Tìm lối đi riêng cho du lịch Điện Bàn
Điện Bàn nằm trên tuyến kết nối các khu vực phát triển du lịch sôi động bậc nhất miền Trung với các di sản văn hóa cùng nhiều điểm đến hiện đại, đẳng cấp. Thế nhưng bao năm du lịch Điện Bàn vẫn chưa thể bứt phá, phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Du lịch Quảng Nam đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu thị trường, sản phẩm, đây là thời điểm thích hợp để Điện Bàn tìm cho mình một lối đi riêng.
XÁC ĐỊNH SẢN PHẨM CHỦ LỰC
Với lợi thế sở hữu nhiều cảnh quan hoang sơ, giá trị văn hóa độc đáo Điện Bàn cần tập trung cải tạo, nâng cấp dòng sản phẩm này trong bối cảnh du lịch xanh đang trở thành xu thế được ưa chuộng.
Vực dậy và làm mới
Triêm Tây từng là điểm đến “gây sốt” nhất của Điện Bàn và cả Quảng Nam vài năm về trước. Năm 2017, điểm đến này nhận được giải thưởng “Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN” từ đó tạo được tiếng vang lớn để thu hút du khách. Từng có lúc Triêm Tây đón khoảng 10 nghìn lượt khách/tháng, một con số khá ấn tượng trong phát triển du lịch cộng đồng.
Xác định Triêm Tây vẫn sẽ là một trong các sản phẩm chủ lực để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở địa phương, ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết: “Vừa qua thị xã đã tiến hành xây dựng mới ban lãnh đạo Hợp tác xã Nông nghiệp làng Triêm Tây với những người trẻ, có năng lực hơn và cam kết phải quyết liệt vực dậy được điểm đến này còn nếu trong hai năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả thì sẽ cho giải thể để tìm phương án khác thích hợp”.
Theo ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp làng Triêm Tây, hạ tầng thu gom nước mưa cho các tuyến đường bê tông nông thôn ở Triêm Tây chưa có trong khi nhận thức người dân về giá trị văn hóa, tài nguyên mình sở hữu vẫn còn mờ nhạt sẽ là thách thức để thúc đẩy du lịch nơi này hồi sinh.
Một điểm sáng của du lịch địa phương trong thời gian qua là việc xây dựng thêm chuỗi điểm đến sinh thái ở khu vực Gò Nổi. Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú (Điện Phong), cánh đồng hoa hướng dương Bến Đường Farm (Điện Quang) là những điểm đến nổi bật được cả khách quốc tế lẫn nội địa ưa thích khám phá ở thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra.
Bà Phan Thị Thái Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH thị xã Điện Bàn cho hay, trong thời gian đến địa phương dự kiến tổ chức ngày hội du lịch làng Cẩm Phú để giới thiệu các sản phẩm đặc trưng làng quê nơi đây, quảng bá rộng rãi đến du khách cũng như các đơn vị lữ hành.
Với tiềm năng rộng mở của khu vực này, không ít doanh nghiệp có tiềm lực đang tích cực xúc tiến đầu tư những dự án quy mô, bài bản và phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Công ty TNHH Giang Hải Sơn là một trong những đơn vị tâm huyết với phát triển du lịch xanh và đã được chấp thuận đầu tư dự án với tổng diện tích khoảng 110ha.
Theo ông Trần Phước Tám - đại diện lãnh đạo công ty: “Mong muốn của chúng tôi là tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, hài hòa với kiến trúc làng quê. Trong đó, công ty dự định sẽ trồng hàng ngàn cây xanh tạo ra khu lưu trú dưới tán rừng để du khách nhất là giới trẻ được trải nghiệm”.
Theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, loại hình lưu trú farmstay có thể là một lối đi khả thi với những địa phương lân cận Hội An như Điện Bàn. Mô hình này không cần nhiều vốn đầu tư, cải tạo ban đầu bởi đã sở hữu cảnh quan đồng ruộng, trang trại có sẵn, chỉ cần phong cách thiết kế sáng tạo, độc đáo thì giá trị dịch vụ bán cho khách sẽ rất cao, nhất là với dòng khách châu Âu.
