Vùng giáp ranh căng mình chống dịch

QUỐC TUẤN 31/07/2020 12:14

Hai địa phương khu vực bắc Quảng Nam gồm TP.Hội An, thị xã Điện Bàn đang đứng trước nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng bởi đây là những địa phương giáp ranh với TP.Đà Nẵng. Các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp cấp thiết để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Kiểm soát thân nhiệt tại cửa ngõ Đà Nẵng vào Quảng Nam trên tuyến quốc lộ 1. Ảnh: Q.T
Kiểm soát thân nhiệt tại cửa ngõ Đà Nẵng vào Quảng Nam trên tuyến quốc lộ 1. Ảnh: Q.T

Cách ly xã hội ở Hội An

Ngày 30.7, UBND tỉnh có Quyết định 2041/QĐ-UBND về việc thực hiện cách ly xã hội toàn địa bàn TP.Hội An trong vòng 14 ngày kể từ 0 giờ ngày 31.7.2020. Đây là điều tất yếu khi Hội An đang có một số trường hợp nghi nhiễm Covid-19 trong cộng đồng chờ xác định và nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng rất lớn bởi đặc thù đô thị du lịch, không gian đô thị nhỏ. Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Lanh, trên địa bàn thành phố ngày càng gia tăng nhanh các trường hợp F1 có tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với các bệnh nhân Covid-19 nên việc ban hành quyết định cách ly xã hội toàn thành phố là rất cần thiết nhằm chủ động khống chế, bao vây không để dịch lây lan, bùng phát trong cộng đồng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 chốt kiểm soát dịch Covid-19, trong đó có 4 chốt cấp tỉnh và 28 chốt cấp huyện. Cả 4 chốt cấp tỉnh đều nằm ở khu vực bắc Quảng Nam, trong đó có 3 chốt nằm giáp ranh với khu vực đô thị Đà Nẵng.

Trước đó, từ đêm 29.7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Hội An cũng triển khai phong tỏa phần lớn khối phố An Hội ở trạng thái “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, bởi đây được xem là “điểm nóng” nhất về nguy cơ lây lan dịch bệnh khi có nhiều trường hợp F1 tiếp xúc gần. Đây cũng là khu vực mà một số ca bệnh Covid-19 được công bố ở địa phương khác có di chuyển qua. Ông Nguyễn Văn Lanh cho biết, chính quyền địa phương đảm bảo trách nhiệm và khả năng cung ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu cho nhân dân trong khu vực này và rất mong sự chia sẻ, tuân thủ của người dân để đạt hiệu quả trong việc ngăn chặn nguồn bệnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, ngoài Hội An đã thực hiện cách ly xã hội thì Điện Bàn, Đại Lộc đã áp dụng mức cao nhất theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ và sẽ tiến đến giãn cách xã hội ở hai địa phương này nếu tình hình phức tạp hơn. “Chính quyền địa phương phải dự lường kịch bản để khi cần thiết sẵn sàng phong tỏa một số khu vực trên địa bàn. Các địa phương cần xem việc chống dịch là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này và phải ưu tiên công tác truy vết F1, F2 trong cộng đồng để khoanh vùng dập dịch có hiệu quả” - ông Tân nói.

Căng thẳng vùng giáp ranh Đà Nẵng

Điện Bàn cần mở rộng các khu cách ly tập trung

Sáng qua 30.7, tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân về công tác phòng chống dịch Covid-19, lãnh đạo thị xã Điện Bàn cho biết, hiện nay địa phương có 68 đối tượng F1 cách ly tập trung; 346 đối tượng thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Bộ Y tế đã công bố 3 công dân quê quán Điện Bàn mắc Covid-19, đang điều trị tại Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, trong ngày 30.7 đã lấp đầy cơ sở cách ly tập trung tại Trường Đại học Y Phan Châu Trinh (96 giường); tiếp tục chuyển các đối tượng cần cách ly vào Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phân hiệu Quảng Nam (170 giường) trong những ngày đến. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, Điện Bàn cần mở rộng các khu cách ly tập trung.

Trong những ngày qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam liên tục cử nhiều đội hỗ trợ truy vết các đối tượng F1, F2 trên địa bàn Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc. Ông Huỳnh Công Quang – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam nhận định, không chỉ Hội An mà hai địa phương khác là Điện Bàn và Đại Lộc giáp ranh với Đà Nẵng hiện nay cũng rất nguy hiểm. “Đợt dịch bùng phát hồi đầu năm chúng ta có lợi thế là dồn toàn lực hướng tới đối tượng khách nước ngoài, nhưng lần này công tác truy vết gặp nhiều khó khăn bởi dịch đã lây lan ra cộng đồng” - ông Quang nói.

Hiện nay, mỗi ngày vẫn có khoảng 1.500 chuyên gia, công nhân từ Đà Nẵng vào Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc để làm việc và địa phương đang tích cực phối hợp, đề nghị doanh nghiệp cam kết có giải pháp đưa đón an toàn để duy trì sản xuất nhưng không làm lây lan dịch bệnh. Ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn đề xuất: “Lãnh đạo tỉnh cần có giải pháp triển khai ngay giãn cách xã hội tại thị xã Điện Bàn bởi lưu lượng người dân địa phương ra vào Đà Nẵng hàng ngày rất lớn, khó kiểm soát hết được. Điện Bàn rất cần hỗ trợ việc xét nghiệm, test nhanh diện rộng để khoanh vùng thì mới nâng cao hiệu quả chống dịch”.

Theo ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, địa phương đã thành lập 2 khu cách ly tập trung với gần 270 giường nhưng đang dần được lấp đầy rất nhanh. Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam cũng chủ động thành lập trung tâm điều trị Covid-19 tại chỗ ở Phòng khám Đa khoa Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc để đề phòng nguy cơ lây chéo nếu dồn hết về Bệnh viện Đa khoa khu vực. Bác sĩ Nguyễn Tải – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam cho biết: “Trong trường hợp có các bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại chỗ ở Điện Bàn, rất cần chính quyền địa phương quan tâm đến nơi lưu trú cho từng đoàn y, bác sĩ yên tâm khi họ hoàn thành ca làm việc của mình, bởi sau khi rời khỏi bệnh viện, họ buộc phải cách ly 14 ngày mới được trở lại cộng đồng”.

QUỐC TUẤN