Tăng năng lực điều trị Covid-19
Tiếp tục triển khai kế hoạch điều trị trong công tác phòng chống dịch Covid-19 ở mức độ cao hơn; sẵn sàng các phương án để kiểm soát tốt nhất tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, phối hợp hoàn thành liệu trình điều trị các ca bệnh dương tính SAR-CoV-2 là những định hướng quan trọng của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh những ngày sắp đến.
Đối mặt với áp lực
Bác sĩ Đinh Đạo - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (Núi Thành) chia sẻ, đơn vị đã vào cuộc ngay cùng với hệ thống y tế để tham gia chống dịch, song đang phải chịu khá nhiều áp lực. Nhu cầu chữa bệnh rất lớn, mới giai đoạn một mà bệnh viện đã tiếp nhận đến 43 ca, trong đó có 3 ca hồi sức tích cực, chống độc; 29 ca âm tính từ Bệnh viện Đà Nẵng, cũng tiếp nhận từ hồi sức tích cực, chống độc. Trong khi công tác chuẩn bị đảm bảo giãn cách đòi hỏi nhiều thời gian, công sức.
“Chúng tôi đã chia ra 3 vòng, mỗi vòng 21 ngày với 3 ca, 4 kíp, đồng thời vừa làm, vừa đào tạo thêm cho anh em. Trong 21 ngày đầu có thể đảm bảo lực lượng, 21 ngày tiếp theo chúng tôi cần đến 34 bác sĩ, 12 điều dưỡng và 17 hộ lý, nếu thêm vòng 3, sẽ lên đến 86 bác sĩ, 99 điều dưỡng và 17 hộ lý, chỉ với quy mô 60 giường. Nếu lên 100 giường bệnh, sẽ cần nhiều hơn nữa về nhân lực. Theo Công văn mới của Bộ Y tế, tất cả nhân lực có con dưới 36 tháng tuổi không được tham gia chống dịch, càng thêm khó khăn về nhân lực. Sắp tới cần có sự vào cuộc của toàn ngành, và đội ngũ tăng cường phải đúng chuyên môn, chuyên ngành nội nhiễm, hồi sức tích cực chống độc để giảm thời gian đào tạo, hạn chế được nguy cơ lây nhiễm” - bác sĩ Đinh Đạo nói.
Theo PGS-TS. Đặng Đức Nhu (Cục Quản lý khám chữa bệnh), việc chuyển từ một bệnh viện đa khoa sang chuyên khoa truyền nhiễm để điều trị chuyên về các ca nhiễm Covid-19 sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngay như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương là bệnh viện chuyên khoa về truyền nhiễm, chỉ thu dung 81 trường hợp để điều trị Covid-19 đã rất áp lực với đội ngũ y bác sĩ. Hiện nay, khả năng tiếp nhận của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam là khoảng 60 bệnh nhân, nếu lên đến 100 bệnh nhân, cần có phương án để báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia, UBND tỉnh tính tới việc xây dựng bệnh viện dã chiến.
Chủ động cho các tình huống
Thông tin từ Tiểu ban Điều trị phòng chống dịch Covid-19 cho biết, tính từ 25.7 đến nay, hệ thống y tế tỉnh đã kích hoạt trở lại tất cả cơ sở khám chữa bệnh trong tiếp nhận, phân luồng, sàng lọc, cách ly ca bệnh nghi ngờ nhiễm Covid-19. Việc khảo sát năng lực hệ thống y tế toàn tỉnh được nhanh chóng tiến hành để chuẩn bị phương án đáp ứng các cấp độ cao hơn. Ngành y tế cũng đã điều động nhân lực cho đội phản ứng nhanh, công tác xét nghiệm để hỗ trợ các đơn vị điều trị Covid-19 và các cơ sở y tế vùng nguy cơ.
Ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, bên cạnh hướng dẫn giãn cách trong cơ sở khám chữa bệnh, ngành đã chỉ đạo đảm bảo chế độ thường trực tại khoa, phòng, trạm y tế xã theo quy định.
“Năng lực xét nghiệm cũng được cải thiện đáng kể, với 4 cơ sở triển khai xét nghiệm RT-PCR, xét nghiệm hơn 2.300 test/ngày, hướng dẫn Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Điện Bàn) triển khai xét nghiệm. Sắp tới, tiểu ban sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch điều trị ở mức độ cao hơn, trong trường hợp phức tạp có thể tăng giường bệnh điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam lên 400 giường, Phòng khám Đa khoa Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) và Trung tâm Y tế Thăng Bình lên 50 giường mỗi đơn vị. Vừa tăng cường nhân lực của các đơn vị y tế ngoại tỉnh, các đội phản ứng nhanh tham gia công tác điều trị, ngành y tế cũng sẽ mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm, triển khai xét nghiệm trên diện rộng theo công điện chỉ đạo của Bộ Y tế” - ông Mười nhấn mạnh.