin về nó lại xuất hiện giữa lúc người Đà Nẵng đang tràn trề hy vọng về khả năng khống chế, đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19, khi 7 ngày liền không có ca nhiễm mới.

Trước đó chưa lâu, lúc 0 giờ ngày 5.9, chính quyền Đà Nẵng cũng đã có quyết định giảm cấp giãn cách xã hội khi cho phép áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 19 thay cho Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu có thêm, dù chỉ 1 ca và dù chỉ mới là “nghi nhiễm” thôi, niềm hy vọng đang được củng cố dần sau chuỗi ngày bình yên liên tục kia sẽ bị chặt đứt, phá vỡ.

Thật may, câu chuyện đã kết thúc “có hậu”. Bây giờ, nhìn lại sự việc, có thể thấy sự lo lắng, hoang mang trong một bộ phận người dân trước thông tin về ca nghi nhiễm nói trên đã ít nhiều gây ảnh hưởng không tốt đến nỗ lực truyền năng lượng tích cực cho cộng đồng về công tác phòng chống Covid-19, vốn rất cần và rất hữu ích trong lúc này. Tuy nhiên, ở phía ngược lại, dù không ai mong muốn điều tồi tệ xảy ra, nhưng đó cũng là một cảnh báo nghiêm khắc cho cộng đồng về nguy cơ tiềm ẩn của dịch.

Nhìn lại để thấy, suốt thời gian qua - khi dịch đang diễn biến phức tạp và nhất là khi dịch bắt đầu có dấu hiệu bị khống chế, ngành y tế và chính quyền các cấp đã liên tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ của dịch, kèm theo đó là những hướng dẫn, khuyến cáo y tế rất cụ thể và sát sườn.

Mới nhất là “thông điệp 5K” được Bộ Y tế truyền đi hôm 31.8. Theo đó, để chủ động phòng chống dịch Covid-19 trong “trạng thái bình thường mới”, mỗi người dân phải tiếp tục thực hiện các biện pháp an toàn theo “công thức”: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.

Với tính chất và các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn và rất khó lường của SARS-CoV-2, dịch Covid-19 có thể quay lại bất cứ lúc nào nếu chúng ta chủ quan, lơ là. Mà, sự chủ quan, lơ là và các hành vi kiểu “tháo cũi sổ lồng” thường rất hay xuất hiện một cách thiếu kiểm soát sau khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ. Khi đó, nguy cơ tái phát dịch sẽ càng lớn hơn.

Nếu chẳng mang có thêm một ca dương tính mới trong cộng đồng, đương nhiên nỗi lo sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra, thay vì hoảng hốt, hoang mang thì phải biết “lo” để cùng chung tay phòng chống. Trong kịch bản phòng chống dịch Covid-19 của các địa phương, việc tiếp tục có thêm 1 hoặc nhiều ca nhiễm mới là điều đã được dự lường. Nói cách khác, khi có thêm, dù chỉ 1 ca nhiễm mới, điều tồi tệ sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu hoang mang, hoảng hốt thái quá mà quên đi các biện pháp phòng chống. Ngược lại, dù có thêm nhiều hơn 1 ca, tình hình cũng sẽ ổn nếu mọi người bình tĩnh, cảnh giác và nhất là tuân thủ tuyệt đối “thông điệp 5K” do Bộ Y tế đưa ra.

Trong thời gian tới, nguy cơ dịch Covid-19 vẫn thường trực và có thể tiếp tục có các ca mắc bệnh mới trong cộng đồng. Chúng ta không thể “cửa đóng then cài” để “cố thủ” mà phải hành động: Chủ động, cảnh giác, bình tĩnh tiếp tục chống dịch và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh; tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong “trạng thái bình thường mới”...

BẢO ANH