Định vị mạng lưới du lịch đường sông
Lâu nay, sản phẩm du lịch duy nhất gắn với đường sông được Điện Bàn khai thác trên tuyến Thu Bồn cũng chưa tạo được dấu ấn rõ rệt do chưa xây dựng được các điểm dừng chân hấp dẫn cho du khách. Trong khi đó, nhiều dòng sông có cảnh quan hữu tình, đặc biệt gắn với các câu chuyện, điển tích lịch sử hấp dẫn ở Điện Bàn vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Đó là dòng sông được khắc trên Dụ Đỉnh (1 trong Cửu Đỉnh) đặt trong Đại Nội - Kinh thành Huế. Con sông đào mấy trăm năm tuổi này êm đềm uốn lượn qua thành cổ La Qua, qua Dinh trấn Thanh Chiêm xưa cũ một thời ghi dấu chân của các thế tử nhà Nguyễn vào trấn thủ trước khi trở về kinh đô lên ngôi chúa. Đó là con sông Cổ Cò huyền thoại, suốt mấy thế kỷ liền là con đường thông thương đắc địa của Hội An với thương thuyền thế giới.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng phòng VH-TT&TT-TH thị xã Điện Bàn thông tin: “Ngành du lịch địa phương đang tập trung phối hợp xây dựng sản phẩm ở ba tuyến du lịch đường sông gồm: tuyến Hội An - Triêm Tây - Triêm Đông - Đông Khương - Gò Nổi - Mỹ Sơn - Hòn Kẽm Đá Dừng (sông Thu Bồn); Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An (sông Cổ Cò) và tuyến sông Hàn - sông Vĩnh Điện - sông Thu Bồn”.
Được biết, dự án nạo vét sông Cổ Cò cũng đã lựa chọn được nhà thầu và dự kiến khởi công ngay trong quý 3 năm nay. Trước đó, trong các buổi làm việc về việc nạo vét dòng sông này, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã có những chỉ đạo về việc thiết kế tĩnh không các cây cầu bắc qua sông hợp lý để phục vụ tàu du lịch, ngoài ra khi thông dòng cũng sẽ tính toán mật độ tàu thuyền di chuyển trên sông phù hợp để sông Cổ Cò thực sự mang dáng dấp của một dòng sông du lịch.
Theo phản hồi từ một số doanh nghiệp lữ hành, lòng sông Vĩnh Điện hiện rất cạn nên dù cũng đã có một số đơn vị khảo sát, tìm hiểu nhưng cũng chưa triển khai được sản phẩm du lịch.
THÚC ĐẨY LIÊN KẾT
Với tương quan về khoảng cách địa lý và hệ thống các sản phẩm du lịch, việc xác lập liên kết với Hội An – Duy Xuyên kể cả TP.Đà Nẵng trong tương lai là điều tất yếu để mở thêm cơ hội phát triển du lịch cho Điện Bàn.
Mờ nhạt liên kết
Là nơi phát triển du lịch năng động nhất trên địa bàn tỉnh, nên khu vực phía bắc thường xuyên chiếm đến khoảng 80% tổng lượng khách hằng năm đến Quảng Nam. Dẫu vậy, trên thực tế các điểm đến ở Điện Bàn vẫn chưa có sức hút lớn như hai di sản văn hóa thế giới của Hội An và Duy Xuyên. Thiết lập trục liên kết giữa ba địa phương này là vấn đề được đặt ra từ lâu để phát huy tối đa hiệu quả và trong các “cụm liên kết” du lịch được Sở VH-TT&DL xác lập cũng nhắc đến “tam giác” Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên với nhiều kỳ vọng bởi nền tảng để phát triển du lịch ở đây đã khá cơ bản.
Điều đáng tiếc trong thời gian qua, Điện Bàn dường như chỉ là điểm trung chuyển gián tiếp cho hoạt động du lịch có tính liên địa phương. Phần lớn tour tuyến du lịch Hội An - Mỹ Sơn chỉ ghé qua một vài điểm dừng chân ở Điện Bàn để khách ăn uống hoặc mua sắm lặt vặt và “hành trình di sản” thu nhỏ này thông thường chỉ khép lại trong ngày khiến giá trị dịch vụ không cao.
