"Chiến binh áo trắng" ở tâm dịch Đà Nẵng: Không bao giờ ngã quỵ

NGUYỄN THIÊN 11/08/2020 10:17

(QNO) - Bỗng một ngày Đà Nẵng có bão dông, chỉ một lời hiệu triệu, những y bác sĩ tại Đà Nẵng đã bước lên tuyến đầu. Họ hóa thành những “chiến binh”, mặc đồ bảo hộ nên chẳng còn phân biệt được đâu là bác sĩ, điều dưỡng, anh chị ở khoa nào, trung tâm y tế nào. Họ được người dân dành tặng cho danh xưng “chiến binh áo trắng”, bởi dù hôm nay có kiệt sức, có ngất lịm thì họ vẫn quyết tâm không quỵ ngã tinh thần, vẫn nhắn nhủ với thành phố rằng: “Hãy tin ở chúng tôi!”.

Y bác sĩ tại tuyến đầu chống dịch ở Đà Nẵng quyết tâm không rời vị trí trong cuộc chiến với Covid-19. Ảnh: NGUYỄN THIÊN
Y bác sĩ tại tuyến đầu chống dịch ở Đà Nẵng quyết tâm không rời vị trí trong cuộc chiến với Covid-19. Ảnh: NGUYỄN THIÊN

Nhiệm vụ nào cũng sẵn sàng

Đã 15 ngày kể từ khi 3 bệnh viện lớn của Đà Nẵng bị cách ly, những tuyến đường xung quanh bị phong tỏa. Đứng từ hàng rào chắn, người dân chỉ thấy sự lặng yên khi chẳng còn xe cộ qua lại. Thế nhưng, chỉ cách đó vài chục mét, phía sau cánh cổng các bệnh viện là nơi hàng nghìn nhân viên y tế túc trực ngày đêm, trở thành người bốc vác, vận chuyển hàng hỗ trợ.

Từ những y bác sĩ chỉ cầm ống nghe, họ khoác lên mình bộ đồ bảo hộ màu xanh, chẳng ai còn nhận ra nhau nếu chẳng gọi tên đến khản giọng. Họ vận chuyển từng chai nước, suất cơm đến bệnh nhân, người nhà, đồng nghiệp. “Đến lúc nghỉ ngơi thì chúng tôi quá mệt, quá đói nên cơm có nguội cũng phải cố ăn lấy sức. Nghỉ đôi mươi phút là phải chuyển tiếp hàng hóa vào các khoa” - bác sĩ Nguyễn Hữu Tịnh, Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ.

Trong khi đó, tại các khoa phòng vẫn đang còn bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ phải nhanh chóng thích nghi với điều kiện làm việc nghiêm ngặt từ quần áo bảo hộ, khẩu trang chuyên dụng đến quy trình khử khuẩn. “Các ca mắc Covid-19 tại bệnh viện ngày càng nhiều nên tiếp xúc với bệnh nhân xong chúng tôi phải thay đồ, tắm gội rồi mới lại vào ca. Một ngày không biết tắm bao nhiêu lần, liên tục vào ca đến nỗi tóc chưa kịp khô đã phải chui vào đồ bảo hộ đi chăm bệnh” - một điều dưỡng tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đà Nẵng kể.

Cũng chính vì lý do trên, không ít điều dưỡng đã rủ nhau... cắt tóc. Có chị đã nuôi mái tóc dài nhiều năm trời cũng đành phải cắt. Có chị gọi hỏi ý chồng chuyện cắt tóc, khi được hỏi lý do, chỉ trả lời đơn giản là “cắt tóc đi chống dịch”. Chia sẻ thêm về lý do cắt tóc, các chị bảo: “Tóc dài, dù buộc lên nhưng đội mũ bảo hộ vẫn cấn vào đầu, rất đau. Đêm, đau đầu không ngủ được. Mà cuộc chiến này thì còn rất dài”. Tôi lặng thinh. Những người phụ nữ nhỏ bé ấy sao lại kiên cường đến vậy.

