Ấm lòng người có công
Chăm sóc, phụng dưỡng, hỗ trợ nâng cao đời sống người có công (NCC) luôn là chính sách ưu tiên của tỉnh. Mục tiêu nâng đời sống NCC lên bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của người dân nơi cư trú đã và đang được toàn tỉnh phấn đấu thực hiện.
Ấm lòng NCC khó khăn
Ở một huyện miền núi cao như Nam Trà My, đời sống NCC vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, việc chăm lo cho NCC từng ngôi nhà ở, sinh kế, phụng dưỡng... là nghĩa vụ của cả xã hội. Có được căn nhà ở chắc chắn, ấm cúng đối với NCC có cuộc sống còn khó khăn là điều khó hiện thực hóa, nếu không có sự trợ sức.
Quả vậy, như lời ông Nguyễn Văn Thượng (ở thôn 3, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My), nếu không có Nhà nước, ông không thể có căn nhà mới để ở. Tuổi cao, sức yếu cùng với hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, ông Thượng chủ yếu sống nhờ vào chế độ hỗ trợ hàng tháng. Mong ước có một căn nhà tránh gió bão của ông thành hiện thực khi ông được hỗ trợ xây mới căn nhà từ nguồn hỗ trợ ngân sách tỉnh theo Nghị quyết 11/2019 của HĐND tỉnh. Cùng với nguồn hỗ trợ 40 triệu đồng từ Nghị quyết 11, sự trợ giúp của con cái, hàng xóm, địa phương, ông Thượng đã có căn nhà an toàn, ấm cúng hơn.
Ông Võ Như Sơn Trà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My cho hay: “Từ nguồn hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Nghị quyết 11 của HĐND tỉnh, huyện có 8 NCC được xây mới và sửa chữa nhà hoàn thành trước 27.7 này. Ngoài ra, huyện đã vận động BIDV tài trợ 1 tỷ đồng để làm nhà tình nghĩa cho NCC, phân bổ cho 20 hộ NCC để hỗ trợ làm nhà 50 triệu đồng/hộ. Ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ, huyện cũng đề nghị các địa phương bằng nguồn lực tại chỗ về nhân công, vật liệu giúp NCC hoàn thiện nhà ở, đảm bảo an toàn, bền chắc, giúp NCC an cư”.
Chăm sóc mọi phương diện
Theo Sở LĐ-TB&XH, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26.4.2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng, UBND tỉnh đã ban hành đề án xây dựng 31.352 nhà ở cho NCC (trong đó xây mới 9.889 nhà, sửa chữa 21.463 nhà. Đã hoàn thành hỗ trợ 27.415 hộ (trong đó có 8.312 hộ xây mới và 19.103 hộ sửa chữa). Kinh phí thực hiện 825 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 742 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 83 tỷ đồng). Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ kéo dài đến cuối năm 2019.
Xác định là địa phương có rất nhiều đối tượng chính sách, NCC với các mạng có nhà ở chưa được đầu tư, hỗ trợ, đã xuống cấp, hư hỏng. Để tiếp tục thực hiện chính sách, ngày 3.10.2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND tiếp tục hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở để giải quyết hỗ trợ cho 12.734 trường hợp tăng thêm, với tổng kinh phí cần hỗ trợ dự kiến khoảng 335 tỷ đồng, 100% sử dụng nguồn ngân sách địa phương. Năm 2019, ngân sách tỉnh đã bố trí 100 tỷ đồng để triển khai thực hiện.
Ông Trần Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Năm 2020, có thể việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho NCC sẽ gặp khó khăn do nguồn ngân sách tỉnh hụt thu vì kinh tế, xã hội bất ổn vì dịch bệnh. Tuy nhiên, tinh thần của tỉnh luôn ưu tiên các chính sách chăm sóc, phụng dưỡng NCC trên mọi phương diện, để đời sống NCC được nâng cao hơn. Ngoài hỗ trợ nhà ở NCC, nhiều chính sách khác của tỉnh cũng đã được triển khai, như hỗ trợ nâng cao thu nhập cho NCC thuộc hộ nghèo theo Nghị quyết số 49 của HĐND tỉnh. Các địa phương trong toàn tỉnh, cùng với nguồn xã hội hóa theo nhiều cách, cùng vào cuộc để nâng cao đời sống NCC qua các phong trào nhận chăm sóc, phụng dưỡng hàng tháng đối với NCC neo đơn, khó khăn, già cả, ốm đau”.
Tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt điều dưỡng luân phiên, điều dưỡng tại gia cho NCC. Năm 2020 này sẽ có 1.744 trường hợp NCC được điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Nuôi dưỡng - Điều dưỡng NCC tỉnh. Trong các đợt điều dưỡng như thế, NCC được chăm sóc cả về mặt sức khỏe và tinh thần tích cực, chu đáo. Riêng đối với 605 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đã được các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng với mức từ 800.000 - 1.500.000 đồng/mẹ/tháng; thăm hỏi thường xuyên dịp lễ tết, lúc các mẹ ốm đau...