Họ đã gác niềm riêng nhung nhớ...
Đặng Thị Tiểu Loan - cô điều dưỡng của Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam) nép mình sau cánh cửa nhà, nhìn chồng từng bước khó nhọc ra đón khách. Đó là lần đầu tiên Loan về thăm sau thời gian cách ly, nhưng cũng chỉ chớp nhoáng vài phút, rồi lại đi. Hơn nửa tháng nay, Loan ở trong bệnh viện, cùng đồng nghiệp làm nhiệm phòng chống dịch Covid-19.
Gần 3 năm trước, không may chồng Loan bị tai nạn lao động, tưởng chết. Nhưng trời thương. Sau 9 lần phẫu thuật, anh mang cả đời mức thương tật gần 70%. Mọi lo toan cuộc sống, từ đó đè nặng lên đôi vai người vợ trẻ.
Dịch Covid-19 tái bùng phát, chị phải gửi con ở nhà ông bà ngoại để đi làm nhiệm vụ. Ở nhà, chồng phải tự chăm sóc bản thân. Dù thương lắm nhưng không còn cách nào khác, vì trách nhiệm với công việc và cả với cộng đồng nên đành gác lại việc riêng để toàn tâm cống hiến. Loan kể, hôm tạm biệt gia đình để đi làm nhiệm vụ, đứa con gái đầu lòng cứ bu lấy chân mẹ, không chịu buông. Thế là, hai mẹ con ôm nhau khóc, chia tay trong bịn rịn nước mắt.
“Con ơi, đừng giận mẹ!”
Loan vẫn không thể giấu được cảm xúc, kể với tôi bằng cách kể rất riêng của người mẹ trẻ lâu ngày xa gia đình. Con của Loan, nay đã 5 tuổi nên cũng biết được ít nhiều câu chuyện. Xem ti vi, nghe nói về dịch bệnh, nó thủ thỉ với mẹ dăm ba điều trẻ nít. Ngày Loan rời căn nhà ở xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) để vào bệnh viện làm nhiệm vụ, nó mếu máo, rồi dặn mẹ “đi rồi nhớ trở về, đừng có chết mà bỏ con, tội nghiệp”. Con nít vẫn luôn hồn nhiên vậy, không giữ được chân mẹ nên chuyển sang giận dỗi.
“Lúc ở trong bệnh viện, em nhớ nó quá nên gọi điện về. Nhưng nó không chịu nói chuyện với em, nó nói con giận mẹ, sẽ không chơi với mẹ nữa. Thiệt tình, lúc đó em cũng có chút buồn vì thương con. Chừ chỉ mong sao nhanh chóng hết dịch để được trở về với con, ôm con thật sâu vào lòng, để bù đắp khoảng thời gian xa cách. Tới đó, nó sẽ thôi giận mẹ” - Loan chùng giọng, dùng tay lướt nhẹ màn hình cảm ứng trên điện thoại di động để xem ảnh đứa con trong cảm xúc dâng trào.
Ai đó đã nói điều hiển nhiên này với tôi, rằng không có người mẹ nào trên cõi đời này muốn rời xa con và không một người vợ nào lại muốn xa chồng. Nhưng, nếu chấp nhận, thì đó là cả một sự hy sinh lặng thầm, cao cả. Loan và bao người mẹ trẻ khác cũng vậy, đang ngày đêm làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Họ gác lại niềm riêng, chú tâm vào công việc, với mong muốn lúc này là góp chút công sức của mình cho cộng đồng. Vậy mà, suốt cuộc chuyện trò, tôi không nghe Loan nhắc về mình, về những khó khăn mà cô và các đồng nghiệp phải trải hơn nửa tháng qua.
Trước khi gặp Loan, tôi nhận được cả “list” (bảng danh sách) thông tin về chị, nên nghĩ bụng, sẽ tìm gặp cho bằng được. Nhớ đợt tháp tùng Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ghé nhà Loan, câu nói chắp vá của người phụ nữ trạc tuổi 30, nghe có điều gì đó cứ nghèn nghẹn trong lòng.
Loan nói, dù hơn 8 năm gắn bó với nghề, nhưng chị vẫn thuộc diện hợp đồng lao động. Cuộc sống trước đây vốn khó, nay lại càng khó thêm gấp bội. Thương vợ vất vả, chồng chị - anh Nguyễn Quốc Tín, dù đi lại, sinh hoạt khó khăn, nhưng gần một tháng nay vẫn xin công ty cũ cho trở lại làm thêm công việc nhẹ để đỡ đần gia cảnh. Anh lấp khoảng trống bằng nghị lực của một người chồng, người cha đầy trách nhiệm và bản lĩnh.
“Chồng lúc nào cũng động viên em, lấy câu chuyện hoạn nạn của gia đình mình trước đây để nhắc nhở vợ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Đó cũng là cách để trả ơn đời đã cho anh được sống tiếp đến ngày hôm nay” - Loan tâm sự.
