Quản trị tài chính cho doanh nghiệp du lịch
Hoạt động kinh doanh du lịch bị ngưng trệ trong thời gian dài khiến hầu hết doanh nghiệp du lịch lúng túng để tồn tại qua đại dịch. Việc quản trị hiệu quả các nguồn lực tài chính là một nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp cầm cự khi phải đương đầu với rủi ro trong tương lai.
Chật vật cầm cự
Khi hầu hết khách sạn tại địa phương đã đóng cửa nghỉ dịch, một vài doanh nghiệp làm du lịch có thâm niên ở Hội An vẫn cố cầm cự nhưng cũng chỉ vận hành ở mức tối thiểu để bảo dưỡng, dọn dẹp.
Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng chỉ còn duy trì khoảng 20% nhân sự ở các bộ phận thiết yếu trong khi tại hệ thống nhà hàng của Công ty TNHH Emic Hospitality cũng chỉ còn khoảng 40 nhân viên so với con số 150 người trước đây. Phần lớn trong số này phải nghỉ không lương bởi doanh nghiệp đã gắng gượng hỗ trợ họ trong đợt dịch hồi đầu năm; một số ít khác được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế dù đơn vị hoàn toàn không có nguồn thu trong giai đoạn hiện nay.
Một số chủ khách sạn đang rao bán tại Hội An nhìn nhận, họ sẵn sàng chấp nhận lỗ nặng trong việc sang nhượng ở thời điểm này, miễn là có nguồn lực tài chính để trả các khoản vay, lãi ngân hàng. Phần lớn đơn vị nói trên chỉ vừa khai trương đi vào hoạt động thời điểm cuối năm 2019, khi các tín hiệu về tăng trưởng du lịch ở Quảng Nam đều rất sáng sủa.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, dịch Covid-19 khiến hoạt động quản lý doanh nghiệp, ngành nhân sự của du lịch địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Hiệp hội Du lịch tỉnh đã tranh thủ khoảng thời gian này để kết nối các chuyên gia uy tín ở nhiều lĩnh vực, trong đó có quản trị tài chính để khơi gợi tình yêu nghề và phần nào đó “bổ túc kiến thức” giúp doanh nghiệp du lịch thêm động lực vượt qua quãng thời gian khó khăn này.
Cần chú trọng quản trị tài chính
Rủi ro tài chính liên quan đến các yếu tố như: sự giảm giá tài chính, rủi ro giảm giá hàng hóa, lãi suất không ổn định, thay đổi tỷ giá... ảnh hưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Từ đó khiến quyết định tài chính liên quan đến lợi nhuận doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Bà Bùi Thị Lệ Phương - CEO Công ty tài chính kế toán thuế Centax cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp du lịch, nhất là các khách sạn hiện nay chỉ quan tâm đến việc lấp đầy phòng, quan tâm đến việc có được nhiều tour du lịch đặt hàng mà ít chú trọng đến việc quản trị tài chính doanh nghiệp. Các đơn vị trên không kiểm soát chặt chẽ dòng tiền từ đó dẫn đến dễ bị khủng hoảng tài chính một khi không có quỹ tiền tệ dự phòng của doanh nghiệp”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các doanh nghiệp làm du lịch “inbound” (tour tham quan Việt Nam dành cho khách quốc tế) bị ảnh hưởng rất mạnh do độ nhạy của tỷ giá. Trong thiệt hại chung của doanh nghiệp ngành du lịch trong nước, các doanh nghiệp du lịch tại Hội An càng chịu tác động nặng nề hơn bởi du lịch “inbound” là thị trường chủ lực lâu nay. Trong hoạt động doanh nghiệp, tiền mặt được xem quý hơn lợi nhuận bởi nếu có dòng tiền tốt sẽ cầm cự được. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, hầu hết khách sạn tại Hội An đều lay lắt chỉ sau 3 tháng bị ảnh hưởng, đó là lý do họ cần có cho mình quỹ dự phòng trong tương lai.
Xử lý rủi ro tài chính là một khái niệm tương đối mới mẻ đối với các doanh nghiệp du lịch địa phương, nhất là khi đại bộ phận quy mô các đơn vị này đều vừa và nhỏ. Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào giải pháp giảm giá phòng dịch vụ và tập trung vào khách nội địa khi thị trường quốc tế vẫn đang tắc.
Bà Bùi Thị Lệ Phương gợi mở, các khách sạn nếu đã tạo được thương hiệu uy tín nên tính phương án kết hợp cùng doanh nghiệp du lịch bán kỳ nghỉ dài hạn, bán kỳ nghỉ cho nhiều năm sau với giá ưu đãi. Trong bối cảnh một số đơn vị du lịch không hoàn tiền cọc cho khách hàng, đối tác do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà Phương cho rằng các bên cần ngồi lại với nhau để thỏa thuận hoàn trả chi phí ở một mức độ hợp lý bởi chỉ có như vậy mới có thể giữ được uy tín của thương hiệu, giữ được khách hàng truyền thống để kinh doanh lâu dài.