"Nhóm lửa" cách mạng

LÊ NĂNG ĐÔNG 17/08/2020 08:40

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam đã diễn ra nhanh chóng và thắng lợi trọn vẹn. Thắng lợi đó đã khẳng định sự nhạy bén, sáng tạo, kịp thời nắm bắt thời cơ trong công tác tuyên truyền, cổ động của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.

Nhân dân Quảng Nam xuống đường khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. (Tranh vẽ)
Nhân dân Quảng Nam xuống đường khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. (Tranh vẽ)

Sau khi thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời (3.1940), tháng 10.1940, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị mở rộng tại chùa Hang (nay thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành). Hội nghị chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động làm cho đảng viên và quần chúng hiểu rõ đường lối, nhiệm vụ đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng dân tộc; đồng thời quyết định ra báo “Khởi Nghĩa” làm cơ quan tuyên truyền, cổ động của Đảng bộ tỉnh.

Từ sau hội nghị chùa Hang, địch phát hiện ra cơ quan Tỉnh ủy, chúng bủa vây truy lùng, bắt bớ cán bộ và cơ sở cách mạng. Cơ quan Tỉnh ủy chuyển ra An Thạch (Thăng Bình), rồi lên Quế Sơn, dựa vào vùng núi Nghi Sơn, Nghi Hạ, Nghi Trung qua núi Hòn Tàu đến Phú Nham Tây (Duy Xuyên) làm căn cứ đóng cơ quan, in tài liệu, ra báo. Tại đây, báo “Khởi Nghĩa” ra số đầu tiên. Các đồng chí Ban biên tập chia nhau đi phân phát tận cơ sở, dùng tờ báo làm phương tiện vừa tuyên truyền giác ngộ quần chúng, vừa hướng dẫn đảng viên, cơ sở chống địch khủng bố. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phong trào cách mạng trong tỉnh tiếp tục được phục hồi.

Tháng 7.1941, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tại Nghi Sơn, chủ trương đẩy mạnh hơn nữa mọi mặt công tác để đưa phong trào của tỉnh bắt kịp với phong trào cả nước. Hội nghị đánh dấu một bước quan trọng về chuyển hướng toàn bộ nhận thức, tổ chức và hoạt động của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam sang nhiệm vụ chuẩn bị võ trang khởi nghĩa. Tuy nhiên công tác tuyên truyền mới chỉ đẩy mạnh ở vùng nông thôn, việc tổ chức lực lượng chưa theo kịp với yêu cầu cách mạng. Nhận thấy tình hình đó, đầu năm 1942, Tỉnh ủy mở Hội nghị kiểm điểm và yêu cầu tập trung toàn bộ hoạt động hướng vào mục tiêu chuẩn bị các điều kiện để đón thời cơ vũ trang khởi nghĩa đánh đổ kẻ thù Pháp, Nhật và bọn Việt gian.

Hưởng ứng chủ trương của Tỉnh ủy, cán bộ thoát ly của các phủ, huyện chia nhau đi diễn thuyết khắp nơi. Cùng với mít tinh, các hình thức cổ động, tuyên truyền khác như treo cờ, căng biểu ngữ, viết khẩu hiệu, rải truyền đơn cũng được sử dụng phổ biến. Nhờ công tác tuyên truyền, đông đảo quần chúng đã tích cực gia nhập các đoàn thể, nhận nuôi giấu cán bộ. Một số nơi, gia đình lý trưởng, hương kiểm cũng nuôi giấu cán bộ cách mạng; do đó, mặc cho mật thám truy lùng bắt bớ gắt gao, cán bộ thoát ly vẫn đi lại, ăn ở trong dân.

Tình hình Quảng Nam năm 1942 chưa xuất hiện thời cơ khởi nghĩa, nhưng ta lại hoạt động quá lộ liễu, mất cảnh giác. Vì vậy, tháng 3.1942, địch lại khủng bố, giăng bẫy khắp các phủ, huyện, tiến hành nhiều vụ bắt bớ, tịch thu phương tiện in báo, tài liệu. Một lần nữa Đảng bộ tỉnh lại đứt liên lạc với trên. Tuy vậy, một số đảng viên và cơ sở còn lại vẫn tiếp tục hoạt động, móc nối xây dựng lại phong trào. Đến tháng 6.1942, Liên Thành, Tỉnh ủy Quảng Nam - Hội An - Đà Nẵng được thành lập, chủ trương ra báo “Cờ Độc Lập” thay cho tờ “Khởi Nghĩa”.

