V-League 2020 tạm dừng lần thứ 2: Hoãn hay hủy?
Lần thứ 2 trong mùa giải 2020, V-League (cùng với giải hạng nhất) phải tạm dừng do dịch Covid-19 quay trở lại. Đã có những ý kiến bất nhất giữa các CLB và ban tổ chức giải về chuyện hoãn hay hủy.
Tạm dừng vô thời hạn
V-League đang bước vào cao trào với nhiều trận đấu gay cấn, hấp dẫn, các sân vận động đầy ắp khán giả - hình ảnh mà rất nhiều nước trên thế giới phải mơ ước ở thời điểm này. Thế nhưng thật tiếc phải dừng lại bởi dịch bất ngờ bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và giờ lan ra nhiều địa phương trên cả nước, trong đó các địa phương có đội bóng như Quảng Nam, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội.
V-League đã trải qua 11 vòng đấu với ngôi đầu bảng thuộc về Sài Gòn. Theo thể thức thi đấu mới trong tình hình dịch Covid-19, giải năm nay chia làm 2 giai đoạn. Sau 13 vòng đấu ở giai đoạn 1 sẽ tách thành 2 nhóm, 8 đội bóng tốp đầu bước vào vòng tranh chức vô địch và các vị thứ tiếp theo, 6 đội nhóm dưới tranh trụ hạng.
Diễn ra trong điều kiện đặc biệt chưa từng có (dịch bệnh, thể thức thi đấu, số lượng cầu thủ thay thế), V-League 2020 đã mang lại cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc, trong đó có thể kể đến tính chất sống còn của mỗi trận đấu mà nói như nhiều đội bóng “mỗi trận đấu đều là trận chung kết”.
Vì lẽ đó, khoảng cách giữa các đội bóng sau vòng đấu 11 rất mong manh mà chỉ cần 1 chiến thắng hay thất bại thì trật tự trên bảng xếp hạng lập tức thay đổi. Cũng bởi tính chất tranh đua quyết liệt nên chưa bao giờ, V-League lại thay tướng nhiều như thế. Không chỉ các đội bóng nhóm dưới cần sự đổi vận như Quảng Nam, Dược Nam Hà Nam Định, Thanh Hóa, ngay cả đội nhóm đầu là TP.Hồ Chí Minh cũng không chịu ngồi yên khi quyết định “phế” HLV Chung Hae Seong - người đưa đội bóng lên đẳng cấp cao. Nhưng Chủ tịch CLB Nguyễn Hữu Thắng vẫn chưa có cơ hội để thể hiện mình trong vai trò HLV trưởng như đồng nghiệp Vũ Tiến Thành của đội bóng cùng thành phố.
Lẽ ra đến thời điểm này, V-League đã hoàn thành giai đoạn 1, qua đó xác định ai đi tranh chức vô địch, ai vào cuộc chiến trụ hạng. Song, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, giải tạm dừng vô thời hạn và chưa biết ngày nào trở lại. Thế nên, một số đội bóng đã quyết định xả trại, cho cầu thủ về nhà nghỉ ngơi, số còn lại tập trung tập luyện cầm chừng.
Hoãn hay hủy?
V-League đang đối diện với một tương lai bất định. Vì vậy, ngay sau khi ban tổ chức quyết định tạm dừng lần thứ 2, đã có 4 CLB gửi văn bản đề nghị hủy giải, gồm Sông Lam Nghệ An, Dược Nam Hà Nam Định, Thanh Hóa và Quảng Nam. Lý do được đưa ra là nếu chờ thì không biết bao giờ và việc kéo dài mùa giải sẽ gây khó khăn rất lớn cho các CLB trong vấn đề kinh phí trả lương cho cầu thủ. Hoàn toàn chính đáng bởi mùa giải năm nay, các CLB đã phải gánh thêm một khoản kinh phí lớn do thời gian “tập chay” 3 tháng trước đó.
Một số CLB buộc phải đưa ra động thái thuyết phục cầu thủ chia sẻ gánh nặng với CLB bằng cách giảm lương. Do vậy, lần thứ 2 tạm dừng cũng đồng nghĩa mùa giải kéo dài thêm nữa khiến cho nguy cơ thâm thủng nguồn tài chính là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là với những CLB “nhà nghèo”.
Nhưng dưới góc độ của mình, ban tổ chức giải lại không cho rằng hủy giải là con đường tốt nhất. Theo ông Trần Anh Tú - Chủ tịch VPF, nếu hủy giải sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhà tài trợ của giải, giải đấu cũng mất uy tín vì phá vỡ hợp đồng và còn phải đền bù. Đó là chưa kể ảnh hưởng đến chất lượng đội tuyển quốc gia khi các cầu thủ nghỉ thi đấu thời gian dài. Cũng theo ông Tú, trong trường hợp xấu nhất không thể tổ chức được, Chính phủ và cơ quan chức năng cho phép thì mới dừng hẳn. Nói chung, giải chỉ bị hủy trong trường hợp bất khả kháng.
Hiện nay, AFF Cup 2020 đã quyết định tạm hoãn và dời sang tháng 4.2021 thay vì tổ chức vào tháng 11.2020. Điều đó cũng có nghĩa, V-League hoàn toàn có đủ thời gian để diễn mỗi tuần 1 trận và kéo dài đến tận tháng 11, thậm chí dài hơn chứ không bó hẹp trước thời điểm 25.10 như kế hoạch trước đây nhằm để các cầu thủ tập trung đội tuyển quốc gia bảo vệ ngai vàng AFF Cup. Nói cách khác, không còn thúc ép về mặt thời gian, giờ đây V-League có trở lại hay không, hoãn hay hủy phụ thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh.