Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở KH&ĐT: Không thể giải ngân 100% vốn đầu tư công
Không thể nào giải ngân hết 100% vốn đầu tư công vì còn quá nhiều điểm nghẽn từ cơ chế lẫn sự thiếu chặt chẽ của địa phương trong giải phóng mặt bằng, thẩm định dự án… Đó là vấn đề được đề cập nhiều nhất trong cuộc trò chuyện giữa Báo Quảng Nam và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Phong.
Khó chồng khó
* Vì sao có Luật Đầu tư, có kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng vẫn giải ngân chậm, thưa ông?
Ông Đặng Phong: Không phải năm nay mà gần như nhiều năm đều cho thấy tiến độ giải ngân rất chậm. Lý do chủ quan kể đến là việc xây dựng kế hoạch, danh mục vốn chưa chính xác (ODA), giải phóng mặt bằng chậm. Năng lực một số chủ đầu tư, nhà thầu hạn chế. Dự toán ban đầu của các dự án chưa sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều lần… Có thể thấy nguyên nhân cơ bản, lớn nhất vẫn là cơ chế, chính sách. Giải ngân năm nào cũng đều vướng về hồ sơ, thủ tục pháp lý. Luật Đầu tư công cũng mới vừa được thay đổi. Chỉ có tác động tháo gỡ một chút ít khó khăn, vướng mắc. Có thay đổi gì thì tất cả “nguyên liệu” (từ danh mục, thủ tục, quy định… của các dự án đều nằm trọn trong đầu tư trung hạn 2016 - 2020). Nếu có tháo gỡ được thì cũng phải đợi đến giai đoạn sau mới có thể nhận diện được.
Để có thể giải ngân được phải qua quy trình, thủ tục tốn quá nhiều thời gian (nhóm A hết 270 ngày, nhóm B 205 ngày, nhóm C 165 ngày). Địa phương không thể thay đổi được.
* Liệu có phải không ít dự án chưa thực sự bức thiết, ít tác động đến hiệu quả kinh tế - xã hội… vẫn được chấp nhận đầu tư, đã dẫn đến giải ngân thấp hay không?
Ông Đặng Phong: Sau khi các địa phương, chủ đầu tư đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phối hợp, kết hợp với Sở KH&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh, trình ra tại kỳ họp HĐND tỉnh để thống nhất một danh mục đầu tư. Các danh mục dự án đầu tư vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, có sức lan tỏa rộng, tạo động lực phát triển, đột phá, khai thác đối đa hiệu quả sử dụng nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác… đã trải qua rất nhiều khâu thẩm định chắc chắn có đủ sự cần thiết, đảm bảo mọi điều kiện mới được phê duyệt.
Như đã nói, vướng mắc đầu tiên thuộc về cơ chế, thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật. Ví như khi phê duyệt một dự án nhóm A thì bước 1 là chuẩn bị đầu tư, thẩm định nguồn vốn được phép không quá 30 ngày, thẩm định chủ trương đầu tư không quá 45 ngày, quá trình quyết định chủ trương đầu tư không quá 30 ngày. Khi vô dự án đầu tư cụ thể thì thẩm định dự án 40 ngày, quyết định đầu tư dự án 20 ngày rồi mới bước qua thiết kế. Thẩm định thiết kế dự án 40 ngày, phê duyệt thiết kế 15 ngày. Chuyển qua đấu thầu đủ 50 ngày mới kết thúc. Khi ký hợp đồng xong cho một dự án hết 270 ngày.
Ai xin dự án cũng muốn giải ngân nhưng chịu thua vì không thể nhanh được. Chưa kể vốn ODA lệ thuộc hoàn toàn vào nội dung đàm phán, ký kết, thống nhất giữa đơn vị tài trợ với Chính phủ Việt Nam. Các dự án này thường phục vụ cho chương trình biến đổi khí hậu, rác thải cần đánh giá tác động môi trường, nhưng theo kiểu của họ. Mất thời gian nhưng họ không đồng ý thì mình cũng chịu thua.
Linh hoạt giải pháp
Điểm nghẽn giải phóng mặt bằng
Giải phóng mặt bằng luôn là căn bệnh trầm kha của cả nước, không riêng gì Quảng Nam. Luật Đầu tư công nói không nhất thiết chủ đầu tư phải đợi tới ghi vốn mới triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Có thể làm vài năm trước, hoàn tất các danh mục để đến khi ghi vốn, triển khai liền. Nhưng vấn đề giải phóng mặt bằng sẽ như thế nào? Trong khi đó, để dự án được phê duyệt bao gồm cả tiểu dự án giải phóng mặt bằng trong tổng thể dự án, không được tách rời. Khi dự án được phê duyệt, bố trí vốn thì mới được ngành tài nguyên - môi trường phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Đến lúc đó, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất mới chính thức được bắt đầu.
