Phát triển Hội An sau đại dịch Covid-19
(QNO) - Chiếm hơn 70% cơ cấu kinh tế là du lịch - dịch vụ, nhiều năm qua TP.Hội An phát triển hầu như phụ thuộc hoàn toàn nhóm ngành này. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm bộc lộ những hạn chế của thành phố khi quá phụ thuộc vào một nhóm ngành nghề.
Du lịch bao trùm
Nằm ở trung tâm TP.Hội An, phường Minh An chủ yếu phát triển mạnh về thương mại - dịch vụ dựa vào du lịch. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 đến nay hoạt động kinh doanh, buôn bán trên địa bàn phường hầu như đình đốn do du khách rút đi; hơn 90% cửa hàng, hộ kinh doanh phải đóng cửa; các cơ sở buôn bán còn lại nhỏ lẻ, phần lớn phục vụ người dân địa phương, hiệu quả không đáng kể.
Theo ông Nguyễn Trần Vũ - Chủ tịch UBND phường Minh An, đây là điều không tránh khỏi bởi 80% hoạt động kinh tế của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn phụ thuộc vào thương mại - dịch vụ. Thống kê 8 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế phường Minh An đạt khoảng 25% kế hoạch năm, các nhóm ngành phục vụ du lịch hoạt động èo uột.
“Đa dạng hóa kinh tế cũng đã được chúng tôi tính đến, nhưng với tầm địa phương thì khó thể làm gì hơn, phải chờ sự chỉ đạo của UBND thành phố, nhất là trong việc chuyển đổi ngành nghề mới có giải pháp căn cơ được” - ông Vũ nói.
Minh An là một trong nhiều xã, phường của Hội An lao đao khi du lịch ngưng trệ. Hơn 20 năm kể từ khi thành phố đón những du khách đầu tiên, hầu hết hoạt động thương mại - dịch vụ, sản xuất đều gắn với du lịch. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, thương mại - dịch vụ, du lịch Hội An luôn chiếm tỷ trọng hơn 70% tổng cơ cấu kinh tế của thành phố.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An thừa nhận, việc phụ thuộc quá nhiều vào du lịch là điều thành phố đã nhìn thấy nhưng không thể dễ dàng thay đổi, bởi chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn mang tính chất quy luật và tự nhiên. Chưa kể, với đặc thù của Hội An, việc các ngành kinh tế xoay quanh du lịch là điều không thể khác được.
“Ngành nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hội An quá nhỏ bé, nếu có phát triển cũng chỉ phục vụ cho du lịch, đó là nông nghiệp sắp đặt, nông nghiệp nghệ thuật, nông nghiệp trình diễn mới có thể sống được; còn nông nghiệp thuần túy thì làm không hiệu quả. Vì vậy về lâu dài du lịch vẫn là ngành kinh tế không thể tách rời sự phát triển của thành phố” - ông Sơn chia sẻ.
Thay đổi tư duy phát triển
Báo cáo cho thấy, qua 8 tháng đầu năm tổng thu ngân sách của Hội An hụt hơn 50%, phải lấy kết dư ngân sách từ năm ngoái (khoảng 600 tỷ đồng) để chi thường xuyên, nhưng cố gắng cũng chỉ đủ đến hết năm 2020. Việc đầu tư bị cắt giảm mạnh từ hơn 700 tỷ xuống còn khoảng 300 tỷ đồng, chủ yếu ưu tiên các công trình trọng điểm về hạ tầng như cầu, đường, bãi xe phục vụ du lịch, kè bảo vệ bờ biển…
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, phát triển Hội An không thể thoát khỏi thương mại - dịch vụ, du lịch, mà cũng không cần thiết phải thoát vì đây là thế mạnh của Hội An. Tuy nhiên, về lâu dài phải tái cơ cấu ngành du lịch mang tính bền vững hơn. Trong đó, từng doanh nghiệp, từng gia đình phải tái cơ cấu, không đầu tư quá dàn trải, nên đầu tư có chiều sâu, có dự phòng, có tích lũy... Đặc biệt, thành phố cũng sẽ thiết lập một quỹ hỗ trợ, chia sẻ rủi ro tránh những bị động như đợt dịch hiện nay.
Thực tế, bất cứ ngành kinh tế nào cũng có những rủi ro nhất định, tuy nhiên việc phụ thuộc quá lớn vào một ngành nghề, nhất là du lịch luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, về lâu dài, kinh tế Hội An vẫn phải xác định du lịch là hướng đi chính, không nên thay đổi, nhưng phải thay đổi cách nghĩ, tư duy. “Nếu chúng ta chỉ dựa hẳn vào du lịch để sống mà không đi lên bằng chính tài nguyên của mình trong các lĩnh vực khác thì sẽ luôn gặp bất trắc khi dịch bệnh xảy ra” - ông Sự nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Sự, Hội An phải nhanh chóng thay đổi sản phẩm để tiếp cận thị trường, không chỉ là sản phẩm dành cho khách du lịch nước ngoài mà còn hướng đến đối tượng khách là người địa phương, nội tỉnh và các vùng lân cận.
“Rất nhiều hộ dân ở các vùng ven như Cẩm Kim, Cẩm Hà, Cẩm Thanh, Cẩm Nam không phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch, họ vẫn làm nông, làm nghề để sống. Nhưng lâu nay chúng ta coi thường lĩnh vực đó, nên bây giờ phải chú trọng nhiều hơn. Du lịch gặp khó khăn thì phải quay trở lại khai thác tại chỗ bằng con đường thương nghiệp, dịch vụ phục vụ người Hội An và các vùng lân cận. Nền nông nghiệp phục vụ tại chỗ có thể hiệu quả không cao hơn phục vụ du lịch nhưng nó vẫn giúp người dân sống được qua dịch” - ông Sự phân tích.