Cán bộ y tế Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cắt đi mái tóc dài để bước vào cuộc chiến với dịch bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Cán bộ y tế Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cắt đi mái tóc dài để bước vào cuộc chiến với dịch bệnh. Ảnh: Bệnh viện Phổi Đà Nẵng

Chỉ mới hôm nào, nữ điều dưỡng Thái Thu Hà, công tác tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng, còn nói thèm lắm bữa canh nóng, cá kho, thịt luộc, được ngồi với người thân trong gia đình nói về chuyện công việc, bạn bè, cuộc sống. Thèm lắm cảm giác về nhà, bước vào phòng tắm rộng thênh thang, mở vòi sen tắm mát lạnh vì ở bệnh viện chỉ có nhà vệ sinh, vòi sen thay bằng vòi xịt bồn cầu. Thèm lắm chiếc giường rộng có đủ gối và mền cho giấc ngủ ngon lành vì ở bệnh viện mỗi người tự tìm cho mình một góc để ngã lưng sau giờ chống dịch. Thèm lắm cái ôm của chồng, của con sau giờ tan ca, chỉ cần thủ thỉ “con nhớ mẹ” thì mọi buồn phiền tan biến và nước mắt cứ thế lại rơi.

“Sáng dậy thấy mắt đồng nghiệp đỏ và sưng, tôi vờ hỏi cô ấy nói đêm qua ngủ dưới đất con gì cắn, nhưng tôi biết cô ấy khóc vì nhớ con, bởi có nỗi nhớ nào bằng đứa con chưa kịp cắt sữa đã phải xa mẹ” - chị Hà kể.

Nhớ đủ thứ, thèm đủ thứ là vậy, nhưng hơn 10 ngày, vừa thích nghi với công tác chống dịch tại các khoa phòng thì cuộc chia tay thứ 2 bắt đầu. Đó là ngày các anh chị nhận lệnh “chuẩn bị sẵn để tiếp sức cho bệnh viện dã chiến”. Và thế là ai có tên phải chuẩn bị quần áo tư trang để sẵn sàng lên xe. Họ chào tạm biệt, báo tin cho nhau qua những dòng tin nhắn “Em có nhiệm vụ phải đi, mọi người ở lại bình an nhé”, người ở lại chỉ biết gửi lời hẹn “Em đi giữ sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ rồi về”.

Vậy mà, ngay cả những người ở lại cũng chẳng dám buồn lâu. “Chúng tôi lại động viên nhau cứ tâm thế chuẩn bị ba lô, ở đâu cần thì chúng ta sẵn sàng đi. Nhiều anh chị ở Chợ Rẫy, Bạch Mai, có người ở Hải Phòng, Bình Định còn xung phong đến với chúng ta thì phải tự hào, phải tiếp tục chiến đấu” - lời chị Hà, bà mẹ đang mang thai ở tháng thứ 4 khiến tôi thắt lòng.

Sức có thể kiệt, nhưng tinh thần không quỵ ngã

“Mặc dù đã có lúc đuối sức, nhưng trận chiến còn dài, chúng tôi không thể bỏ cuộc. Chúng tôi phải chiến thắng! Hình ảnh cắt tóc cho nhau, trước đây chúng tôi đã từng khóc khi thấy trên mạng xã hội, thì hôm nay đến lượt chúng tôi. Ngày mai, chúng tôi lại bắt đầu hành trình đầy gian nan với tinh thần không bao giờ quỵ ngã. Hãy tin ở chúng tôi!”.
(Bà Phạm Thị Ánh Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng)

Cùng chung sức với tuyến đầu chống dịch tại 3 bệnh viện lớn của Đà Nẵng thời gian qua là những chiến binh áo trắng, áo xanh ở Trung tâm Cấp cứu 115 của thành phố. Họ là một trong số ít những đơn vị được tiếp cận với 3 bệnh viện, thậm chí là cầu nối duy nhất của các bệnh viện này với cơ sở y tế bên ngoài.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trao tặng khẩu trang y tế và quần áo phòng hộ cho Trung tâm y tế 115 Đà Nẵng. Ảnh: BYT
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trao tặng khẩu trang và quần áo phòng hộ cho Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng. Ảnh: Bộ Y tế