Ông Nguyễn Sơn Thủy – Giám đốc Công ty TNHH du lịch Duy Nhất Đông Dương cho rằng, điều quan trọng nhất trong việc thiết lập liên kết là phải có sản phẩm cụ thể và từng sản phẩm cần mang nét đặc trưng riêng biệt của địa phương đó thì mới thuyết phục được du khách tham gia hành trình.
Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết: “Từ cuối năm ngoái địa phương đã xúc tiến kết nối với phía Hội An và Duy Xuyên nhằm tạo ra liên kết một cách bài bản để dự định khởi động trong năm nay, tuy nhiên rất đáng tiếc mọi thứ đều bị chững lại do dịch bệnh Covid-19”.
Ông Nguyễn Xuân Hà thông tin thêm, Điện Bàn cũng nhận thấy các lợi ích cho việc thúc đẩy du lịch nếu kết nối được với phía Đà Nẵng tuy nhiên quan điểm của địa phương trước mắt phải định hình được liên kết với phía Hội An, Duy Xuyên trước sau đó mới tính chuyện dài hơi hơn.
Dư địa rộng mở để “bắt tay”
Theo bà Phan Thái Hoa – Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH thị xã Điện Bàn, vừa qua địa phương đã tích cực phối hợp với một số doanh nghiệp có kinh nghiệm làm du lịch xanh tại Hội An để kết nối san sẻ khách từ Hội An đến làng du lịch Cẩm Phú khi hoạt động du lịch trở lại trạng thái bình thường.
Với sự liền mạch của không gian, chuỗi sản phẩm thực tế mà ba địa phương có thể “bắt tay” nhau để định hình vô cùng độc đáo ở cả tuyến đường sông, lẫn đường bộ. Gạch nối trên con đường di sản Hội An - Mỹ Sơn là rất nhiều làng nghề đặc sắc của Điện Bàn như làm mộc, đúc đồng, đất nung… và nhiều điểm đến vang bóng dọc theo dòng sông như chợ Củi, làng lụa Mã Châu, lăng bà Đoàn Quý Phi…, một khi ba địa phương kết nối, tái hiện được sẽ trở thành chuỗi sản phẩm rất giá trị.
Nếu xem Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên là một “tam giác” liên kết, trong lòng của tam giác này còn một “tam giác nhỏ” điển hình cho sự kết nối chặt chẽ của ba địa phương là Cẩm Kim (Hội An) - Triêm Tây (Điện Bàn) - Duy Vinh (Duy Xuyên). Đặt chân lên khu vực này, dường như ranh giới địa lý của 3 địa phương được xóa nhòa và ở đó du khách như lạc vào không gian xanh mát của cây cối, của sóng nước cùng âm thanh từ những người làm chiếu chẻ, làm mộc vọng lại… Cầu Cẩm Kim mới đã hợp long và sắp đưa vào sử dụng sẽ là một đòn bẩy lý tưởng để tạo sức bật cho “tam giác” du lịch hữu tình này.
XỐC LẠI DU LỊCH BIỂN
Chỉ sở hữu khoảng 8km bờ biển nhưng nằm trên vị trí “đắc địa” nên phần lớn khu vực ven biển Điện Bàn đã lấp đầy các dự án đầu tư. Dẫu vậy, ngành du lịch địa phương cần nhiều hơn các sản phẩm du lịch biển thực sự độc đáo thay vì chỉ là điểm lưu trú cho khách tại một số ít resort như hiện nay.
Mặc dù ven biển Điện Bàn có một loạt dự án nghỉ dưỡng cao cấp song hiện nay mới chỉ có vài resort chính thức đi vào hoạt động. Thời gian qua, hầu hết dự án còn lại vẫn đang chật vật xin UBND tỉnh giãn tiến độ vì nhiều lý do khách quan, chủ quan. Trong số này, có dự án đã xin giãn tiến độ đến lần 2 hoặc thay đổi chủ đầu tư nhiều lần mà sản phẩm vẫn chưa thể ra mắt phục vụ khách du lịch.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL, cần chia sẻ với các chủ đầu tư bởi trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh và hậu dịch bệnh kéo dài thì dự án có đưa vào hoạt động đúng tiến độ cũng không lấy đâu ra khách hàng để đảm bảo chi phí vận hành.
