Bóng đá thời dịch Covid-19: Chuyện “khó nói” của các ông bầu
Chung quanh câu chuyện bầu Đệ của CLB Thanh Hóa gửi văn bản “không thi đấu chặng đường còn lại của V-League 2020” cho thấy, có rất nhiều chuyện “khó nói” của các ông bầu trong tình cảnh mùa giải bóng đá Việt Nam tạm ngưng chưa biết khi nào trở lại.
Không chỉ chuyện riêng bầu Đệ
Đằng sau tuyên bố dừng cuộc chơi của bầu Đệ vốn hâm nóng bầu không khí bóng đá nước nhà trong thời gian gần đây là cả một câu chuyện về quản trị, điều hành CLB bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam. Mục đích sâu xa của bầu Đệ qua hành động đòi bỏ giải là gì chỉ có người trong cuộc mới trả lời chính xác. Song có một thực tế, như lời của vị chủ tịch CLB Thanh Hóa là “CLB không đảm bảo đủ kinh phí trả lương do dịch Covid-19 kéo dài trong khi mùa giải chưa biết khi nào trở lại”.
Nhưng đó không phải là chuyện riêng của bầu Đệ và CLB bóng đá xứ Thanh. Các CLB khác có khó khăn về vấn đề tài chính không? Chắc chắn là có, thậm chí còn rất khó khăn, nhất là với những CLB “nhà nghèo”.
Còn nhớ trong đợt dịch Covid-19 cách đây vài tháng, nhiều lãnh đạo đội bóng “than trời” khi mùa giải hoãn kéo dài khiến CLB đối mặt với nguy cơ thâm thủng túi tiền vốn eo hẹp. Để giảm thiểu tình huống xấu nhất, một số CLB buộc phải đưa ra động thái giảm lương cầu thủ.
Lần tạm hoãn thứ 2 và đối mặt với tương lai bất định, khủng hoảng tài chính đối với các CLB bóng đá Việt Nam có lẽ càng lớn bội phần. Cầu thủ không đá nhưng vẫn phải trả lương, nuôi ăn tập. Những CLB như Hà Nội của bầu Hiển, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức hay có các đại gia chống lưng như TP.Hồ Chí Minh, Viettel còn đỡ. Cỡ như Thanh Hóa, Dược Nam Hà Nam Định, Sông Lam Nghệ An, Hà Tĩnh sống chủ yếu nhờ ngân sách thì không “đói” mới lạ.
“Không ở trong chăn không biết chăn có rận”. Những vị lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam không phải là bầu Đệ hay các ông bầu bóng đá khác nên khó có thể hiểu hết nỗi khó nhọc của những ông chủ CLB.
Gọi là chuyên nghiệp song bóng đá Việt Nam chưa thể nuôi sống bản thân. Tiền truyền hình, bán vé, quần áo thi đấu, quảng cáo…, tất tần tật chỉ là “những đồng bạc lẻ” so với chi phí nuôi đội bóng. Họ sống chủ yếu nhờ “bầu sữa” của ông bầu, cạnh đó là một số doanh nghiệp quen mặt lãnh đạo cùng một ít ngân sách địa phương. Kinh phí hàng năm hạn hẹp, có đồng nào “ăn” đồng đó, hợp đồng lương cầu thủ không phải đong đủ 12 tháng như nhiều người nghĩ. Nói chung, tất cả phải “thắt lưng buộc bụng”. Thế nên, nếu mùa giải kéo dài, họ mới là những người “đứng mũi chịu sào”, không chỉ lo chuyên môn mà còn chuyện “cơm áo gạo tiền” cho đội bóng.
Không dễ lấy tiền ngân sách
Nhiều người phê phán bầu Đệ chuyện đòi bỏ giải, trong đó có lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Không sai, nhưng cần có cái nhìn thấu đáo hơn về “sự cố” vừa qua của ông bầu nổi tiếng này. Trước một bài toán khó khi không biết lấy tiền đâu để trang trải cho đội bóng trong tình hình dịch giã kéo dài, nhưng bầu Đệ lại đi một “nước cờ” sai khi gửi văn bản “không tham gia thi đấu nữa”.
Cùng chung ý tưởng đề nghị hủy giải do dịch bệnh kéo dài gây khó khăn về tài chính cho các CLB song cách đặt vấn đề của lãnh đạo nhiều CLB như Sông Lam Nghệ An, Dược Nam Hà Nam Định không trở thành câu chuyện bất bình thường.
Thực tế là một số địa phương dù chuyển giao đội bóng cho doanh nghiệp quản lý, điều hành song chưa bao giờ xem đội bóng là của riêng doanh nghiệp mà đó là của tỉnh và người dân. Bởi vậy mà hàng năm, địa phương đều hỗ trợ ngân sách cho đội bóng từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng, chưa kể đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi.
Quảng Nam nhiều năm trước đây bằng quyết định UBND tỉnh hỗ trợ cho CLB Quảng Nam. Sau khi bị “tuýt còi”, năm 2019, HĐND tỉnh đã phải ra tay theo đúng Luật Ngân sách bằng việc ban hành nghị quyết hỗ trợ mỗi năm 16 tỷ đồng (trong 2 năm 2019 và 2020). Điều đó cũng cho thấy, để lấy tiền từ ngân sách địa phương không hề dễ như nhiều người nghĩ, nhất là trong tình hình khó khăn như hiện nay, các địa phương đều hụt thu dẫn đến cắt giảm đầu tư. Doanh nghiệp cũng khốn khó khi mới đây CLB Quảng Nam cho biết vẫn chưa nhận được đồng nào của một nhà tài trợ lớn dù mùa giải đã đi qua nửa chặng đường.
Trong khi CLB bóng đá không làm ra tiền, họ còn phải đối diện với nguy cơ bị cắt giảm nguồn thu từ các nhà tài trợ. Vì vậy, năm nay nguồn kinh phí cho các đội bóng nếu may mắn không bị sụt giảm thì cũng đừng mơ tăng thêm để chi cho mùa giải kéo dài. Đó mới là điều đáng lo!