Kế sách giải ngân

TRỊNH DŨNG 07/08/2020 11:33

Không thể vượt qua các rào cản về cơ chế, chính sách lẫn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, năng lực quản lý… đã khiến đầu tư công của Quảng Nam chưa đạt tiến độ. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19  diễn biến phức tạp, việc thúc đẩy tiến độ giải ngân càng khó khăn hơn.

Nhiều dự án sẽ phải điều chuyển hoặc tiếp tục cắt giảm vốn để có thể gia tăng tỷ lệ giải ngân. Ảnh: T.D
Nhiều dự án sẽ phải điều chuyển hoặc tiếp tục cắt giảm vốn để có thể gia tăng tỷ lệ giải ngân. Ảnh: T.D

Giải ngân chưa như kỳ vọng

Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, kể từ tháng 6.2020 đến nay đã có thêm số liệu mới nhưng không đáng kể so với yêu cầu. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng kế hoạch vốn năm 2020 (bao gồm kế hoạch vốn năm 2020 và kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài (đã cắt giảm) chỉ mới giải ngân đạt hơn 34,8% vào cuối tháng 7.2020. Những lý do được viện dẫn không ngoài chuyện các ngành, địa phương tập trung việc phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2020, ưu tiên giải ngân kế hoạch vốn kéo dài, điều chỉnh đề án giảm nghèo giai đoạn 2018 - 2020 do tổng vốn giai đoạn này thực tế giao tăng so với đề án được duyệt, nên chưa có cơ sở lập thủ tục đầu tư và phân bổ chi tiết vốn cho các dự án mới.

Ngoài ra, còn có lý do nguồn dự phòng ngân sách trung ương thuộc chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới phân bổ trễ do trình HĐND thông qua tại Kỳ họp thứ 15 (tháng 4.2020); năng lực của một số chủ đầu tư, nhà thầu còn hạn chế; dự toán ban đầu của các dự án chưa sát thực tế, nên phải điều chỉnh nhiều lần...

Ông Lê Văn Quang - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng - một đơn vị được đánh giá có tỷ lệ giải ngân khá (hơn 43%) - vẫn cho rằng, không dễ đẩy nhanh tiến độ giải ngân khi việc triển khai các quy trình, thủ tục chuẩn bị đầu tư theo các quy định đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay mất rất nhiều thời gian. Nhiều dự án vẫn chưa thể hoàn tất các thủ tục để khởi công.

Theo kế hoạch, Quảng Nam đặt mục tiêu đến 30.9.2020 sẽ giải ngân 70%, phấn đấu đạt 100% kế hoạch vốn 2019 kéo dài vào 31.12.2020. Dự kiến đến 30.9.2020, phấn đấu tổng kế hoạch vốn năm 2020 sẽ được giải ngân hơn 63% (vốn trung ương đạt hơn 52%, ngân sách tỉnh 71%, riêng phần vốn nước ngoài - ngân sách trung ương cấp phát và tỉnh vay lại - đạt 30%). Hy vọng đến 31.12.2020 sẽ giải ngân 100% vốn trong nước (trung ương và tỉnh) và 60% vốn nước ngoài.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói, dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Các địa phương, ngành cần nỗ lực hết mức mới có thể đạt tỷ lệ giải ngân tối đa, góp phần “cứu” tăng trưởng có nguy cơ âm.

Đâu là kế sách?

Dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát. Tại nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách, cách ly, phong tỏa. Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, giải pháp đầu tiên là sẽ kiên quyết điều chuyển vốn đối với các dự án không thực hiện đúng quy định về tỷ lệ giải ngân tại mốc thời gian cụ thể sang các dự án có khả năng giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung vốn. Theo đó, với vốn kéo dài năm 2019, các chủ đầu tư cần giải ngân 100% vốn theo kế hoạch, nếu không, UBND tỉnh sẽ cắt giảm hoặc trình Thủ tướng Chính phủ (ngân sách trung ương) cắt giảm, điều chuyển cho các dự án khác trong tỉnh có khả năng giải ngân ngay sau khi bổ sung kế hoạch vốn. Với kế hoạch vốn năm 2020 (nguồn ngân sách trung ương) trước ngày 30.8.2020 sẽ rà soát, dự án nào có tỷ lệ giải ngân dưới 50% và chủ đầu tư không có báo cáo giải trình nguyên nhân, đề xuất phương án và cam kết đạt tỷ lệ giải ngân hơn 60% trước 30.9.2020 sẽ cắt giảm, điều chuyển cho các dự án khác trong tỉnh có khả năng giải ngân ngay sau khi bổ sung kế hoạch vốn.

“Các chủ đầu tư đẩy nhanh việc điều chỉnh thiết kế dự toán, giải phóng mặt bằng. Chủ động rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn sang các dự án khác có nhu cầu, có tỷ lệ giải ngân tốt, tránh để việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư dồn vào cuối năm, không thể để mất vốn” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói.

Mệnh lệnh đã được ban ra. Điều bất ngờ chưa có tiền lệ trong lịch sử đầu tư công là các chủ đầu tư đều đề nghị cắt giảm hay loại bỏ dự án - một biện pháp kỹ thuật, để có thể đạt tiến độ kế hoạch giải ngân.

Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư các công trình giao thông nói, tổng vốn giao cho Ban thực hiện là 1.700 tỷ đồng, khó có thể giải ngân hết, khi khá nhiều dự án điều chỉnh hoặc chưa thể thực hiện được. Như vốn nạo vét luồng cảng Kỳ Hà 67,9 tỷ đồng chắc không thể giải ngân, nếu không điều chuyển sẽ bị thu hồi và bị phê bình. Theo ông Tâm, chính quyền cần cắt giảm thêm vốn đầu tư cho các dự án giải ngân chậm và đẩy vốn sang dự án khác có nhu cầu trả nợ sẽ tăng giải ngân.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, một trong những giải pháp cần thiết lúc này là tiếp tục cắt giảm, xem xét dự án nào thiết thực thì tiếp tục, còn lại xin dừng, giãn, không bố trí vốn, chuyển dự án sang triển khai năm 2021 hoặc chuyển vốn cho những dự án đã quyết toán mà còn thiếu vốn… sẽ gia tăng tỷ lệ giải ngân. Còn ông Phạm Văn Phong - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho rằng, chỉ còn cách điều chuyển vốn chậm nhất vào cuối tháng 8.2020, nếu không muốn bị mất vốn. Giải ngân khoảng 85% hay 90% cũng đã là một tỷ lệ khả quan.

Thu ngân sách chỉ đạt 34,13% kế hoạch

Tin từ Cục Thuế, tháng 7.2020, tổng số thuế thu nộp ngân sách khoảng 673,123 tỷ đồng, đưa số thuế thu đến ngày 31.7.2020 khoảng 7.004,106 tỷ đồng, đạt 34,13% kế hoạch, bằng 63,27% so cùng kỳ năm ngoái.

Ngoại trừ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thu tiền sử dụng đất đạt hơn 50% (69,31% và 54,78%), những sắc thuế chủ lực còn lại đều không vượt qua tỷ lệ này. Số thuế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu ngân sách nội địa Quảng Nam là thu từ doanh nghiệp sụt giảm đáng kể. Cụ thể, thu từ doanh nghiệp nước ngoài chỉ có 32,91%, thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương 29,78%) doanh nghiệp nhà nước địa phương 40,69% và nhất là thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh (chủ lực) chỉ đạt khoảng 29,29%.

Tại 18 huyện, thị, thành phố, ngoài Hiệp Đức (83,54%), Nam Trà My (75,87%), Quế Sơn (56,54%), Phú Ninh (53,86%) và Tam Kỳ (52,58%), 13 địa phương còn lại đều thu ngân sách dưới 50%. (T.D)

Vốn huy động và cho vay gia tăng

Theo Ngân hàng Nhà nước tại Quảng Nam, nguồn vốn huy động đến cuối tháng 7.2020 đạt hơn 59.111,24 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu tháng và tăng 6,39% so với đầu năm. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của nguồn vốn kỳ hạn dài thấp hơn nguồn vốn kỳ hạn ngắn nhưng cơ cấu nguồn vốn được cải thiện tốt (chiếm 27,11%, cao hơn so với đầu năm), tạo sự chủ động cho các ngân hàng thương mại trong đầu tư tín dụng.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước tại Quảng Nam, nhờ triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn phát triển sản xuất kinh doanh, khôi phục sản xuất và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nên giải ngân của các ngân hàng tăng trưởng khá tốt. Tính đến cuối tháng 7.2020, dư nợ cho vay đạt 78.550,30 tỷ đồng, tăng 2,72% so với tháng trước và tăng 6,57% so với đầu năm (tín dụng ngắn hạn tăng 3,47% so với đầu tháng, chiếm tỷ trọng 49,38%, tín dụng trung dài hạn tăng 2% và chiếm 50,62%). Hộ kinh doanh, cá nhân chiếm tỷ trọng dư nợ cao nhất (53,07%), tăng 1,32% so với đầu tháng và tăng 6,47% so với đầu năm, doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 46,81%, tăng 5,21% so với đầu tháng và tăng 6,76% so với đầu năm. (T.D)

Ngân hàng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid -19

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước tại Quảng Nam, số dư nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 hiện khoảng 63.832 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 3.125 khách hàng với dư nợ 9.748 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 330 khách hàng với dự nợ 1.167 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm 10,1 tỷ đồng và cho vay mới 15.785 khách hàng với doanh số cho vay lũy kế từ 23.1.2020 là 52.287 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chất lượng tín dụng có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 7.2020, tổng nợ xấu 924 tỷ đồng, chiếm 1,18% tổng dư nợ, tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 85,53% so với đầu năm. Cho vay Nghị định 67 chiếm 34,03% tổng nợ xấu. Khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 76,1%, ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 23,21%, ngân hàng chính sách xã hội chiếm 0,64% và các quỹ tín dụng nhân dân chiếm 0,04%. Theo ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, hệ thống ngân hàng đang nỗ lực kiểm soát nợ xấu, nhưng nợ xấu tăng mạnh so với đầu năm do khó khăn, doanh nghiệp không trả được nợ những món vay đến hạn. (T.D)

TRỊNH DŨNG