Đi lên từ gian khó
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, đối mặt với hàng loạt khó khăn, nhưng nhờ linh hoạt triển khai hiệu quả nhiều giải pháp nên kinh tế Quế Sơn có mức tăng trưởng khá ấn tượng; tiến trình xây dựng nông thôn mới gặt hái nhiều thành quả.
Tăng trưởng ấn tượng
Ông Nguyễn Sửu - Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho hay, hiện nay trên địa bàn huyện có 3.070ha đất lúa và 3.500ha đất màu; trong đó có 2.600ha đất lúa chủ động nước tưới cả 2 vụ đông xuân và hè thu. Riêng vụ đông xuân 2019 - 2020, năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 57,4 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với cách đây 5 năm.
Những năm qua nông dân một số xã vùng đông của huyện còn hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất mỗi năm 200ha lúa giống theo phương thức bao tiêu đầu ra sản phẩm. So với làm lúa thương phẩm, việc liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống lúa thuần giúp thu nhập của nhà nông tăng thêm 550 - 650 nghìn đồng/sào/vụ và nếu sản xuất giống lúa lai tăng thêm 2 - 2,5 triệu đồng/sào/vụ.
Trong 5 năm qua, tổng giá trị sản xuất của Quế Sơn có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 16,17%. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 36 triệu đồng, vượt 3 triệu đồng so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của Quế Sơn là 12,12%, đến cuối năm 2019 giảm còn 4,31%.
Ông Nguyễn Sửu cho biết thêm, hiện nay bình quân mỗi năm 1ha đất màu của Quế Sơn đạt giá trị khoảng 75 triệu đồng. Đáng ghi nhận, hơn 3 năm qua các ngành liên quan cùng chính quyền nhiều địa phương của huyện tích cực hướng dẫn và hỗ trợ một số khâu trọng yếu để nông dân có điều kiện chuyển 600ha đất lúa sang trồng bắp lai, mè, đậu phụng, sắn... Hầu hết mô hình chuyển đổi đều cho mức thu nhập từ 85 - 95 triệu đồng/ha/năm, tăng 25 - 40 triệu đồng so với gieo sạ lúa.
Chăn nuôi cũng ghi dấu ấn với 13 trang trại, 41 gia trại nuôi gia súc, gia cầm có quy mô vừa và lớn. Bình quân hằng năm, mỗi trang trại (chủ yếu nuôi gia công cho doanh nghiệp) có mức lãi ròng 300 - 400 triệu đồng và mỗi chủ gia trại lãi ròng 100 - 200 triệu đồng.
Với lợi thế đất lâm nghiệp khá lớn, những năm qua nông dân Quế Sơn chọn mô hình trồng rừng nguyên liệu làm hướng chủ lực trong phát triển kinh tế hộ, với 6.800ha rừng sản xuất, hằng năm nông dân khai thác khoảng 700ha, thu về không dưới 63 tỷ đồng...
Trên lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, ông Dương Ngọc Hoàng - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Quế Sơn cho biết, ngoài Khu công nghiệp Đông Quế Sơn do tỉnh quản lý, huyện đã quy hoạch chi tiết và tiến hành đầu tư xây dựng 3 cụm công nghiệp gồm Quế Cường (48ha), Đông Phú 1 (46,6ha), Hương An (hơn 26ha). Tại 3 cụm công nghiệp này thu hút được 17 dự án vào đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 1.781 tỷ đồng, trong đó có 12 dự án đã hoạt động sản xuất.
Toàn huyện có 60 doanh nghiệp và 896 cơ sở sản xuất cá thể hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 5.000 lao động. Ước tính năm 2020 tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của Quế Sơn đạt khoảng 3.948 tỷ đồng, tăng 2.003 tỷ đồng so với năm 2015. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ năm 2020 ước tính giá trị sản xuất đạt 2.897 tỷ đồng, tăng 1.322 tỷ đồng so với cách đây 5 năm.
Đổi thay diện mạo nông thôn
Sau khi Hương An trở thành thị trấn và 2 xã Quế Cường - Phú Thọ sáp nhập thành xã Quế Mỹ, toàn huyện Quế Sơn hiện có 11 xã tham gia thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM).
Ông Trần Vũ Tánh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, bằng nhiều nguồn vốn huy động, Quế Sơn đầu tư hơn 256 tỷ đồng cho chương trình NTM. Đến nay, bình quân mỗi xã đạt 15,82 tiêu chí, tăng 12,82 tiêu chí so với năm 2011; trong số đó có 5 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM gồm Quế Xuân 1, Quế Long, Quế Xuân 2, Quế Phú, Quế Châu.
“Hiện xã Quế Mỹ hoàn thành 19 tiêu chí và đang gấp rút hoàn tất hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Bên cạnh đó, từ năm 2017 - 2019 Quế Sơn có 6 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Theo kế hoạch, năm 2020 này Quế Phú sẽ được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao và huyện sẽ có thêm 8 thôn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu” - ông Tánh nói.
Theo tìm hiểu, trong số các xã chưa đạt chuẩn NTM của Quế Sơn, xã Quế Hiệp có 14 tiêu chí đạt chuẩn, 2 xã Quế An và Quế Minh mỗi xã đạt 13 tiêu chí, 2 xã Quế Phong và Quế Thuận mỗi xã đạt 12 tiêu chí.
Ông Lê Tấn Trung - Bí thư Huyện ủy Quế Sơn khẳng định, thời gian tới Huyện ủy sẽ chỉ đạo UBND, các ngành liên quan của huyện và cấp ủy, chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể cùng nhân dân các xã trên nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều khâu để về đích NTM đúng lộ trình đặt ra. Theo đó, dự kiến Quế Hiệp đạt chuẩn năm 2022, Quế An và Quế Minh đạt chuẩn năm 2023, Quế Phong và Quế Thuận đạt chuẩn năm 2024. Trên cơ sở đó, năm 2025 Quế Sơn sẽ trở thành huyện NTM...