Theo quy trình “bất di bất dịch” này thì chủ đầu tư chỉ có thể chuẩn bị đầu tư chứ giải phóng mặt bằng chỉ được thực hiện từ khi ghi vốn thì cũng không giải quyết được gì. Đụng đến cơ chế giải phóng mặt bằng là thấy chậm rồi. Chưa thể tháo gỡ được. Một khi chưa thể tách hẳn tiểu dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án thì có công chuẩn bị đầu tư nhiều năm cũng sẽ thành công cốc. Không ít lần các địa phương đề nghị tách riêng từng tiểu dự án, có tiền sẽ giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đất sạch, khi có tiền thì bố trí cho dự án, không tiền thì để sang năm… Thuận lợi, dễ dàng vô cùng. Nhưng luật pháp không cho phép. Không được tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án tổng thể.
* Khó khăn “bủa vây”, vậy làm sao có thể đẩy tiến độ giải ngân đạt đến tỷ lệ tối ưu, thưa ông?
Ông Đặng Phong: Quảng Nam sẽ kiên quyết điều chuyển vốn với các dự án không thực hiện đúng quy định về tỷ lệ giải ngân tại các mốc thời gian cụ thể sang các dự án có khả năng giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung vốn. Với kế hoạch vốn 2019 kéo dài, sau 30.9.2020 sẽ cắt giảm, điều chuyển cho các dự án khác có khả năng giải ngân sau khi bổ sung kế hoạch vốn. Với kế hoạch vốn năm 2020 ngân sách Trung ương thì trước ngày 30.8.2020 sẽ rà soát, dự án nào có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, chủ đầu tư không báo cáo giải trình nguyên nhân, đề xuất phương án và cam kết đạt tỷ lệ giải ngân trên 60% trước 30.9.2020 sẽ cắt giảm, điều chuyển vốn cho các dự án khác. UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh việc điều chỉnh thiết kế dự toán và giải phóng mặt bằng để đảm bảo giải ngân kế hoạch vốn phân bổ. Các ngành, địa phương chủ động rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có nhu cầu, có tỷ lệ giải ngân tốt cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện… Quảng Nam sẽ chấp nhận thực hiện theo một phương pháp ngược. Thay vì đặt ra giải pháp mới giải bài toán ra đáp số thì sẽ đưa ra đáp số trước và căn cứ từ đó để đề ra giải pháp cụ thể. Hy vọng với cách làm này, tỷ lệ giải ngân sẽ đạt khoảng 90% trở lên.
Hiện Cổng thông tin điện tử của Sở KH&ĐT đã tạo thêm form mới. Đó là cập nhật hàng ngày vị thứ, tiến độ, tỷ lệ giải ngân của khối ngành, địa phương Quảng Nam. Nhìn vào đó sẽ thấy ngay ai nhanh, ai chậm! Đương nhiên, dù từ nay đến cuối năm còn nhiều thời gian, nhưng sẽ có nhiều dự án không thể đụng tới được. Trung ương nói giao vốn sớm, nhưng đến nay vẫn còn 5 danh mục dự án trong nguồn dự phòng, lẽ ra phải giao cách đây 3 hay 4 tháng nhưng họ... quên mất. Quảng Nam nhắc miết nhưng chừ vẫn chưa giao. Như vậy làm sao có thể giải ngân được. Không giao vốn, không giao kế hoạch đầu tư trung hạn thì làm sao có thể giải ngân được. Không thể kỳ vọng 100%. Chưa kể đến các dự án ODA chắc không thể giải ngân được vì nhà tài trợ chưa ký. Những dự án đó sẽ được tách ra, còn những dự án khác buộc từng địa phương, sở, ngành phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Chắc chắn không một ai muốn mất vốn nên sẽ có sự điều chỉnh, cải thiện tỷ lệ giải ngân thôi.
Có thể hy vọng những biện pháp này sau khi điều chỉnh sẽ đạt mức giải ngân 90% trở lên, trừ những dự án ODA, những dự án chưa giao kế hoạch vốn.
Cần vào cuộc đồng bộ
* Thưa ông, chính quyền yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư, liệu có khả thi?
Ông Đặng Phong: Đó chỉ là quyết tâm chính trị, là kỳ vọng, nhưng không nên duy ý chí. Hiện có khá nhiều dự án (tổng đầu tư gần 50 tỷ đồng) đang chờ phân bổ. Khi phân bổ xong mới làm thủ tục thì làm sao cho kịp mà nói đến giải ngân 100%. Giải pháp lưỡng toàn lúc này là yêu cầu tất cả ngành, địa phương phải vào cuộc thật sự. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đôn đốc. Nếu như những giải pháp đề ra không được thì chỉ có cách cương quyết điều chuyển qua các dự án đầu tư khác cùng mục tiêu.
* Nói như vậy, không thể chấm dứt chuyện không xài hết vốn?
Ông Đặng Phong: Về mặt trình tự thủ tục hiện nay rất vướng. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nửa tháng họp một lần về giải ngân để động viên cấp dưới tìm cách khắc phục, vượt qua khó khăn. Luật Đầu tư công đã thay đổi, nhưng muốn giải ngân tốt, thì phải kèm theo việc sửa đổi các bộ luật, đặc biệt là Luật Đất đai. Dù Luật Đầu tư công có thay đổi đi chăng nữa mà các luật kia chưa thay đổi thì sự vận dụng pháp luật nói chung vào trình tự đầu tư xây dựng cơ bản đầu tư công sẽ vẫn là điểm nghẽn trong hiện tại.