Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau...

TƯỜNG MINH 15/08/2020 08:47

Ngày cuối cùng của hai tuần Đà Nẵng cách ly toàn xã hội lần thứ nhất, và tất nhiên là sẽ còn nhiều tuần nữa. Mở Facebook, thấy bạn tag cho tấm ảnh khoe cảnh ngồi thong dong nhâm nhi cà phê đen trong quán tuyệt đẹp ở một nơi Covid-19 còn chưa mò mặt đến quấy rối cùng lời cầu chúc cho người Quảng Nam, Đà Nẵng bình an. Bỗng thấy chưa bao giờ câu hát “thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau” của Trầm Tử Thiêng lại đắt đỏ, xa xỉ như bây giờ…

 

1. Tôi ghét các thông báo. Nhưng sáng nay vừa nắng lên đã nghe bà hàng xóm than vãn, nói “Sở Công Thương thông báo từ mai Đà Nẵng mình chỉ cho em đi chợ 3 ngày một lần và còn phát phiếu như thời bao cấp của những năm 1980 của thế kỷ trước”. Thật ra là than vãn theo thói quen, bởi đã hai tuần nay nhà bà ấy không đi chợ. Một bà khác, từ hôm qua đã lên mạng rao như kiểu bán hàng online, thật, đại ý ai có nhu cầu mua phiếu đi chợ thi bà ấy bán lại cho. “Giãn cách thêm hai tuần nữa thì chỉ có nước húp cháo chứ lây mô ra tiền mà đi chợ”, giọng bà nửa đùa nửa thật. Bà khác nữa, giọng như trên mạng, bảo “dịch giã thế này, không cấm người ta cũng chỉ mò đến chợ những khi thật cần thiết và mua nhanh phắn nhanh. Thông báo của Sở Công Thương thành phố, chỉ tổ làm cho người ta cảm thấy mệt mỏi với cảm giác là tình hình đang nghiêm trọng thêm mà thôi”.

Tôi ghét các con số và ký hiệu. Đến mức gần 20 năm trước, khi điện thoại di động vừa mới ra đời, sau những hân hoan ngày đầu, tôi đã một thời gian rất dài quyết không dùng đến nó bởi một đêm thức giấc, giật mình nhận ra mình đã vô tình bị nhốt trong những ký hiệu vô hồn. Hôm rồi bạn nhắn “vừa thấy nhau trên Gác Văn” - một chuyên san của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Khoa học Huế xuất bản trên Facebook. “Vừa thấy nhau trên Gác Văn”, nghe cứ như hai đứa xa xôi tỷ năm không gặp dù ngày nào cũng “còm”, “lai” nhau trên Facebook. Có lẽ, bởi vì dẫu hai đứa ở hai thành phố liền kề, chỉ cách nhau đâu 70 cây số, nhưng chuyện ngồi uống với nhau một ly trong thời buổi này lại là giấc mơ xa xỉ.

Những ánh cười lạc quan và quyết tâm. Ảnh: KIM LIÊN
Những ánh cười lạc quan và quyết tâm. Ảnh: KIM LIÊN

Nhưng hình như Facebook, như ai đó nói là “những bức chân dung tự họa”, cuối cùng cũng chỉ là những ký tự như điện thoại di động hay bệnh nhân nhiễm Covid-19. Chúng ta gặp nhau hàng ngày nhưng chúng ta lại không hề “thấy nhau”? Với anh em bạn bè sống bằng nghề gõ bàn phím, sự “thấy nhau” không thôi cũng nhiêu khê rắc rối…  

2. Tôi ghét các con số và ký hiệu. Nhưng hai tuần nay, ngày nào cũng bị các biên tập viên ở tòa soạn hành hạ vì các ký hiệu kiểu “bệnh nhân 761”. Tôi cứ lẫn lộn giữa bệnh nhân nọ với bệnh nhân kia vì những ký hiệu vô hồn, u ám và đe dọa sự chết chóc. Đã có những con số bị xóa nhưng chỉ có những dòng tin chán ngắt trên báo chí về “bệnh nền”. Liệu nếu ngày nào đó đến “năm Covid thứ n” người ta có chỉ còn nhớ đến những con số mà quên mất cả thân phận người đằng sau? Hình dung cứ như một tiểu thuyết hiện thực huyền ảo nào đó.

Rồi tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi hành trình rời cõi tạm của những con số đó phải trải qua những nghi thức nào? Người thân của họ ra sao? Liệu họ có phải như một người quen của tôi là Tiến sĩ Sử học Trần Đức Anh Sơn cùng với vợ và con gái đang ở Đà Nẵng và nhạc mẫu của anh ấy thì vừa qua đời vì tuổi già ở Huế. Mấy hôm nay cả nhà anh quay cuồng với việc đi xét nghiệm để được cấp cho cái giấy chứng nhận là “âm tính”. Rồi liên lạc với chính quyền địa phương ngoài đó xin họ cho phép được về chính nhà mình để chịu tang mẹ nhưng chưa biết thế nào vì vướng phải nhiều quy định phòng chống dịch. Để rồi giải pháp cuối cùng là sẽ về Huế vào ngày cuối cùng để tiễn đưa mẹ và quay về lại Đà Nẵng ngay trong ngày để tuân thủ tốt nhất các quy tắc phòng dịch nhằm giữ an toàn cho nhiều người…    

Thật là oái ăm. Và đó là một sư tan vỡ, là những vết nứt trong khung xương cuộc sống như mới đây khi phát biểu nhân dịp Ngày Quốc tế Nelson Mandela, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cho biết: “Covid-19 được so sánh với bức ảnh chụp X-quang, phản chiếu những vết nứt trong khung xương cuộc sống xã hội hiện nay của chúng ta và cho thấy những nguy hại mà chúng ta đã không nhìn thấy trong nhiều thập kỷ: điều kiện chăm sóc sức khỏe không đầy đủ, thiếu sót trong chế độ bảo vệ xã hội, bất bình đẳng về giai cấp, môi trường suy thoái, khủng hoảng khí hậu”.

