Hội An - “điểm rơi” khởi nghĩa ở Quảng Nam
Trong cuốn hồi ký “Trên những chặng đường cách mạng” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2001, nhà cách mạng Võ Chí Công - người trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Hội An vào đêm 18.8.1945 đã mô tả khá sinh động không khí của ngày hội cách mạng này: “... Ba giờ sáng, trống mõ ở ấp Ngọc Thành và các khu phố nổi lên vang dội cả thị xã Hội An. Đoàn người đi dày đặc, nối tiếp nhau rầm rộ tiến xuống Chùa Cầu, đi qua các phố. Đi đến đâu quần chúng hai bên phố cũng nhanh chóng nhập vào đoàn tham gia cuộc khởi nghĩa, quần chúng vừa đi vừa hô khẩu hiệu, khí thế hừng hực… Sau khi chiếm đồn bảo an, chúng tôi lập tức đến chiếm tòa tỉnh trưởng, kéo cờ đỏ sao vàng lên thay cho cờ quả ly nhục nhã bị lôi xuống và tung truyền đơn kêu gọi đồng bào bảo vệ chính quyền cách mạng. Trời sáng tỏ, quần chúng các thôn kéo đến thêm. Thành phố đông nghịt người, chật cả các đường đi. Không khí vui mừng phấn khởi không sao tả xiết”.
Theo kế hoạch bạo động cướp chính quyền ngày ấy, Hội An là điểm kết thúc cuộc nổi dậy, thế nhưng đây đã trở thành nơi châm ngòi nổ cho cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất ở xứ Quảng năm 1945. Vì sao Hội An đã trở thành “điểm rơi” của sự kiện vĩ đại này trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng 75 năm trước?
Nơi giữ mầm cách mạng
Hội An như lịch sử đã ghi nhận, là nơi Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ra đời vào cuối tháng 3.1930. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, phong trào cách mạng ở Hội An phát triển mạnh mẽ. Từ đây các chi bộ đảng, tổ chức quần chúng lan tỏa nhanh chóng ra các phủ huyện như Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Tam Kỳ… Riêng tại Hội An có một chi bộ với 5 đảng viên, đã tổ chức nhiều sự kiện gây được tiếng vang lớn, thức tỉnh và gây dựng tâm thế cho quần chúng nhân dân bước vào cuộc đấu tranh mới.
Cuối tháng 10.1930, nhiều cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy Quảng Nam bị bắt, Chi bộ Hội An cũng bị vỡ. Phong trào cách mạng trên đất Hội An tạm lắng xuống, nhưng hạt giống cách mạng được gieo vào quần chúng vẫn tiếp tục nảy nở. Ông Nguyễn Tấn Ưng - nguyên Bí thư lâm thời Thành ủy Hội An năm 1945 kể về giai đoạn khó khăn này: “Các đảng viên cộng sản và một số quần chúng cách mạng ở Kim Bồng, trong đó có anh tôi, bị bắt. Dù đang lúc thoái trào nhưng chúng tôi vẫn hoạt động tuyên truyền trong thanh niên Kim Bồng, tổ chức nhóm nòng cốt quyết noi gương những người cộng sản”.
Năm 1935 đồng chí Phan Xuân Hoàng thành lập Ban vận động cách mạng Hội An gồm 5 người, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và bí mật tổ chức các chi bộ. Về sau các chi bộ này được Tỉnh ủy Quảng Nam móc nối củng cố và thừa nhận. Giai đoạn 1936 - 1939, Mặt trận Bình dân lên nắm quyền tại Pháp, tận dụng cơ hội này, Đảng ta phát động cao trào dân chủ, các hoạt động công khai của tổ chức quần chúng diễn ra sôi nổi. Tại Hội An các hội ái hữu thợ may, thợ mộc, đạc điền ra đời, nội dung hoạt động thiết thực, gắn với lợi ích quần chúng nên có ảnh hưởng rộng rãi. Đến năm 1939, Hội An thành lập được 5 chi bộ đảng. Cuối năm 1941, tại ấp Ngọc Thành, Thành ủy lâm thời Hội An được thành lập, đồng chí Nguyễn Tấn Ưng được cử làm Bí thư.
Sau khi các điểm đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam tại Duy Xuyên, Quế Sơn lần lượt bị mật thám Pháp truy lùng, đánh vỡ thì địa bàn Hội An, cụ thể là Kim Bồng trở thành “căn cứ lõm” rất an toàn cho cán bộ cốt cán của Tỉnh ủy hoạt động. Trong những năm 1942 - 1943 quần chúng Kim Bồng, tiêu biểu là gia đình đảng viên kiên trung Nguyễn Hàng, bà Thủ Khóa…, đã hết lòng che chở, bảo vệ các đồng Võ Chí Công, Trần Đăng Quế, Trương Chí Cương… hoạt động. Tháng 6.1942, trên chiếc thuyền lưu động do đảng viên Nguyễn Hàng chèo qua ấp Trung Châu làng Kim Bồng, đồng chí Võ Chí Công và Nguyễn Sắc Kim tổ chức Hội nghị thành lập Liên Thành, Tỉnh ủy Quảng Nam - Hội An - Đà Nẵng. Nhân dân lại tích cực nuôi giấu, bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy hoạt động, giúp in, phát hành tài liệu huấn luyện, truyền đơn và báo chí. Kim Bồng cũng trở thành nơi đứng chân an toàn của Xứ ủy Trung Kỳ. Đặc biệt vào tháng 4.1944, tại chùa Kim Bửu làng Kim Bồng đã diễn ra Hội nghị thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam, đồng chí Trần Văn Quế được cử làm Bí thư. Tỉnh ủy đặt cơ quan tại làng Kim Bồng (bên cạnh đó còn đóng tại vùng Diêm Trường, thuộc xã Tam Giang, huyện Núi Thành ngày nay). Cơ quan Tỉnh ủy được tái lập đã thúc đẩy phong trào cách mạng trong tỉnh phục hồi nhanh chóng, chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.
