Băng ở Greenland tan chảy với tốc độ kỷ lục
(QNO) - Các nhà khoa học trên thế giới vừa có báo cáo mới nhất về hiện tượng băng tan chảy ở Greenland và hệ lụy đối với các thành phố ven biển.
Nghiên cứu mới nhất được đăng trên tạp chí Communications Earth and Environment vào hôm qua 20.8 cho thấy, băng ở Greenland tan nhanh hơn bao giờ hết vào năm 2019 khiến Greenland đã mất thêm một lượng băng kỷ lục là 532 tỷ tấn, trong đó chỉ trong tháng 7 đã mất 223 tỷ tấn.
Trước đó, trong giai đoạn 2003-2016, lượng băng mất trung bình ở Greenland là khoảng 255 tỷ tấn mỗi năm. Vào năm 2019, băng của Greenland mất nhiều hơn 15% lượng băng so với kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2012.
Báo cáo này được đưa ra sau một nghiên cứu khác vừa được công bố trước đó cho thấy tảng băng ở Greenland tan chảy đến mức không thể phục hồi và đang chảy vào đại dương, dẫn đến mực nước biển dâng cao đột ngột và khó lường.
Theo CNN, Greenland - một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, là hòn đảo lớn nhất thế giới (với diện tích khoảng hơn 2,1 triệu km2.). Greenland nằm giữa Bắc Cực và Đại Tây Dương, ở phía đông quần đảo Bắc Cực của Canada. Khoảng 79% bề mặt của Greenland được bao phủ trong băng.
Băng của Greenland lớn thứ hai trên thế giới sau Nam Cực và băng tan hàng năm vào mùa hè góp phần làm mực nước biển dâng hơn 1mm mỗi năm. Nhưng điều đó sẽ trở nên tồi tệ hơn khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngày càng tăng và tiếp tục làm ấm hành tinh. Năm 2019 cũng là một trong 3 năm nóng nhất trong lịch sử.
Nhà nghiên cứu Ingo Sasgen - công tác tại Viện Alfred Wegener của Đức nói: “Chúng tôi thấy Bắc Cực ấm lên nhanh hơn khoảng 1,5 lần vào mùa hè so với mức trung bình toàn cầu”. Chuyên gia này lý giải, nhiệt độ ngày càng tăng này kết hợp với lượng tuyết rơi thấp, điều kiện khí quyển ấm áp và không có mây cho phép nhiều bức xạ mặt trời đi vào tảng băng, dẫn đến sản lượng tan chảy khổng lồ như năm ngoái.
Nghiên cứu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng khẳng định, sự ấm lên của đại dương đang gây ra sự mất mát lớn về băng ở Greenland và Nam Cực.
Mực nước biển được dự báo sẽ tăng khoảng 1m vào cuối thế kỷ này, làm ngập các thành phố ven biển trũng thấp. Theo một số dự đoán, nếu không xây dựng hệ thống phòng thủ, khoảng 300 triệu người trên toàn thế giới - bao gồm cả ở Mỹ, châu Âu và khắp châu Á - có thể có nguy cơ mất nhà cửa trước nước biển dâng trong ba thập kỷ tới.
Vì vậy, các chuyên gia khẳng định, giảm khí thải CO2 là hy vọng duy nhất để làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu và giảm lượng băng tan trong tương lai.