Những yếu tố làm nên thắng lợi
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi trọn vẹn. Để có được thắng lợi đó, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã chủ động, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương đường lối của Đảng vào tình hình thực tiễn cách mạng địa phương.
Chủ động chuẩn bị
Sau khi thành lập, nhất là những năm 1939 - 1943, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam có đến 4 lần bể vỡ. Nhưng nhờ nắm vững chủ trương, sau mỗi lần bể vỡ, các đồng chí chưa bị bắt tiếp tục chủ động nối lại đường dây, xây dựng phong trào cách mạng, vừa tìm cách liên lạc với Xứ ủy Trung kỳ để kịp thời nắm chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng. Vì vậy, sau mỗi lần bể vỡ, phong trào cách mạng ở Quảng Nam nhanh chóng phục hồi.
Đặc biệt, nhờ tích cực tìm đường bắt nối, tháng 10.1940, Tỉnh ủy liên lạc được với Xứ ủy Trung Kỳ tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại chùa Hang (Núi Thành). Hội nghị được nghe đồng chí Hồ Tỵ - phái viên của Xứ ủy tham dự và phổ biến nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng (11.1939). Hội nghị có ý nghĩa như một đại hội của Đảng bộ tỉnh, đồng thời đánh dấu bước chuyển hướng nhận thức quan trọng về đường lối giải phóng dân tộc, chuẩn bị những điều kiện hướng tới khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau khi Tỉnh ủy lập lại, các đồng chí trong Tỉnh ủy phân công nhau đi xây dựng cơ sở cách mạng, Tỉnh ủy không đứng một chỗ mà di chuyển liên tục cho phù hợp với tình hình cách mạng, như đồng chí Võ Toàn - Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ đã nói “lúc này chúng tôi đi đến nơi nào coi như Tỉnh ủy chuyển đến đó”, để thấy được sự chủ động của Đảng bộ tỉnh trong xây dựng và phát triển phong trào cách mạng trong toàn tỉnh.
Vận dụng sáng tạo
Sở dĩ Cách mạng tháng Tám ở Quảng Nam đạt được thành quả là nhờ diễn ra trong điều kiện có những yếu tố thuận lợi căn bản. Trước hết đó là sự nắm vững và vận dụng sáng tạo những chủ trương đường lối về giải phóng dân tộc của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, chương trình Điều lệ của Mặt trận Việt Minh và bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra ngày 12.3.1945.
Trong bản chỉ thị này Trung ương chủ trương thay đổi khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật, Pháp, trước đây bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật” và dự kiến các khả năng có thể làm cho cuộc khởi nghĩa của ta nổ ra giành thắng lợi. Trên cơ sở đó, Đảng bộ Quảng Nam nỗ lực chuẩn bị chu đáo từ tuyên truyền giác ngộ quần chúng đến tập hợp lực lượng và tổ chức rộng khắp từ nông thôn đến thành phố tạo ra sức mạnh tổng hợp cho Cách mạng tháng Tám. Tháng 5.1945, Hội nghị Tỉnh ủy quyết định kiện toàn Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh lấy mật danh Việt Minh Vụ Quang để công khai tuyên truyền hiệu triệu quần chúng; củng cố hệ thống Việt Minh từ xã, tổng lên phủ, huyện. Để nhanh chóng phát triển lực lượng và các hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa, tháng 6.1945, Tỉnh ủy họp mở rộng tại Thọ Khương, Tam Kỳ. Hội nghị chủ trương đẩy mạnh sử dụng hình thức mít tinh tuyên truyền xung phong tại các lễ hội hợp pháp của quần chúng để phát động phong trào; nhanh chóng phát triển đội tự vệ vũ trang cơ sở, xây dựng đội du kích Vũ Hùng thành lực lượng vũ trang nòng cốt của tỉnh.
Sau Hội nghị Tỉnh ủy ở Thọ Khương công tác chuẩn bị cho khởi nghĩa ở Quảng Nam phát triển với nhịp độ sôi nổi và khẩn trương. Các tổ chức lãnh đạo và lực lượng khởi nghĩa hình thành, luôn trong tư thế sẵn sàng hành động. Tỉnh ủy và Ủy ban Việt Minh tỉnh được củng cố tăng cường, đã thành lập các ban chuyên môn như Ban Quân sự, Ban Tài chính, Ban Binh vận, Ban Phụ vận. Mỗi đồng chí trong Tỉnh ủy và Việt Minh tỉnh được phân công chỉ đạo từng phủ, huyện, thị thành và các mặt công tác quan trọng. Đầu tháng 8.1945, hầu hết tổng và phần lớn số trong tỉnh lập xong Ủy ban Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Đội du kích Vũ Hùng phát triển lên 200 đội viên, đêm đêm anh em tập trung học quân sự, luyện tập võ nghệ... Có thể nói, ở Quảng Nam, những ngày đầu tháng 8.1945 bộ máy thống trị tay sai của Nhật từ phủ, huyện, đến cơ sở đã bị tê liệt, quần chúng được tập hợp dưới ngọn cờ hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa.
