"Mọi chuyện, may mắn đều đã suôn sẻ"

XUÂN HIỀN - ĐOÀN ĐẠO 29/08/2020 07:15

Những câu chuyện từ “vùng đỏ” - nơi trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ là ký ức rất khó quên với những ai đã từng trải qua. “Mọi chuyện, may mắn đều đã suôn sẻ” - Bác sĩ-CKII. Huỳnh Quang Đại (Bệnh viện Chợ Rẫy) chia sẻ với chúng tôi, ngay khi anh hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt.

Bác sĩ-CKII. Huỳnh Quang Đại điều trị trực tiếp cho bệnh nhân 592 - cụ bà 100 tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Ảnh: BV Chợ Rẫy
Bác sĩ-CKII. Huỳnh Quang Đại điều trị trực tiếp cho bệnh nhân 592 - cụ bà 100 tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Ảnh: BV Chợ Rẫy

Những trải lòng bên cạnh sự chia sẻ, còn là thông điệp gửi gắm người ở lại. Cho đến trước ngày các y bác sĩ tình nguyện chuẩn bị hành trang trở về TP.Hồ Chí Minh, một bệnh nhân Covid-19 được cho ra viện, bỗng dương tính trở lại. Lúc này, trọng trách được giao lại cho TS-BS. Lê Viết Nhiệm - người thầy thuốc đặc biệt của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện liên quan đến công tác điều trị với hai người thầy thuốc này.

Tâm sáng và sứ mệnh người thầy thuốc

* PV:Hẳn 3 tuần công tác tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, anh sẽ có rất nhiều cảm xúc đặc biệt, thưa bác sĩ Huỳnh Quang Đại?

 
 Bác sĩ CKII. Huỳnh Quang Đại.

BS-CKII. Huỳnh Quang Đại: Hiện tại, theo phân tích và báo cáo thì dịch coi như đã kiểm soát được, những ngày qua Quảng Nam cũng rất ít ca mới, trong khi đó số bệnh nhân khỏi bệnh xuất viện càng nhiều lên, là tín hiệu đáng mừng. Trực tiếp điều trị và chứng kiến các bệnh nhân lần lượt khỏi bệnh thì không có niềm vui nào bằng. Người ta nói rằng mỗi chuyến đi sẽ giúp mình trưởng thành hơn. Anh em chúng tôi cũng vậy, khi làm việc tại Quảng Nam, trải qua những câu chuyện sóng gió như vậy, mỗi người sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm khác nhau.

Hơn 3 tuần công tác tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, mọi chuyện may mắn đều đã suôn sẻ. Mọi người cùng nhau làm và kết quả khá tốt. Một điều tôi muốn gửi gắm lại các bạn đồng nghiệp ở đây, là hãy đặt cái tâm sáng của người thầy thuốc lên trên tất cả khó khăn, cố gắng chữa bệnh cho Nhân dân, đó là điều lớn nhất cũng là sứ mệnh của người thầy thuốc. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta đều phải chấp nhận. Điều thứ 2 nữa, chúng ta luôn cố hết sức của mình, mặc dù vậy, cũng phải nhớ rằng các biện pháp bảo vệ bản thân rất quan trọng. Do đó, phải cẩn thận vì bảo vệ chính bản thân mình, cũng là bảo vệ người bệnh. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, sau này, nếu Quảng Nam - Đà Nẵng cần, chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại chia sẻ cùng các bạn đồng nghiệp tại đây. 

* PV:Có ca bệnh nào đặc biệt trong quãng thời gian anh làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam khiến anh nhớ nhất?

BS-CKII. Huỳnh Quang Đại: Có nhiều ca bệnh đặc biệt. Ví dụ như nhiều bệnh nhân lớn tuổi, những người mình gọi là ông ngoại bà ngoại, 90, 100 hoặc trên 80 tuổi. Khi vào viện họ không có con cái bên cạnh vì cả gia đình đã bị cách ly. Do đó, các nhân viên y tế phải chăm sóc thuốc men, phải lo từng bữa ăn, bát cháo, thậm chí phải đút từng muỗng cháo cho người bệnh. Có cụ bà 100 tuổi là bệnh nhân 592, có bệnh lý nền suy tim. Trong quá trình điều trị cho bà, nhiều lúc chúng tôi rất lo vì bà tuổi đã cao, lại có bệnh nền. Nhưng may mắn, chúng tôi nhận thấy sức khỏe bà tiến triển tốt hơn từng ngày. Bà nói với chúng tôi: “Mai mốt tui hết bịnh, mời bác sĩ ghé nhà tui uống nước chè”. Nhìn bà khỏe lại, giao tiếp tốt, mọi người đều rất vui. Những chuyện như vậy sẽ khiến tôi nhớ mãi về đợt điều trị đặc biệt tại Quảng Nam. 

* PV:Thêm một điều nữa, đối với các trường hợp nặng, theo anh, việc chăm sóc cần phải thực hiện như thế nào?

