Góp phần tôn vinh đạo hiếu
Năm nay, lần thứ hai liên tiếp Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật (VHNT) và báo chí về đạo hiếu, với sự tham vấn và hỗ trợ chuyên môn của Hội VHNT và Hội Nhà báo tỉnh.
Tuy đây chỉ là cuộc thi về đạo hiếu song phạm vi đề tài được mở ra khá rộng. Theo đó, bên cạnh nội dung tôn vinh đạo hiếu và truyền thống văn hóa dân tộc, Ban Tổ chức cuộc thi còn khuyến khích các tác giả sáng tác, bày tỏ sự tri ân đối với những người có công với đạo pháp, với đất nước; xiển dương những tấm gương hiếu thảo, đặc biệt là “đạo hiếu” trong thời đại ngày nay, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam hưng thịnh, vững bền.
Theo Đại đức Thích Viên Hải - Trưởng ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh kiêm Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, việc mở rộng phạm vi đề tài không phải nhằm giảm bớt độ khó của cuộc thi, thu hút được nhiều người, nhiều thành phần tham gia hơn mà trên hết là để lan tỏa tinh thần đạo hiếu ra cộng đồng cũng như tìm kiếm những góc nhìn đa diện hơn về đạo hiếu trong thời đại ngày nay.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức cuộc thi sáng tác VHNT và báo chí về đạo hiếu năm 2020, mỗi loại hình của cuộc thi này (gồm báo viết, truyền hình, văn xuôi, thơ, ảnh nghệ thuật) đều có một bộ giải riêng gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 3 giải khuyến khích. Ngoài giải thưởng dành cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc, Ban Tổ chức còn trao 3 giải Hiếu hạnh - là những nhân vật, tấm gương đạo hiếu có thật, có hoàn cảnh đặc biệt được thể hiện trong các bài dự thi. Đến nay, hội đồng chung khảo cuộc thi đã hoàn tất việc chấm chọn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc trao giải sẽ được tổ chức trong một thời điểm thích hợp thay vì vào dịp Vu lan 2020 như dự kiến.
Có lẽ nhờ cách “ra đề” khá thoáng rộng ấy, cuộc thi sáng tác VHNT và báo chí về đạo hiếu năm 2020 đã nhận được số lượng bài dự thi nhiều hơn hẳn năm trước, với sự góp mặt của các tác giả từ khắp mọi miền đất nước. Trong đó, không khó để tìm thấy những câu thơ hay, rưng rưng, xúc động: “Con chuyên sách ngọc nhiệm màu/ Thung thăng áo mão qua cầu đăng khoa/ Vinh quy cha yếu mẹ già/ Vành nôi lục bát ợi à sang canh” (Mưa nắng sông nguồn, Võ Khoa Châu). Cũng không thiếu những hình ảnh lạ và đẹp về sự hy sinh vô bờ bến của đấng sinh thành: “Cha!/ Nhận bão dông phả nắng/ Mẹ!/ Giấu mây vần tỏa trăng/ Bầu trời con thản nhiên xanh” (Ru ước mơ xuân, Lê Thị Điểm)...
Với tản văn và truyện ngắn, nhiều tác phẩm có cảm xúc dồn nén; hình ảnh về ông bà, cha mẹ được thể hiện sinh động, linh hoạt và giàu tình cảm. Có cảm giác hầu hết câu chuyện ở đây đều có thật, tuy nhiên sự chân thành trong cách viết và nhất là những hình ảnh dung dị của nhân vật quá quen thuộc, gần gũi, khiến cho cái riêng không còn riêng nữa... Trong khi đó, ở mảng báo chí, một số phóng sự, ghi chép về tấm gương học trò nghèo vượt khó học giỏi, về những con người biết trải lòng ra với tha nhân, về bậc cha mẹ hết lòng vì con cái đã góp thêm những “bằng chứng” sống động về đức hy sinh và đạo hiếu ở đời.
Ngoài ra, cuộc thi sáng tác VHNT và báo chí về đạo hiếu 2020 còn có nhiều tác phẩm lên tiếng cảnh báo về sự xuống cấp của đạo đức xã hội; chỉ ra và lên án những cảnh huống đau lòng về đạo hiếu thời nay. Bên cạnh những tác phẩm chỉ viết về đạo hiếu còn có rất nhiều tác phẩm không trực tiếp viết về đạo hiếu nhưng vẫn mang chứa nhiều thông điệp hay về truyền thống uống nước nhớ nguồn, kính cha thờ mẹ rất tốt đẹp của dân tộc; qua đó tôn vinh, khẳng định sự thiêng liêng của tình cảm gia đình, sự bao dung, yêu thương và hiếu đễ của con cái đối với ông bà cha mẹ.
Theo đánh giá của ban tổ chức cuộc thi, sự xuất hiện của các tác phẩm có cách tiếp cận vấn đề như thế này là một tín hiệu đáng mừng. Bởi thông qua đó, góc nhìn về đạo hiếu trở nên phong phú hơn, được đặt dưới nhiều chiều kích khác nhau trong những mối tương quan chằng chịt, đa dạng, phức tạp của cuộc sống...