Khai thác nguồn lực nội sinh

HỮU PHÚC 27/07/2020 04:36

Nông Sơn chú trọng phát triển kinh tế rừng theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và khai thác triệt để tiềm lực của địa phương.

Nông Sơn khai thác triệt để về thế mạnh phát triển cây ăn quả. Ảnh P.VINH
Nông Sơn khai thác triệt để về thế mạnh phát triển cây ăn quả. Ảnh P.VINH

Phát triển kinh tế rừng

Nhận thấy nhu cầu “khát” cây giống lâm nghiệp của người dân bản địa, gia đình ông Nguyễn Đình Tiến, thôn Tân Phong (xã Quế Lộc) bỏ vốn đầu tư ươm cây giống bằng hệ thống tưới nước tự động với quy mô gần 2ha. Ngoài cung ứng cây con, cơ sở của ông còn nhận trồng, chăm sóc và khai thác rừng, nhờ thế giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động.

Theo ông Tiến, năng suất rừng trồng của địa phương còn thấp, một phần do chất lượng cây giống; vì vậy vườn ươm của ông không ngừng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với hơn 80% diện tích là đất rừng, Nông Sơn hoàn toàn có thể phát triển thành vùng nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến công nghiệp. Bình quân mỗi năm địa phương trồng trên dưới 4.000ha; khối lượng khai thác hàng năm đạt 65.000 - 70.000m3; thu hàng trăm tỷ đồng từ thu hoạch keo nguyên liệu.

Trong các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, Nông Sơn xác định, sản xuất lâm nghiệp và phát triển kinh tế từ rừng là thế mạnh. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của huyện ước đạt bình quân mỗi năm hơn 247 tỷ đồng, năm 2019 tăng gần 34% so với năm 2015 và chiếm hơn 16,8% trong tổng cơ cấu kinh tế. Địa phương cũng đưa ra chỉ tiêu, mỗi năm phấn đầu trồng 100 - 150ha rừng gỗ lớn. Dưới tán rừng, nhiều nơi còn tận dụng trồng cây dược liệu quý.

Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn - Nguyễn Văn Hòa cho biết, theo các quyết định phê duyệt quy hoạch của tỉnh về 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất), địa phương có khoảng 1.500ha đất rừng chưa giao cho tổ chức, cá nhân, đang được cơ quan chức năng rà soát, xây dựng phương án sản xuất trồng rừng cụ thể.

“Tuy giá trị từ rừng đem lại không lớn so với các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhưng rất ổn định, là lối đi để địa phương giảm nghèo bền vững. Để kích cầu cho kinh tế lâm nghiệp phát triển, huyện xây dựng phương án giao đất giao rừng, thu hút các nhà máy tham gia chế biến gỗ nguyên liệu” - ông Hòa nói.

Đầu tư theo thứ tự ưu tiên

Giai đoạn 2015 - 2020, tổng thu ngân sách nhà nước của huyện Nông Sơn ước đạt 2.107 tỷ đồng, chủ yếu từ hoạt động của ngành than điện, công nghiệp, thương mại dịch vụ. Là huyện trung du bị chia cắt địa hình, nhưng Nông Sơn tranh thủ xúc tiến kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khai thác các ngành nghề thế mạnh để nâng cao thu nhập cho người dân.

Cũng giai đoạn này, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng trưởng bình quân hằng năm hơn 17,2%; riêng năm 2020 ước đạt 950,8 tỷ đồng (tăng hơn 114% so với năm 2015, chiếm 57% trong cơ cấu kinh tế, đạt chỉ tiêu nghị quyết).

Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới, về cơ cấu kinh tế, đến năm 2025 Nông Sơn phấn đấu đạt 85% tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, còn lại là nông nghiệp với định hướng xây dựng chuỗi sản xuất theo hướng trồng rừng, trồng bưởi trụ, dược liệu và chăn nuôi. Quy hoạch vùng đất sản xuất nông nghiệp tập trung, đồng thời đầu tư mạnh các loại cây ăn quả bản địa (sầu riêng, bưởi trụ, hường, bơ) cũng như sản phẩm đặc trưng (bánh tráng, dó trầm hương).

Bí thư Huyện ủy Nông Sơn - Thái Bình cho hay, địa phương sẽ đầu tư theo thứ tự ưu tiên để tránh dàn trải kém hiệu quả, trong đó kêu gọi và khai thác phát triển du lịch suối nước nóng Tây Viên, sông nước Thu Bồn, Hòn Kẽm Đá Dừng gắn với du lịch sinh thái Đại Bình. Xây dựng các công trình khu phố chợ, khu dân cư, nhà máy chế biến gỗ rừng trồng; đồng thời đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng để đưa Quế Trung trở thành thị trấn vào năm 2021. Ngoài ra, dành nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư lấp đầy hơn 50% diện tích ở Cụm công nghiệp Nông Sơn.

“Chúng tôi sẽ lồng ghép với nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phấn đấu đến năm 2025 huyện chỉ còn dưới 2% hộ nghèo (trừ đối tượng bảo trợ xã hội)” - ông Bình chia sẻ.

HỮU PHÚC