Với nhiệm vụ “làm sạch” 3 bệnh viện trong thời gian nhanh nhất, họ hoạt động hết công suất để di chuyển cả nghìn bệnh nhân đi Huế, Quảng Nam. Và sau những chuyến đi dài đầy căng thẳng, trong bộ đồ bảo hộ bịt bùng, không ít người trong số họ đã kiệt sức. Hình ảnh một nhân viên 115 bị sốc nhiệt được đồng đội vừa tiếp nước vừa dội thẳng nước vào người, hay có anh ngất lịm phải truyền nước khiến người dân xúc động.

Nhiều người nhắn hỏi sao các anh không được nghỉ ngơi, sao lại để làm việc đến mức kiệt sức, bà Phạm Thị Ánh Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng bảo: “Chúng tôi kiệt sức nhưng không bao giờ ngã quỵ”.

Bởi, từng ngày trôi qua của cuộc chiến cũng là bấy nhiêu ngày, những nhân viên y tế nhớ nhà, nhớ con, nhớ gia đình nhưng không một ai giơ tay khi được hỏi có bạn nào muốn nghỉ hay muốn về không. Thậm chí, đáp lại bà Hồng, các nhân viên y tế “xin” ở lại chiến đấu. “Có nhiều nhân viên đã làm việc liên tục 5 ngày, chúng tôi bắt phải thay ca, nghỉ ngơi, nhưng rồi khi thiếu người các anh đã chuẩn bị sẵn đồ bảo hộ lao lên xe đi làm nhiệm vụ. Hôm qua, các bạn thấy có người kiệt sức, có người ngất lịm, nhưng sáng nay họ đã lại lên đường” - bà Hồng chia sẻ.

Khoảng 15 ngày chống dịch, phải thường xuyên di chuyển bệnh nhân đi các nơi trong những bộ đồ bảo hộ trong thời gian dài khiến nhiều nhân viên 115 bị sốc nhiệt, mất nước. “Chúng tôi rất có kinh nghiệm trong cấp cứu những trường hợp này nên anh em được hồi sức rất nhanh. Bên cạnh đó, hiện trung tâm có khoảng 60 nhân viên thường xuyên được đổi ca để đảm bảo sức lực. Tinh thần chung tay chống dịch của anh em rất quyết tâm” - bà Hồng nói.

Tại Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng - nơi điều trị bệnh nhân Covid-19, các điều dưỡng phải đứng liên tục nhiều giờ liền. Hôm đầu tiên, họ đứng 1 tiếng đồng hồ đã hoa mắt chóng mặt, nhưng hôm sau, họ có thể đứng hơn 2 tiếng, rồi 3 tiếng, 4 tiếng đồng hồ.

Với họ, nhiệt huyết còn thì dù nơi đâu cũng không làm họ gục ngã. Dù đường về nhà còn xa lắm nhưng nếu họ rời vị trí, không chỉ họ mà nhiều người khác sẽ phải bị cách ly, phải xa gia đình. Chính vì vậy, dù ngày hôm nay nhận tin một đồng nghiệp nhiễm Covid-19, các anh chị cũng lẳng lặng rơi nước mắt sau chiếc kính bảo hộ, rồi quay đi, cũng đôi mắt đó đã ráo hoảnh, họ lại làm việc.

Mỗi bước đi của họ ngày hôm qua có thể xiên vẹo vì mệt nhưng không vì vậy mà ngày mai bỏ cuộc. Ngay tâm dịch, những con người nhỏ bé kia đã hóa chiến binh, kiên cường đến không tưởng.

Ở tuyến đầu, họ đang viết nên những câu chuyện nhiệm màu.

NGUYỄN THIÊN