Châu Á trước tác động của biến đổi khí hậu
(QNO) - Khu vực châu Á đang đối mặt với các tác động nghiêm trọng hơn từ biến đổi khí hậu so với nhiều nơi khác trên thế giới.
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey & Co. cho biết, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, nắng nóng, hạn hán và lũ lụt sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt tại châu Á với thiệt hại có thể lớn hơn.
Sở dĩ châu Á đang chịu nhiều rủi ro vì đây là nơi có tỷ lệ người nghèo cao, trong khi việc làm, mưu sinh kiếm sống của họ có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào công việc ngoài trời cũng như dễ bị tổn thương nhất khi nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Theo đó, tính đến năm 2050 có thể khiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương thiệt hại tới 4.700 tỷ USD mỗi năm trong GDP, chiếm khoảng 2/3 tổng lao động toàn cầu đang gặp rủi ro.
Báo cáo của McKinsey & Co. nhấn mạnh, những rủi ro kinh tế dẫn đến việc trì hoãn các khoản đầu tư nhằm giảm thiểu hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu. Thậm chí, khả năng bị thiệt hại trên diện rộng tương tự như những gì mà khu vực phải gánh chịu như trong đại dịch Covid-19 hiện nay.
Chủ tịch McKinsey & Co. khu vực châu Á đồng thời là tác giả của bản báo cáo trên - ông Oliver Tonby nói, những gì chúng ta thấy là các quốc gia, thành phố và người dân có thể thực hiện những hành động kiên quyết. Và nếu chúng ta duy trì các hoạt động này cũng như hợp tác trên toàn cầu để ngăn chặn biến đổi khí hậu thì chúng ta sẽ nhìn thấy những kết quả tích cực.
Các dự báo này của McKinsey & Co. dựa trên một kịch bản trong đó thế giới không cắt giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và châu Á ấm lên 2 độ C. Nếu vậy, vào năm 2050, 500 - 700 triệu người sống ở những quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan có thể trải qua những đợt nắng nóng vượt quá ngưỡng có thể sống sót.
Cạnh đó, việc mất lao động ngoài trời trong thời gian đó có thể làm giảm 7 - 13% GDP ở 3 quốc gia trên, dẫn đến thiệt hại trung bình 2.800 - 4.700 tỷ USD trên toàn châu Á mỗi năm.
McKinsey & Co. dự báo, số lượng trận mưa lớn có thể tăng gấp 3 - 4 lần vào năm 2050 ở các khu vực của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia. Tình trạng lũ lụt gia tăng có thể gây thiệt hại 1.200 tỷ USD ở châu Á, chiếm tỷ lệ khoảng 75% trong tổng thiệt hại toàn cầu.
Ngược lại, khi trái đất nóng lên, các khu vực phía tây nam Australia có thể trải qua hơn 80% thời gian trong điều kiện hạn hán vào năm 2050, còn các khu vực của Trung Quốc có thể chịu hạn hán 40 - 60% thời gian.
Biến đổi khí hậu cũng làm tăng khả năng xảy ra các cơn bão dữ dội từ Philippines và Việt Nam sang Đông Bắc Á.
Theo các chuyên gia của McKinsey & Co., việc dự báo để đánh giá khá cụ thể những thiệt hại tác động đến mọi mặt, bao gồm lĩnh vực kinh tế - xã hội để thế giới cần có những hành động quyết liệt hơn trong ngăn chặn biến đổi khí hậu và hệ lụy.
Cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu với các báo cáo khoa học vô cùng quan trọng đối với các nhà hoạch đính sách sách, như trong khi việc phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á đang chịu sự tác động nhanh chóng của làn sóng đô thị hóa.