Ra đi trong mùa Covid-19
Ông nói răng chừ tối ra đường, giống hồi chiến tranh quá, vắng ngắt. Tôi cố “biện” thêm chút là hồi đó còn ì oàng súng đạn, nó đề pa mình còn nghe, chứ chừ ở mô mô mà thiệt gần, có thể tôi là anh. Kinh quá. Ừ, cái chết bất ngờ quá.
Không có cái chết đầu tiên. Không có cái chết sau cùng. Ông Trịnh Công Sơn viết vậy, thực ra đó không phải là sáng tạo của ông. Phật Giáo hay nhiều trường phái triết học Đông - Tây khi bàn về cái chết, đã nói xa gần như thế. Chẳng có sự sống, cũng không có cái chết. Chết hay sống, là một cách gọi. Chơi ở cõi này là sống, mà cõi kia cũng sống. Thôi thì nói cái sống và cái chết khi dịch bệnh thực tế bằng mắt thường, bằng cái nhìn giản đơn của dân gian.
Đang ăn chơi nhảy múa ca hát từng, hoặc dù có bệnh này nọ đi nữa vẫn ợ ngáp nói năng được, đùng một cái mắc con vi rút chết dịch kia. Tôi để ý, khi ca đầu tiên là bệnh nhân Covid-19 chết, người ta giật mình hoảng hốt. Vài ca sau đó cũng gây cảm giác hoang mang. Nhưng khi đã tới ca thứ 10, hình như nỗi đau nén lại, chứ không ầm lên nữa. Ở đây là tôi nghĩ về cảm xúc và hiệu ứng của đám đông, xã hội, chứ không phải người thân ai đó đã tử vong.
Chấp nhận. Phải chấp nhận. Đừng nhân chuyện này mà vẽ ra lắm điều khác, rồi vu vạ, nói xấu, nâng cái này dìm cái kia. Chết vì dịch, gọn vậy, còn nếu có các yếu tố khác tham gia vô, cũng vậy thôi.
Những cái chết vì bệnh dịch này, mai táng bằng hỏa thiêu. Đây là điều khó chấp nhận nếu bình thường so với nhiều gia đình, nhưng không thể khác bởi đó là quy định bắt buộc của ngành y tế. Không hỏa thiêu, nguy cơ lây nhiễm cực cao, điều đó nếu xảy ra càng gây chết chóc kinh khủng hơn. Ở góc nhìn hiện đại, đây là việc làm văn minh, sạch sẽ; không chiếm chỗ khi đất cho kẻ sống ngày một eo hẹp; tiện cho việc khói nhang… Một khi đã xác định mọi thứ đều cát bụi, thì sẽ không nặng nề chôn hay thiêu.
Tự nhiên đang thanh lọc chúng ta. Chưa bao giờ xã hội hiện đại chứng kiến tham vọng kinh khủng của con người nổi lên như bây giờ. Một khi đã không chịu mình đứng dưới gầm trời, thì trời sẽ thanh lọc. Nếu đời sống luôn có sự cân bằng từ trong khởi thủy, thì những cơn thịnh nộ của trời đất, chính là phép cân đối đã được kích hoạt từ đâu đó trong cõi xa xôi, để cho con người tỉnh ngộ lại rằng, mình chỉ là một sinh vật bé nhỏ, lỗi lầm trong hệ sinh thái quay quanh mặt trời này; bởi ngoài loài người tưởng mình là vĩ đại, thì còn có những thứ khác kinh hoàng hơn, mà so với chúng, người chẳng qua là vật thể mong manh, yếu ớt, thua toàn tập. Covid-19 là một ví dụ đó…
Còn ở góc nhìn Phật giáo, chuyện những người già mất đi vì bệnh, cũng là thường thôi. Người xưa nói rằng 60 tuổi là thọ, thì cứ xem hầu hết họ vốn đã trên 60 tuổi, có chết cũng đã hưởng thọ. Thành, trụ, hoại, diệt, xem ra tổng kết này của nhà Phật xét trong hoàn cảnh này, vốn áp dụng hết cho tất cả sinh vật an trú trong cõi trần ai này, không sai.
Rồi ai cũng chết. Chỉ cầu mong cái chết đến riêng lẽ với ai đó, khi sinh thể của họ hết mầm sống, chết trong bình yên. Và cầu cho mọi thứ chết chóc hiện tồn đi qua mau, để rồi nhịp điệu đời sống lại tiếp tục, dẫu biết, đi, cũng có nghĩa là dừng lại và chạm đến hư vô…