Bác sĩ Đinh Đạo - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho hay, trong số gần 400 cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại đơn vị, có đến 240 người có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều ngày qua, cùng với đồng nghiệp, họ gác lại chuyện gia đình, tình nguyện làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Có người, gần một tháng nay chưa được về thăm nhà, ở lại bệnh viện để chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
Mùa dịch nên công việc của nhân viên y tế nhiều hơn trước. Nhiệm vụ của Loan và nhiều điều dưỡng chủ yếu là theo dõi và chăm sóc bệnh nhân theo phác đồ điều trị. Đa số ca bệnh là người lớn tuổi, có bệnh nền khá nặng, phải thở ôxy. Vì thế, các điều dưỡng phải hỗ trợ tối đa công sức, từ lo việc ăn uống, tắm rửa, cho đến chích thuốc, làm vệ sinh cá nhân… Nhưng, không một ai nề hà khó nhọc. Bởi trong thâm tâm mỗi người, bệnh nhân như người thân trong nhà, nên càng thương quý.
Áp lực rồi cũng dần hóa thành niềm vui khi từng ngày, từng giờ Loan và các đồng nghiệp được tận mắt chứng kiến quá trình bệnh nhân hồi phục sức khỏe. Ngày họ xuất viện, niềm vui như vỡ òa, vì mừng vì thương. Và hơn thế nữa, khi kết quả bệnh nhân âm tính liên tục, đồng nghĩa với việc các nhân viên y tế giảm dần nguy cơ lây nhiễm. Một chiến thắng lớn động viên tinh thần ngay trong mùa đại dịch ám ảnh loài người.
Mẹ không thể ở nhà!
Tôi nghe câu chuyện về một đồng nghiệp khác của Loan và Phụng, nhiều ngày trước, giữa lúc dịch bệnh căng thẳng thì nhận hung tin chồng mất ở nhà. Nhưng, làm nhiệm vụ trong thời điểm này, nhất là ở khoa lây nhiễm, việc ra ngoài là điều không thể. Phải mất gần một ngày sau đó, khi đã có kết quả âm tính mẫu xét nghiệm, chị mới được về để tang chồng. Hàng xóm không ai dám đến viếng, vì sợ dịch, vì thực hiện lệnh giãn cách nên nỗi buồn càng thêm nặng trĩu…
Tôi đã từng mặc vào người bộ áo quần phòng hộ nên biết cảm giác nó khó chịu như thế nào. Nóng và ngột ngạt cứ bám lấy cơ thể ướt át, mồ hôi rin rít. Vậy mà gần như ngày nào, các nhân viên y tế cũng đều phải mặc, luân phiên nhau theo từng ca trực.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Phụng (Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam) nói với tôi, kể từ khi xung phong làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, chưa ngày nào cô rời khỏi trang phục bảo hộ. Điều đó, gây không ít khó khăn trong việc di chuyển và chăm sóc bệnh nhân. Chưa kể, hơi thở lúc nào cũng làm mờ cặp kính chống giọt bắn, mồ hôi chảy vào khóe mắt cay xè, xây xẩm cả người. Những lúc như thế, các điều dưỡng chỉ biết động viên nhau. Họ lấy bệnh nhân và gia đình làm động lực để tiếp tục phấn đấu, vượt qua khó khăn trong công việc lẫn cuộc sống.
Nhưng Phụng nói, công việc cứu người, trước hết là phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình, đó là nhiệm vụ bắt buộc. Phụng là mẹ đơn thân, có con trai vừa tròn 3 tuổi. Nhớ đợt về thăm đột xuất, sau thời gian cách ly cách đây ít ngày, đứa con cứ bám lấy mẹ, bi bô vài câu chuyện hồn nhiên khiến Phụng không cầm được nước mắt. Gần một tháng làm nhiệm vụ chống dịch tại cơ quan, Phụng gửi con cho ông bà ngoại ở thôn Hương Quế Nam (xã Quế Phú, Quế Sơn) trông nom. Gia cảnh khó khăn, cha của Phụng phải chạy vạy khắp làng trên, xóm dưới để tìm việc làm thuê, dù tuổi ông nay đã gần 70 tuổi.
“Ở trong bệnh viện, rất nhiều chị em có con nhỏ. Vì thế, mỗi lần tranh thủ gọi điện về là mỗi lần chị em ngồi ôm nhau khóc. Khóc vì nhớ nhà, vì thương con. Nhưng làm nghề y buộc mình phải mạnh mẽ để vượt qua tất cả, cùng góp sức chiến thắng dịch bệnh” - Phụng gạt nước mắt, tâm sự.
Áp lực công việc, cũng có lúc Phụng đã nghĩ đến chuyện buông bỏ để trở về với gia đình. Nhưng chính lúc đó, bàn tay yếu ớt của bệnh nhân nắm lấy tay Phụng khi cô đến gần chăm sóc, đã làm Phụng thay đổi ý nghĩ. Phụng nói, có cảm giác bệnh nhân nào cũng đều lo sợ bị bỏ rơi nên thấy thương lắm.
Qua một đợt điều trị, cả Loan và Phụng đều được cho cách ly theo quy định. Hết thời gian, cả hai sẽ tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Gác lại niềm riêng, họ hăng hái xông pha trên tuyến đầu chống dịch, dù vẫn biết hiểm nguy chực chờ phía trước…