Lời của Antonio Guterres, người đứng đầu tổ chức quốc tế có thẩm quyền cao nhất hiện nay sau đó được “diễn nghĩa” theo nhiều cách khác nhau. Nhưng tôi thích lối “diễn nghĩa” gói gọn trong cụm từ “sự chia rẽ”. Đại ý toàn bộ trật tự thế giới đã quen thuộc với chúng ta từ trước đến giờ đã bị khủng hoảng sâu sắc từ lâu, và sự bùng nổ của đại dịch chỉ như một que diêm, thổi bùng lên ngọn lửa âm ỉ bao năm qua, những vấn đề được tích lũy từ lâu và sẵn sàng bùng phát. Vậy nên, ngày hôm nay chúng ta không thể không chú ý và tiếp tục im lặng trước những vấn đề trong việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục, an sinh xã hội, thị trường lao động, tài chính, hệ thống an ninh quốc tế, và tiếp theo đó là các tất cả khía cạnh xã hội khác. Và lý do thực sự cho sự xuống cấp liên tục của các mối quan hệ xã hội, được chẩn đoán chính xác trong một cụm từ là “sự chia rẽ”.

Đó chính là sự mục ruỗng xã hội mà chúng ta đã nói đến trong một thời gian dài và với sự gỉ sét của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa vị kỷ, ăn mòn không thương tiếc bất kỳ mối quan hệ sống nào giữa con người…

3. Lâu lắm Đà Nẵng mới có được một buổi sáng yên lành khi Bộ Y tế công bố chưa phát hiện thêm ca nhiễm Covid-19 nào trên toàn quốc trong 12 giờ qua. Sau Bệnh viện C, chính quyền Đà Nẵng quyết định chấm dứt phong tỏa thêm Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cùng với thông tin 4 bệnh nhân ký danh xxx đầu tiên của thành phố đã được công bố khỏi bệnh cho về đoàn tụ gia đình.

Cũng lâu lắm, từ ngày Đà Nẵng thành tâm dịch Covid-19, tôi mới đọc được một chuyện vui viết từ một khu cách ly tập trung trên Facebook cá nhân của một người bạn tên Kiều Lê: “Màn đêm buông xuống, cả phòng đang mỗi người một việc, thì có một anh hớt ha hớt hãi chạy vô kêu “Mấy đứa ra xem có thằng thất tình khóc quá trời kìa!”. Mấy con nhỏ tò mò chạy ra hành lang hóng thì thấy một thanh niên đang khóc tru tréo thật. Chàng ấy không ai xa lạ, là bệnh nhân khoa Thần kinh, bị cách ly ở khu Đại đội 5, để ý cô bé khoa Răng hàm mặt cách ly ở Đại đội 6. Hằng ngày cô bé hay đi tập thể dục dưới sân, chàng chấn thương não hay đứng trên lầu để ý và thích. Tối nay chàng đứng bên khu kia gào thét “Hiền ơi, anh yêu em. Anh yêu em 50%. Khi nào anh yêu em 100% thì anh sẽ cởi đồ”. Ha ha... bà con đang lo, mai mà anh chàng kia yêu lên tới 100% thì anh ta cởi đồ chạy vòng vòng dưới sân thì chết...”.

Kiều Lê là giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và đang làm nghiên cứu sinh ở Vũ Hán (Trung Quốc). Trước Tết Âm lịch, cô vừa đặt chân về Đà Nẵng thì bên Vũ Hán bùng phát dịch và ở nhà luôn cho đến bây giờ để viết luận án. Thoát cách ly ở Vũ Hán nhưng lại không thoát được ở Việt Nam. Đợt rồi cô vào bệnh viện chăm mẹ và bất ngờ thành F1 phải đi cách ly tập trung bởi trong phòng ấy có một F0. Những ngày cách ly, không giống với nhiều người khác, trên Facebook của cô ấy toàn kể chuyện vui. Facebook của cô ấy thú vị đến mức tôi từng nghĩ nếu “báo mình” mở một chuyên mục, hàng ngày chỉ đăng kiểu nhật ký những chuyện tếu táo thế này thì “tâm dịch” sẽ vơi đi biết bao sự khô khốc, nặng nề và bi quan. “Dù có thế nào thì cũng phải lạc quan mà sống anh ạ”, cô ấy trả lời thế khi tôi thắc mắc.

Lạc quan và tích cực, bởi sự bình đẳng cuối cùng của con người là ai cũng có quyền hít thở không khí. Nhưng trong khi tôi đang được ngồi nhà để hít thở bình thường thì không ít người phải vào ECMO (phổi nhân tạo), thở máy, bịt khẩu trang ngay cả trong giấc ngủ… Biết thế, nhưng vẫn nghe rưng rưng thèm muốn khi “thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau” thi thoảng được hát lên bởi phía nhà hàng xóm…

TƯỜNG MINH