Nhận thấy thời cơ cách mạng chín muồi, trong hai ngày 12 và 13.8.1945, Tỉnh ủy họp tại nhà ông Tòng (ở Khương Mỹ, Tam Kỳ) để bàn kế hoạch chớp thời cơ khởi nghĩa. Cuộc họp đang tiến hành, chiều 13.8.1945 nhận được tin “Nhật hoàng đã đầu hàng Đồng Minh”. Ngay lập tức cuộc họp được chuyển xuống nhà ông Nguyễn Chiến (Khương Mỹ), chuyển trọng tâm sang bàn chủ trương khởi nghĩa và quyết định: Phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền.
Cô lập quân Nhật
Là một tỉnh có thành phố lớn và đông quân Nhật đóng quân, Tỉnh ủy tuy có chủ trương phân hóa và cô lập để quân Nhật nằm im không can thiệp nhưng phải có phương thức khởi nghĩa linh hoạt thích hợp với từng nơi. Vì vậy, trong đêm 13.8.1945, Hội nghị Tỉnh ủy đề ra chủ trương trung lập hóa quân Nhật và giao đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ cho người thương lượng với chỉ huy Nhật ở Đà Nẵng. Quân Nhật chấp nhận không can thiệp và yêu cầu Quảng Nam liên hệ Việt Minh Quảng Ngãi đừng đánh và ngăn chặn đi lại của chúng trên quốc lộ 1.
Khi thời cơ cách mạng đến, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh lỵ Hội An đêm 17 rạng sáng 18.8.1945. Còn tại TP.Đà Nẵng, do tình hình cấp bách đặt ra, không thể chờ đồng chí Lê Văn Hiến từ Quảng Ngãi về, Thường trực Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ - Bí thư Thành ủy, Phó trưởng ban khởi nghĩa tổ chức cuộc họp tối ngày 25.8.1945, quyết định ra lệnh tổng khởi nghĩa toàn thành phố. Ngay trong đêm, đồng chí Lê Văn Hiến về đến nơi và tiếp tục bàn công việc khởi nghĩa giành chính quyền trong thành phố. Như kế hoạch, sáng 26.8 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng thành công.
Như vậy, nhờ sự chủ động, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương đường lối của Đảng vào tình hình thực tiễn cách mạng địa phương, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam và TP.Đà Nẵng diễn ra trong một thời gian ngắn (từ ngày 18.8 đến ngày 26.8.1945) và giành thắng lợi trọn vẹn.
Nhớ mãi mùa thu cách mạng
Liên quan đến khởi nghĩa Tháng Tám có sự cố hy hữu xảy ra. Cụ thể, để chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cử đồng chí Phan Thêm vào Quảng Ngãi gặp đồng chí Trương Quang Giao - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi để trao đổi tình hình và rút kinh nghiệm phong trào du kích Ba Tơ. Nhưng đồng chí Phan Thêm bị Việt Minh Quảng Ngãi bắt giam vì mang theo “Mật thư” của Tỉnh ủy Quảng Nam ghi “TV Quảng Nam gửi TV Quảng Ngãi”, bị hiểu nhầm là thành viên của tổ chức Tân Việt Quảng Nam.
Tại Đà Nẵng, theo sự phân công của Thành ủy, đồng chí Lê Văn Hiến cũng vào Quảng Ngãi để phối hợp, tìm giải pháp tốt nhất cho khởi nghĩa thắng lợi, tạo điều kiện để Nhật thực hiện cam kết không can thiệp vào công cuộc khởi nghĩa ở Đà Nẵng. Nhưng trên đường về, gặp lúc quân Nhật bắn vào du kích Quảng Ngãi, đồng chí cũng bị bắt vì nghi là Việt gian. Ngày 18.8.1945, đồng chí bị đem ra xử bắn, trước khi xử bắn đồng chí xin nói mấy lời, và trong bài viết “Nhớ mãi mùa thu” đăng trong tập “Nhớ mãi mùa thu cách mạng” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng xuất bản, đồng chí Lê Văn Hiến đã viết: “Trước khi chết, tôi yêu cầu nói với nhân dân Quảng Ngãi một lời cuối cùng! Tôi nói đây không phải là để tự bào chữa cho mình, mà để sau khi tôi chết, dân chúng Quảng Ngãi ít ra cũng biết đã xử tử một người nào? Giết Việt gian, hành động ấy rất cách mạng, tôi kính cẩn nghiêng mình trước hành động ấy. Riêng tôi mặc dù đã thấy đồng bào cạn xét mà giết lầm, tôi chết chẳng có chút gì oán hận. Anh em vì sốt sắng với cách mạng mà lầm, thì tôi vì sự lầm ấy mà chết, cái chết oan ấy cũng vì cách mạng, vì tiền đề của dân tộc! Tôi hết lời”. Một vài phút yên lặng rồi trong dân chúng có tiếng quát to: “Yêu cầu hoãn lại”.