Lặng thầm hậu cần nơi điều trị bệnh nhân Covid-19
(QNO) - Đã hai tuần, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam trở thành nơi tiếp nhận, điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 cho cả miền Trung. Các chiến sĩ áo trắng lao mình vào cuộc chiến “tứ bề thọ địch”. Những người vào “khu đỏ” đối diện với tử thần mang tên corona, sau lưng họ là lực lượng hậu cần, tiếp tế, viện trợ với bao nỗi nhọc nhằn khó kể nên lời.
Bở hơi tai với trăm việc không tên
- “Tầng 5 cần bổ sung giấy và khăn lau tay!”
- “Khu cấp cứu cần thêm quạt!”
- “Khu lầu 7 cần nhu yếu phẩm!”…
...Mỗi ngày, có hàng trăm yêu cầu như thế được nhắn ra từ bên trong khu cách ly. Và nhiệm vụ của đội ngũ hậu cần ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam là cung cấp đầy đủ, chính xác. Guồng máy ấy vận hành trong im lặng, thấu hiểu, không có sự từ chối nào vì lý do không kịp thời, hoặc quá khó...
“Khi bệnh viện chúng tôi được Bộ Y tế giao trách nhiệm là bệnh viện thu dung điều trị cho các trường hợp Covid-19 trên địa bàn Quảng Nam và các tỉnh lân cận, vấn đề được quan tâm đặc biệt, đó là công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm trong bệnh viện. Điều này đặt áp lực lên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn: phải thật nhanh chóng bố trí, phân chia từng khu vực cơ mức độ nguy cơ khác nhau, cách bố trí trong từng khoa điều trị như thế nào, đường đi cho nhân viên y tế các vùng, đường đi của rác thải… phải được tính toán kỹ càng nhất để giảm thiểu việc lây nhiễm chéo” - bác sĩ Nguyễn Thanh Hải Âu, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cho hay.
Thế nhưng, lực lượng làm nhiệm vụ hậu cần này luôn thiếu. Họ căng sức làm việc từ sáng cho tới khuya và sẵn sàng bất cứ khi nào được gọi. Họ lúc nào cũng trong tình trạng nhễ nhại mồ hôi, nhiều người bị dị ứng do tiếp xúc với nhiều loại hóa chất sát trùng, và kiệt sức…
“Chúng ta sẽ không có ngày nghỉ, thứ Bảy, Chủ nhật vẫn đi làm như ngày thường!” - mệnh lệnh của Ban Giám đốc không khiến những người “lính hậu cần” ngỡ ngàng, không than thở hay một lời trách móc. Họ hiểu lúc này, mệnh lệnh đó càng làm họ quyết tâm, gắng sức, chung lòng chiến thắng đại dịch Covid-19.
“Làm việc trong môi trường có nguy cơ phơi nhiễm cao nên chúng tôi cách ly tại bệnh viện 100%. Và nhớ nhà rất nhiều. Không có lực lượng thay thế nên cũng chưa biết đến thời hạn nào được nghỉ ngơi nhưng luôn động viên nhau phải cố gắng không lùi bước. Chỉ mong bên trong chiến tuyến ấy bình an! - bác sĩ Âu chớp chớp mắt qua lớp kính bảo vệ.
…đi chẳng nề hà
Ban hậu cần gồm các thành viên của nhiều khoa, phòng như Vật tư y tế, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Dược, Hành chính quản trị, Công tác xã hội, Dinh dưỡng... nhằm đảm bảo tốt nhất cho việc cung ứng, cho công tác điều trị cũng như sự an toàn, sức khỏe cho tất cả nhân viên y tế và bệnh nhân trong khu cách ly điều trị Covid-19.
Trời nhá nhem tối, lại có tin nhắn từ bên trong khu cách ly điều trị: “Tầng 3, bóng điện bị hư cần sửa gấp!”.“Những ngày này, chuyện bữa sáng thành bữa trưa, bữa trưa thành bữa xế đã thành lệ vì việc luôn tay. Nhiều chị em về tới nhà đã lả đi vì mệt, chén cơm ăn chẳng nổi. Nhưng lạ thay, khi ngày mới bắt đầu, khoác lên mình chiếc áo trắng là ai cũng xác định hết mình với công việc. Hoàn cảnh lúc này không cho phép chúng tôi yếu đuối, mệt mỏi” - chị Đặng Thị Hoàng Khuê, Trưởng khoa Dinh dưỡng tâm sự.
Bộ phận điện nước đang bận việc ở một khu khác, ngay lập tức hai người xung phong vào “khu đỏ”. Dáng họ tất tả sau lớp bảo hộ để không trễ nãi công việc.
Lặng thầm, trách nhiệm. Có lệnh là họ đi. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít đó, có khi là bác sĩ Lương Tấn Đức - Phó Giám đốc bệnh viện, có khi là một trưởng khoa, phòng, có khi là một nhân viên, một điều dưỡng... Với họ, trong cuộc chiến với Covid-19 này, sự hy sinh là không thể đong đếm.
Theo bác sĩ Đinh Đạo - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, số lượng nhân viên của bệnh viện tham gia chống dịch là 330 người; trong đó 200 người trực tiếp thực hiện các công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19, khoảng 130 người làm công tác hậu cần. Tuy nhiên, lại có đến 240 cán bộ, nhân viên, y bác sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều ngày qua, cùng với đồng nghiệp, họ gác lại chuyện gia đình, tình nguyện làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đang điều trị 53 bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2. Trong đó có 2 ca hồi sức, thở máy; 3 ca là sản phụ; bệnh nhân âm tính lần 1 là 23 ca.