Lúc bấy giờ, các đồng chí bị giam trong nhà lao Hội An đã nhận được tài liệu từ bên ngoài gửi vào như: Chương trình, Điều lệ của Mặt trận Việt Minh, Điều lệ của các đoàn thể cứu quốc, Thư kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, báo “Cờ Độc Lập”... Những tài liệu này được dùng để huấn luyện trong nhà lao. Việc học văn hóa, chính trị trong nhà lao chủ yếu thông qua trí nhớ của một số đồng chí truyền lại, phương pháp học bằng cách trao đổi trong từng nhóm nhỏ với nhau. Có nhóm dùng gạch viết bài dưới nền xi măng, học xong phải xóa sạch không để lại dấu vết.

Do bị cơ sở khai báo, tháng 10.1943, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy bị bắt,  báo “Cờ Độc Lập” ra đến số thứ 8 thì tạm dừng; phong trào cách mạng trong tỉnh một lần nữa tạm lắng. Mặc dù không còn cơ quan lãnh đạo, tuy nhiên các đảng viên và cơ sở còn lại đều giữ vững tinh thần, trông mong Đảng, chờ Đảng bắt nối hoạt động.

Tháng 4.1944, Tỉnh ủy Quảng Nam được lập lại, cơ quan đứng tại Diêm Trường (xã Tam Giang) và làng Kim Bồng (Hội An). Tỉnh ủy xác định nhiệm vụ cấp bách lúc này là nhanh chóng móc nối với các cơ sở, đảng viên còn lại ở phủ, huyện xây dựng lại hệ thống tổ chức đảng và các đoàn thể, tiếp tục ra báo “Cờ Độc Lập” (số 9) và in một số tài liệu để tuyên truyền.

Trong khi đó, ngày 9.3.1945, quân Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương. Nhằm đánh lừa dư luận, để lôi kéo anh em tù nhân, Nhật giở trò trao trả “độc lập” cho Việt Nam. Ở Quảng Nam, các đảng phái, phe nhóm phản động, tay sai của Nhật như Quốc dân Đảng, Đại Việt, Phản đế… ráo riết tuyên truyền sự trao trả độc lập của phát xít Nhật.

Về phía ta, lực lượng làm công tác tuyên truyền lúc này đã trở nên đông đảo nhờ được bổ sung số cán bộ, đảng viên từ các nhà lao trở về. Ở nhiều địa phương, hệ thống tổ chức đảng được phục hồi, Mặt trận Việt Minh và các tổ chức cứu quốc được xây dựng tương đối đều khắp. Tỉnh ủy cũng quyết định ra báo “Giải Phóng” thay cho báo “Cờ Độc Lập”.

Cuối tháng 5.1945, Tỉnh ủy liên lạc được với Trung ương Đảng và nhận được nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tình hình chuyển biến ngày càng nhanh chóng. Tỉnh ủy tổ chức hội nghị ở bến đò Ông Đốc (Đại Lộc). Tiếp đó, tháng 6.1945, Tỉnh ủy họp ở Thọ Khương (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành), đề ra nhiệm vụ tiếp tục các khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật, đánh đổ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim; chống triệt để chủ trương cải lương của phái Tân lập hiến. Để hiệu triệu toàn dân chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, Tỉnh ủy nêu ra các khẩu hiệu tuyên truyền: “Đả đảo độc lập giả hiệu của Nhật”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Đánh đổ phát xít Nhật”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”...  Đồng thời kêu gọi nhân dân hăng hái ủng hộ thóc, gạo vào quỹ cứu quốc; góp sắt, đồng để rèn vũ khí, mua sắm băng, cờ chuẩn bị sẵn sàng khởi nghĩa.

Mặc dù chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương nhưng căn cứ vào Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, sau khi nhận được tin Nhật hoàng đã đầu hàng Đồng minh, ngày 14.8.1945, Tỉnh ủy quyết định phát động toàn dân trong tỉnh xuống đường khởi nghĩa giành chính quyền. Đêm 17 rạng ngày 18.8.1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An thắng lợi. Từ sáng 18.8.1945 ta lần lượt giành chính quyền ở các phủ, huyện trong tỉnh. Sáng 26.8.1945 khởi nghĩa giành chính quyền tại Đà Nẵng.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động, nên chỉ trong một thời gian rất ngắn, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam và Đà Nẵng đã diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi trọn vẹn.

LÊ NĂNG ĐÔNG