BS-CKII. Huỳnh Quang Đại: Đối với bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền đi kèm, nguy cơ biến chuyển trở thành bệnh nặng rất cao, ví dụ như suy hô hấp, phải thở máy, suy đa cơ quan… Do vậy, việc chăm sóc theo dõi hằng ngày rất quan trọng. Thứ nhất phải đánh giá phân tầng được nguy cơ của từng bệnh nhân đó, có kế hoạch theo dõi hợp lý. Điều trị theo dõi hằng ngày bệnh nhân phải hết sức chặt chẽ để kịp thời phát hiện những biến chuyển và có sự can thiệp kịp thời. Ví dụ như biện pháp hỗ trợ hô hấp, từ thở ôxy thông thường cho đến thở ôxy lưu lượng cao, tiến đến đặt nội khí quản. Song song đó, trong việc chăm sóc hằng ngày hiện nay, đáng ngại nhất là phải ngăn ngừa được nhiễm trùng bệnh viện, bội nhiễm. 

Không chủ quan

* PV:Mới đây, BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam tiếp nhận một ca bệnh tái dương tính sau khi cho xuất viện được 4 ngày. Thưa TS-BS. Lê Viết Nhiệm, vậy bệnh nhân cần làm gì sau khi ra viện để ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm?

 
 TS-BS. Lê Viết Nhiệm (ảnh chụp vào tháng 2.2020). Ảnh: ĐOÀN ĐẠO 

TS-BS. Lê Viết Nhiệm: Theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế, người bệnh khỏi Covid-19 sau khi xuất viện được yêu cầu tiếp tục cách ly tại nhà dưới sự hỗ trợ của trung tâm kiểm soát bệnh tật và giám sát của y tế cơ sở thêm 14 ngày nữa. Trong thời gian này, người bệnh cần theo dõi thân nhiệt 2 lần/ngày, nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ ở hai lần đo liên tiếp hoặc có các dấu hiệu bất thường khác, phải thông báo cho y tế địa phương để được hướng dẫn tái khám, kiểm tra tình trạng sức khỏe. Khi cách ly tại nhà, chú ý bố trí ở phòng riêng, ăn uống riêng, mang khẩu trang và tránh tiếp xúc gần với người sống cùng nhà (nên cách nhau trên 2m), chú ý vệ sinh tay thường xuyên với dung dịch sát khuẩn nhanh và rửa tay bằng xà phòng.

Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh (dù một số nước đã công bố có vắc xin nhưng phần lớn còn đang thử nghiệm và hiệu quả chưa được kiểm chứng), đồng thời đã có nghiên cứu cho thấy người khỏi Covid-19 có kháng thể không bền vững và đã có báo cáo một số trường hợp tái nhiễm sau khi khỏi bệnh trên thế giới. Do vậy, để tránh tái nhiễm (lây bệnh từ người khác), người khỏi bệnh Covid-19 cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa chung như mọi người trong xã hội bao gồm: mang khẩu trang khi đến nơi công cộng, nơi đông người, thường xuyên rửa tay, tránh tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc với người đang có dấu hiệu bệnh, tránh đi đến nơi đang có dịch Covid-19. Theo dõi thường xuyên thông tin về dịch bệnh và tuân thủ các khuyến cáo phòng ngừa bệnh của Bộ Y tế. Thực hiện cài đặt ứng dụng Bluezone đã được Chính phủ và Bộ TT-TT phổ biến, giúp xác định nguy cơ bệnh cho mọi người.

* PV:Vậy liệu có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, người nhà sau khi xuất viện?

TS-BS. Lê Viết Nhiệm: Hiện nay, ở Việt Nam có một số trường hợp người bệnh tái dương tính với SARS-CoV-2 khi xét nghiệm sinh học phân tử, đều được nhập viện trở lại và thực hiện cách ly điều trị như một ca bệnh Covid-19 mới, đồng thời xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người tiếp xúc gần. May mắn là cho đến thời điểm hiện tại, các trường hợp tái dương tính đã công bố ở Việt Nam không phải tình trạng tái nhiễm và chưa có trường hợp lây cho người khác trong quá trình tái dương tính. Tuy nhiên, về nguyên tắc, người khỏi bệnh Covid-19 khi tái phát hay tái nhiễm đều có nguy cơ lây bệnh cho người nhà và cộng đồng nếu không tuân quy định tiếp tục cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày sau xuất viện.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay dịch lây lan trong cộng đồng cao như ở Đà Nẵng, Quảng Nam, sẽ có thêm một số trường hợp tái dương tính sau xuất viện, cần điều tra xác định khả năng tái nhiễm, tái phát ở người bệnh Covid-19 đã khỏi. Chúng ta vẫn phải cẩn trọng tối đa vì chưa biết có thật sự tái phát hay tái nhiễm hay không, nếu có thì nguy cơ lây bệnh cho người nhà hay cộng đồng có tiếp xúc gần là có.

Xin cảm ơn hai bác sĩ về cuộc trao đổi này!

XUÂN HIỀN - ĐOÀN ĐẠO