Nam Giang khó đạt mục tiêu giảm nghèo

DIỄM LỆ 12/08/2020 11:45

Nam Giang hiện còn 2.569 hộ nghèo (tỷ lệ 36,51%). Năm 2020, số hộ nghèo huyện cần trợ giúp, tác động để giảm nghèo theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao là 350 hộ, huyện đặt mục tiêu phải tác động giảm nghèo được 400 hộ. Tuy nhiên, những khó khăn trong năm 2020 khiến địa phương lo lắng khó đạt mục tiêu giảm nghèo.

Lao động ở Nam Giang đi học nghề và đi làm gặp khó khăn do dịch bệnh trong năm 2020. Ảnh: D.L
Lao động ở Nam Giang đi học nghề và đi làm gặp khó khăn do dịch bệnh trong năm 2020. Ảnh: D.L

Bấp bênh nguồn thu nhập

Phần lớn hộ nghèo của huyện Nam Giang là người dân tộc thiểu số, đã có sự thay đổi nhận thức, vươn lên làm ăn nhưng thiếu các điều kiện để thoát nghèo. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận hộ nghèo tuy có năng lực, điều kiện như có sức lao động, có đất đai nhưng không tham gia học nghề, đi làm việc, tách hộ để hưởng chính sách... Những yếu tố này khiến các địa phương của Nam Giang lo ngại việc vận động thoát nghèo theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh rất khó.

Ông Hiêng Gúi - Chủ tịch UBND xã Chà Val, cho biết: “Nguồn thu nhập chính của người dân thấp nên họ không dám đăng ký thoát nghèo bền vững, dù xã đẩy mạnh tuyên truyền. Đến tháng 7.2020, xã Chà Val có 29/54 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững. Năm nay càng khó vì dịch bệnh khiến lao động không học nghề, đi lao động xa, nắng hạn kéo dài khiến mùa màng thất thu”.

Cùng nỗi lo này, ông Zơ râm Khang - Chủ tịch UBND xã Đắc Pring nói rằng, chỉ tiêu giao thoát nghèo bền vững của xã là 24 hộ, đến nay mới có 14 hộ đăng ký. Cấp ủy, chính quyền vào cuộc thực hiện, vận động, nhưng hộ nghèo do thu nhập rất thấp, chủ yếu làm nương rẫy, chưa có mô hình nào hiệu quả tập trung đầu tư cho hộ nghèo nên rất khó khăn. Xã cố gắng tiếp tục thực hiện, ưu tiên tập trung nhóm hộ là đảng viên, các cặp vợ chồng trẻ có sức lao động.

Nhiều khó khăn

Cùng với nguồn lực đầu tư từ trung ương, tỉnh, huyện Nam Giang đang nỗ lực thực hiện các chính sách giảm nghèo. Tổng nguồn vốn phân bổ năm 2020 cho công tác giảm nghèo của huyện hơn 79,8 tỷ đồng. Theo đó thực hiện các dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ xuất khẩu lao động; nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; đào tạo nghề; miễn, giảm và cấp bù học phí; hỗ trợ nhà ở, tiền điện, cho vay vốn phát triển sản xuất...

Ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Nam Giang cho hay, từ cuối năm 2019 huyện rà soát, phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách kết nghĩa, giúp đỡ địa phương cấp xã. Từ ngân sách huyện, mỗi xã được bố trí 200 triệu đồng/năm để thực hiện mô hình giảm nghèo.

Ông Sơn phân tích: “Huyện luôn đặt mục tiêu cao hơn tỉnh giao, nhưng còn nhiều khó khăn khiến việc giảm nghèo chưa như mong muốn. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện tuy có giảm nhưng vẫn còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh cũng như khu vực miền núi. Công cuộc giảm nghèo của huyện năm này có nhiều khó khăn, ngoài thiên tai dịch bệnh, còn những nguyên nhân chủ quan khác. Một số xã chưa thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo; công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo vẫn còn nhiều thiếu sót, có xã chưa phân loại hộ nghèo theo đúng nguyên nhân để tác động giảm nghèo; chính sách nhiều nhưng dàn trải, chưa tập trung nên khó tác động giảm nghèo bền vững, nguy cơ tái nghèo cao”.

DIỄM LỆ