Thanh niên toàn cầu trước tác động Covid-19
(QNO) - Đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến thế hệ thanh niên, đòi hỏi toàn cầu cần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh và có các giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề này.
Ngày 11.8, trong báo cáo về tác động của đại dịch Covid-19 đối với thanh niên trong lĩnh vực việc làm, giáo dục, quyền và sức khỏe tinh thần, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, đại dịch đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và có nguy cơ làm giảm tiềm năng sản xuất của cả một thế hệ.
Theo khảo sát của ILO, hơn 70% thanh niên học tập hoặc kết hợp học tập với công việc đã bị ảnh hưởng tiêu cực kể từ khi các trường học, trường đại học và trung tâm đào tạo đóng cửa để ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Mặc dù có nhiều nỗ lực rèn luyện, học tập theo hình thức online (trực tuyến) và từ xa nhưng khoảng 65% thanh niên thừa nhận đã học kém hơn.
Thậm chí, tình hình còn tồi tệ hơn đối với thanh niên sống ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn, những người có ít có cơ hội tiếp cập internet, thiếu hụt thiết bị và đôi khi thiếu không gian cho việc học ở nhà. Đây cũng chính là “những khoảng cách kỹ thuật số” lớn giữa các khu vực: trong khi 65% thanh niên ở các nước thu nhập cao theo học các lớp được dạy qua video - bài giảng, thì chỉ 18% thanh niên ở các nước thu nhập thấp có thể được tiếp tục học online.
Tổng Giám đốc ILO - ông Guy Ryder nói: “Đại dịch đang gây ra nhiều cú sốc cho giới trẻ. Nó không chỉ phá hủy công việc và triển vọng việc làm của thanh niên mà còn làm gián đoạn GD-ĐT, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của họ”.
Theo báo cáo, 38% thanh niên không chắc chắn về triển vọng nghề nghiệp trong tương lai của mình, với cuộc khủng hoảng dự kiến sẽ tạo ra nhiều trở ngại trên thị trường lao động và kéo dài thời gian chuyển tiếp từ trường học sang nơi làm việc.
Nhiều lao động trẻ tuổi có xu hướng được tuyển dụng vào những công việc bị ảnh hưởng nhiều hơn, chẳng hạn như hỗ trợ, dịch vụ và công việc liên quan đến bán hàng khiến họ rất dễ bị tổn thương do dịch bệnh.
Cuộc khảo sát cho thấy, 50% thanh niên có thể bị lo lắng hoặc trầm cảm. Một số đã cảm thấy bị ảnh hưởng trực tiếp, cứ 6 thanh niên thì có một người phải ngừng việc kể từ khi đại dịch bùng phát; 42% những người tiếp tục làm việc bị giảm thu nhập.
Thế nhưng, bất chấp hoàn cảnh khắc nghiệt, những người trẻ đang sử dụng sức lực của mình để tham gia và lên tiếng trong cuộc chiến chống khủng hoảng. Theo khảo sát, cứ 4 người thì có 1 người làm một số công việc tình nguyện trong thời kỳ đại dịch.
Do đó, ILO kêu gọi các phản ứng chính sách khẩn cấp, quy mô lớn và có mục tiêu để bảo vệ thế hệ thanh niên không bị rơi vào tình trạng thất nghiệp, đảm bảo thanh niên tiếp cận với trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp và các biện pháp nâng cao sức khỏe tâm thần của họ - từ hỗ trợ tâm lý xã hội đến hoạt động thể chất.