Lợi thế hàng Việt vào châu Âu
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.2020. Đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang bị suy giảm do đại dịch Covid-19.
Thông tuyến “cao tốc” vào thị trường EU
EU là thị trường rất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Với lộ trình cắt giảm thuế cụ thể, EVFTA mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đặc biệt là gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA (hiệp định thương mại tự do) đã được ký kết. Vì vậy, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong hiệp định này chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam. Từ đó sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, đồng thời mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng, EVFTA được kỳ vọng sẽ mở ra “con đường cao tốc” trong cả thương mại và đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Với cam kết xóa bỏ và cắt giảm thuế quan mà hai bên đã thống nhất sẽ là cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... Và đây cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các DN khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài ra, trong giai đoạn nhiều quốc gia và nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển đầu tư nhằm giảm sự lệ thuộc vào một số quốc gia nhất định, EVFTA sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP May Tuấn Đạt (TP.Tam Kỳ) cho biết, EVFTA sẽ giúp ngành dệt may có thêm nhiều cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu. Song, bên cạnh các cơ hội được hưởng ưu đãi về thuế quan, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, các DN cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức khi sản phẩm hàng hóa từ các nước nội khối tràn vào ngày càng nhiều, đối thủ cạnh tranh có tiềm lực về tài chính, công nghệ, trình độ quản trị nhân lực… Vì thế, nếu DN không đầu tư, nâng cao năng lực, không chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm đến từ các nước tham gia hiệp định.
Điều đáng lo hiện nay đối với DN may ở Quảng Nam là quy tắc xuất xứ vải sẽ khiến ngành dệt may khó được hưởng lợi từ hiệp định này. Các DN may xuất khẩu phần lớn chưa chủ động được nguồn vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU; việc mua vải trong nước phải trả thuế VAT 10% - đắt hơn so với vải nhập khẩu khiến lợi ích cắt giảm thuế quan chưa đủ bù đắp để giảm giá bán và cạnh tranh được với các quốc gia khác. Nguyên tắc cộng gộp trong EVFTA cho phép DN Việt Nam sử dụng vải của Hàn Quốc hoặc một nước thứ 3 mà hai bên cùng ký FTA như Nhật Bản, ASEAN, tuy nhiên, giá thành cao và chủng loại nguyên liệu không phong phú cũng là vấn đề cần tính toán của DN.
Tận dụng cơ hội
Bên cạnh những cơ hội thì EVFTA cũng tạo ra nhiều thách thức cho các DN trong nước về việc thực thi các cam kết. EU là một thị trường khó tính với những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với các mặt hàng nhập khẩu. Đây là bài toán không hề dễ dàng cho DN bởi hạn chế về năng lực sản xuất, chế biến nội tại cũng như thiếu thông tin thị trường. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, các DN miền Trung - Tây Nguyên cần chủ động tìm hiểu các quy định, cam kết của EVFTA có liên quan tới hàng hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh và thuế quan, quy tắc xuất xứ, cam kết về đầu tư, mở cửa thị trường. DN cần thực hiện các biện pháp, hành động cụ thể để chuẩn bị cho việc tận dụng cơ hội từ EVFTA như tìm hiểu, thiết lập và mở rộng mạng lưới bạn hàng, đối tác ở thị trường EU; thiết lập mạng lưới nguồn cung nguyên liệu, cũng như điều chỉnh quy trình sản xuất để có thể đáp ứng những yêu cầu về quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật...
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sở sẽ chủ động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các FTA “thế hệ mới”, trong đó có EVFTA; tập trung đi sâu vào các vấn đề như nội dung cam kết và lộ trình thực hiện của Việt Nam trong một số ngành hàng, lĩnh vực dịch vụ mà địa phương có thế mạnh và định hướng phát triển; các cam kết về đầu tư, sở hữu trí tuệ, môi trường, thương mại điện tử, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại... Sở cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa có tiềm năng, xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu sang thị trường EU.