Phòng chống dịch bệnh Covid-19: Khoanh vùng, xét nghiệm nhanh để chặn dịch

XUÂN HIỀN 03/08/2020 10:38

Tăng cường xét nghiệm cho các đối tượng có yếu tố dịch tễ, đồng thời thực hiện nghiêm các công văn chỉ đạo về giãn cách xã hội... là những biện pháp mà Quảng Nam đang thực hiện nhằm khoanh vùng, ngăn chặn dịch.

Quảng Nam tăng cường kiểm soát tại các chốt chặn. Ảnh: THÀNH CÔNG
Quảng Nam tăng cường kiểm soát tại các chốt chặn. Ảnh: THÀNH CÔNG

Tập trung tối đa nguồn lực

Tại cuộc làm việc với Tiểu ban điều trị phòng chống dịch bệnh Covid-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác phân tuyến, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19.

“Cần tập trung tối đa nguồn lực, trang thiết bị y tế và cơ sở vật chất để triển khai thực hiện tốt công tác điều trị các ca bệnh dương tính với Covid-19 trên địa bàn tỉnh tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Kịp thời chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế điều trị những ca dương tính nặng vượt khả năng của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.

Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã tiếp đón lực lượng tăng cường từ Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 gồm các đoàn chuyên gia, giáo sư, bác sĩ xuất sắc về điều trị các ca dương tính Covid-19 tại các Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh.

Bác sĩ Đinh Đạo - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, hiện khả năng điều trị các ca dương tính tại bệnh viện là 40 trường hợp. Khó khăn lúc này là vật tư y tế, cơ sở vật chất, chất khử khuẩn đang thiếu. “Đề nghị tỉnh thành lập ngay đội phản ứng nhanh về hồi sức tích cực chống độc hỗ trợ bệnh viện. Đối với những ca F1, F2 xét nghiệm âm tính đề nghị các cơ sở y tế khác cùng chia sẻ điều trị với chúng tôi” - bác sĩ Đinh Đạo nói.

Trong ngày 31.7, UBND tỉnh đã ra quyết định Phòng khám đa khoa Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) là nơi cách ly và điều trị ban đầu cho bệnh nhân Covid-19 ở thể nhẹ. Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh (gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam) tích cực phối hợp hỗ trợ con người, trang thiết bị y tế và nhận các bệnh nhân không phải dương tính với Covid-19 từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam về điều trị tại đơn vị mình khi có yêu cầu. Cùng với đó, Sở Y tế cũng có quyết định thành lập các đội phản ứng nhanh để chia sẻ và hỗ trợ các đơn vị y tế trên toàn tỉnh.

Tăng cường xét nghiệm nhanh

Kêu gọi đội ngũ y bác sĩ về hưu, sinh viên ngành y hỗ trợ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu các địa phương tiếp tục vận động, kêu gọi đội ngũ y bác sĩ đã về hưu, sinh viên ngành y tại địa phương cùng hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại địa bàn mình. Nếu cần thiết, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí thêm cho đội ngũ này.

Ở các địa phương đang là “điểm nóng” của dịch Covid-19 tại Quảng Nam, bao gồm Điện Bàn, Hội An, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, nhu cầu cấp bách là thực hiện các test xét nghiệm nhanh cho người dân sau khi thực hiện truy vết F1, F2 đối với các ca dương tính trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, các trường hợp F1 tại địa phương đang phát sinh nhanh, nhu cầu xét nghiệm gia tăng, tuy nhiên các test xét nghiệm được cung cấp lại không đủ. Tương tự, bác sĩ Trần Công Ân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Điện Bàn) cho biết, nhu cầu người dân muốn xét nghiệm nhanh trên địa bàn thị xã khá đông. Tất cả bệnh viện gần như đều có xuất hiện ca dương tính. Cùng với đó, theo lãnh đạo địa phương này, có khoảng 30 nghìn người lao động tại Đà Nẵng là người Điện Bàn ra vô liên tục, công tác truy vết và khoanh vùng hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) cho biết, đơn vị đang dốc hết sức để thực hiện các test xét nghiệm trên toàn tỉnh. Theo đó, phải tính đến phương án phân từng nhóm đối tượng thành 3 cấp độ để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Ưu tiên hơn cả là người đã tiếp xúc với ca bệnh, đã đến những khu vực phát hiện ca nhiễm, sau đó là đến những người có biểu hiện bệnh, cuối cùng là những người có yếu tố dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng.

Theo CDC Quảng Nam, từ ngày 25.7 đến nay đã thực hiện 1.500 mẫu xét nghiệm. Khả năng trong thời gian tới sẽ phải gia tăng thực hiện xét nghiệm tại các địa phương. Theo ông Quang, quan trọng nhất hiện nay là cần tuyên truyền vận động người dân đến cơ sở y tế để thực hiện khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm, đặc biệt là các trường hợp trở về từ Đà Nẵng sau ngày 15.7, đồng thời khuyến cáo người dân tiếp tục chủ động khai báo y tế điện tử. Người dân đã có lịch hẹn lấy mẫu xét nghiệm lưu ý đến đúng ngày giờ ghi trên giấy hẹn nhằm hạn chế quá tải, tập trung đông người tại các địa điểm lấy mẫu.

Bộ Y tế cũng vừa ban hành công văn về việc tăng cường thực hiện xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ. Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các đơn trị trực thuộc trong và ngoài ngành y tế đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm cho các phòng xét nghiệm trên địa bàn để đảm bảo xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 tại chỗ; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khác thực hiện xét nghiệm. Ngoài các cơ sở y tế công lập, địa phương cần huy động các đơn vị y tế tư nhân đủ năng lực xét nghiệm tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

XUÂN HIỀN