Điều kiện chín muồi
Ngày 10.3.1945, Nhật đảo chính Pháp. Tháng 4.1945, Tỉnh ủy Quảng Nam đã nhận được bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương và nhanh chóng triển khai trong toàn đảng bộ, khẩn trương củng cố tổ chức đảng, phát triển đoàn thể cứu quốc, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang đưa điều kiện khởi nghĩa đến lúc chín muồi. Trong ngày 12 và 13.8.1945 Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập cuộc họp tại Khương Mỹ (nay thuộc xã Tam Xuân 2, Núi Thành) thì được tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, ngay lập tức Tỉnh ủy quyết định thành lập Ủy ban bạo động, cử đồng chí Võ Chí Công làm trưởng ban, phát động khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Trong hồi ký “Trên những chặng đường cách mạng”, đồng chí Võ Chí Công cho biết, theo kế hoạch sẽ huy động quần chúng cướp chính quyền các phủ huyện cùng lúc vào tối 21 rạng ngày 22.8.1945, sau đó hợp lực kéo xuống giành chính quyền tại tỉnh lỵ Hội An.
Thế nhưng thực tiễn cuộc Cách mạng Tháng Tám ở xứ Quảng đã diễn ra ngược lại. Nguyên nhân là do phong trào cách mạng ở Hội An lúc này đã lên cao và vai trò quyết định của nhà cách mạng Võ Chí Công. Từ sau tháng 5.1945 phong trào cách mạng ở Hội An càng phát triển rầm rộ. Lực lượng tự vệ cứu quốc tăng nhanh chóng, lên đến con số nghìn người. Đặc biệt, ta phát triển được cơ sở cách mạng trong Bảo an binh của địch. Những người này thường xuyên cung cấp tình hình và sẽ làm nội ứng khi khởi nghĩa nổ ra. Đến đầu tháng 8.1945 tại các vùng Thanh Hà, Kim Bồng ta đã làm chủ, tự vệ tổ chức luyện tập, hội họp công khai và tổ chức kiểm soát những người lạ mặt ra vào. “Đêm trước” của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Hội An được ông Nguyễn Tấn Ưng - Bí thư Thành ủy lâm thời Hội An giai đoạn ấy kể lại: “Nhận thấy khí thế cách mạng của quần chúng lên cao, ta nắm được cơ sở trong Bảo an binh của địch, chính quyền bù nhìn tỉnh Quảng Nam hoang mang cực độ, nên chúng tôi họp và sau đó báo cáo với đồng chí Võ Chí Công đề nghị cho phép khởi nghĩa”.
Quyết tâm hành động
Có mặt tại Hội An vào chiều 17.8.1945, đồng chí Võ Chí Công nhận thấy các tổ chức phản động, nhất là “bọn Cao Đài thân Nhật” cũng đang tập hợp lực lượng, nếu ta chậm trễ, chúng dàn xếp với bọn tay sai cướp chính quyền trước thì tình hình sẽ rất phức tạp. Do đó, một mặt ông phái người đi thỉnh thị ý kiến của Tỉnh ủy - lúc này đang đóng tại làng Bích Trâm (xã Điện Hòa, Điện Bàn) để chỉ đạo phong trào toàn tỉnh, một mặt vẫn quyết tâm hành động. “Trong đêm 17 rạng ngày 18.8.1945 chờ đến 3 giờ sáng vẫn chưa thấy tỉnh trả lời mà anh chị em thì rất đồng tình với việc khởi nghĩa và rất nôn nóng hồi hộp. Tôi nói tỉnh chưa duyệt kịp thì ta cũng phải làm. Chúng ta làm không sai, chắc tỉnh cũng đồng ý” (Trích hồi ký “Trên những chặng đường cách mạng”).
Và vào lúc 3 giờ sáng 18.8.1945 ngòi nổ khởi nghĩa đã bùng lên tại Hội An. Đoàn quân khởi nghĩa gồm 700 tự vệ, 5 nghìn quần chúng từ Ngọc Thành, Xuân Lâm, Tu Lễ… lần lượt chiếm bưu điện, đồn bảo an và cuồn cuộn tiến đến tòa tỉnh. Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng, tỉnh trưởng Tôn Thất Giáng chỉ còn cách giao nộp ấn tín cho chính quyền cách mạng. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên tòa tỉnh trưởng khẳng định chính quyền đã về tay nhân dân.
“Cơn địa chấn cách mạng” Hội An đã lập tức lan truyền ra khắp tỉnh, tạo điều kiện cho khởi nghĩa tại các phủ huyện Điện Bàn, Duy xuyên, Thăng Bình, Tiên Phước, Đại Lộc… nhanh chóng giành được thắng lợi. Hội An trở thành “điểm rơi” ngoạn mục của sự kiện cách mạng vĩ đại, góp phần đưa Quảng Nam là một trong 4 tỉnh của cả nước giành chính quyền sớm nhất trong Cách mạng mùa thu năm 1945, ghi thêm một nét son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của xứ Quảng.
Sau khi giành được chính quyền trong toàn tỉnh, ngày 2.9.1945, tại thị xã Hội An, Tỉnh ủy và Ủy ban Việt Minh tỉnh tổ chức mít tinh mừng thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa và tổ chức ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam.
(Bài viết có sử dụng tư liệu của Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1930 - 1975) do Nxb Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2006)