Sàng lọc bệnh nhân lao trong cộng đồng
Từ ngày 9.7 đến 15.9, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tổ chức khám sàng lọc quy mô tại 2 huyện Thăng Bình và Phú Ninh, nhằm phát hiện sớm những trường hợp mắc lao trong cộng đồng.
Đồng hành với bệnh nhân
Mới đây, tại Trạm Y tế xã Bình Trung (Thăng Bình), người dân có mặt từ rất sớm, xếp hàng chờ đến lượt khám bệnh. Đa số trường hợp trên 65 tuổi có triệu chứng về hô hấp, số còn lại có người thân mắc lao hoặc tiếp xúc với bệnh nhân lao, ít trường hợp có triệu chứng nghi lao. Sau khi được thăm hỏi tiền sử của bản thân và gia đình, bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang ngay trên hệ thống xe X-quang lưu động của bệnh viện.
Kết quả được thông báo nhanh trong vòng vài phút, những trường hợp có tổn thương phổi hơn 10% sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm đem về bệnh viện để thực hiện xét nghiệm sinh học phân tử Gene - Xpert (công nghệ xét nghiệm lao bằng ADN nhạy nhất hiện nay). Ngoài ra, y bác sĩ của bệnh viện còn tư vấn cho người dân cách phát hiện, triệu chứng và cách phòng chống lao tại cộng đồng.
Ngồi chờ khám ở dọc hành lang trạm y tế, ông Nguyễn Văn Hoàng (68 tuổi, thôn Trà Long, xã Bình Trung) cho hay, gần tháng nay ông ho có đờm nhiều, nhưng do tuổi già sức yếu, đi đứng khó khăn, con cái lại làm ăn tha phương nên ông không thể tới bệnh viện khám bệnh. Nhận giấy mời thông báo có đoàn y bác sĩ về khám bệnh nên ông đến đây để được khám cụ thể.
Y sĩ Võ Thị Hạnh - chuyên trách lao Trạm Y tế xã Bình Trung cho biết: “Sau khi được tập huấn tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, tôi tiến hành lập danh sách những người có triệu chứng nghi lao, người trên 65 tuổi có triệu chứng về hô hấp, người nhiễm HIV, sau đó gửi giấy mời, tuyên truyền trên loa phát thanh để bà con biết đến khám”.
Mở rộng quy mô sàng lọc
Chương trình khám sàng lọc bệnh nhân lao do Quỹ Toàn cầu tài trợ với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng, thực hiện tại 22 xã của huyện Thăng Bình và 11 xã của huyện Phú Ninh, với 50 điểm khám, mỗi điểm 270 người. Những trường hợp có kết quả dương tính với lao, bệnh nhân được hỗ trợ đăng ký điều trị miễn phí theo đúng phác đồ chuẩn của Chương trình chống lao quốc gia, đồng thời được tư vấn và hướng dẫn các thông tin cần thiết.
Bác sĩ Nguyễn Thảo - Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh phát hiện 1.500 bệnh nhân lao các thể. Do đó, bệnh lao vẫn là mối đe dọa sức khỏe của cộng đồng và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Vì vậy, ngành y tế luôn nỗ lực duy trì tốt mạng lưới phòng chống lao ở cộng đồng, giúp công tác phát hiện và điều trị lao đạt những mục tiêu của chương trình chống lao và hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng vào năm 2030”.
Việc tổ chức khám sàng lọc là một trong những giải pháp quan trọng đang được đẩy mạnh để thực hiện mục tiêu của chương trình chống lao. Chương trình này có tác dụng rất lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao trong cộng đồng.
“Trước đây, chúng ta chỉ chờ bệnh nhân đến các phòng khám lao mới có thể phát hiện bệnh nhân lao. Hiện nay, việc tổ chức các đợt khám sàng lọc trong cộng đồng giúp ngành y tế chủ động phát hiện bệnh nhân lao; đặc biệt là những bệnh nhân mới chớm lao. Những người này mới chỉ tổn thương mờ nhạt thể hiện qua phim chụp X-quang phổi mà qua xét nghiệm đờm khó phát hiện, nhưng nếu để lâu vi khuẩn lao sẽ phát triển thành hang ổ trong phổi bệnh nhân, nguy cơ lây lan ra cộng đồng còn lớn hơn” - bác sĩ Thảo cho biết thêm.
Bác sĩ Thảo khuyến cáo, người dân có các triệu chứng như ho kéo dài hơn 2 tuần, sốt nhẹ về chiều, người mệt mỏi, ăn uống kém, sụt cân, tức ngực cần đi khám và xét nghiệm đờm để phát hiện lao. Gia đình có người bị lao nên đi khám toàn thể gia đình để phát hiện, điều trị lao hoạt động hoặc lao tiềm ẩn.