Vào thời điểm 2015, du lịch biển là một điểm sáng của địa phương khi tạo ra nguồn thu khoảng 430 tỷ đồng chỉ với hơn 30 nghìn lượt khách lưu trú. Tuy nhiên đến năm 2019, dù số khách lưu trú tăng lên khoảng 41 nghìn lượt thì doanh thu chỉ “nhích” nhẹ lên mức 460 tỷ đồng. Điều này phản ánh thực tế khách đến biển Điện Bàn chỉ thuần lưu trú và không có sản phẩm, dịch vụ độc đáo để chi tiêu.
Ba bãi biển ở Điện Bàn dù được quy hoạch phát triển điểm đến du lịch từ lâu tuy nhiên vẫn chật vật trong việc thu hút khách với điệp khúc “giàu tiềm năng, nghèo dịch vụ”. Từ năm 2016, UBND thị xã Điện Bàn đã tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch biển định kỳ 2 năm một lần để bước đầu tạo điểm nhấn thu hút khách cho biển Hà My.
Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay, ngành du lịch thị xã cũng đang tính toán phương án xây dựng cầu tàu, điểm “check-in” ở biển Hà My, xây dựng tuyến đường ven biển từ Điện Ngọc đến ngã tư Thống Nhất (Điện Dương) để hình thành tuyến phố thương mại và kết nối đưa khách trực tiếp ra Cù Lao Chàm với số lượng nhất định. Tuy nhiên điều này cần phải được sự đồng thuận của phía Hội An.
Các bãi biển của Điện Bàn đều còn hoang sơ, cát mịn, bãi tắm thoai thoải phù hợp với việc phát triển các sản phẩm du lịch – giải trí tuy nhiên việc định vị thương hiệu nhất là với bãi tắm Viêm Đông và Thống Nhất hầu như còn rất mờ nhạt.
Ông Nguyễn Sơn Thủy – Giám đốc Công ty TNHH du lịch Duy Nhất Đông Dương chia sẻ, xu thế chung hiện nay muốn phát triển du lịch biển phải đẩy mạnh kinh tế đêm. “Điện Bàn có lợi thế lớn khi bãi biển không nằm kề khu đô thị, dân cư nên cần tranh thủ chính sách, có đề xuất với cấp trên về vấn đề này. Các đô thị biển lân cận đều đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh loại hình này nên Điện Bàn cần nghiên cứu xúc tiến sớm nếu thực sự muốn tạo động lực phát triển du lịch biển” - ông Nguyễn Sơn Thủy nói.
KHƠI GỢI NGUỒN LỰC VĂN HÓA
Nhắc về tiềm năng du lịch Điện Bàn không thể bỏ qua yếu tố văn hóa được tích lũy qua nhiều thế kỷ của vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Khi xu hướng tham quan dần được chuyển đổi thành trải nghiệm thì yếu tố văn hóa càng phải được trau chuốt, khơi gợi để trở thành một điểm nhấn cho du lịch địa phương.
Điện Bàn có 29 dự án du lịch đăng ký đầu tư trong đó có 5 dự án đã đi vào hoạt động. Từ nay đến năm 2025, Điện Bàn đặt mục tiêu đón hàng năm 120 nghìn lượt khách và phải xây dựng 3 sản phẩm du lịch mới được tỉnh công nhận là điểm du lịch.
Dù đô thị hóa đang len lỏi ở nhiều khu vực của một thị xã trẻ, năng động nhưng cư dân ở vùng đất này vẫn gìn giữ được nhiều tập tục, lễ hội đặc sắc phản ánh đậm nét hơi thở đời sống bản địa như: Lễ hội Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ (Điện Phương), lễ hội Cầu ngư (Điện Dương), lễ hội Thanh minh (Điện Quang)… Đáng mừng hơn khi xã Điện Tiến còn cố gắng phục hồi lễ Tịch điền tưởng như đã phôi phai theo thời gian.
Ông Lê Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam cho rằng: “Sự khác biệt giữa các làng mạc, dòng sông hay lễ hội chính là câu chuyện lịch sử nó mang trong mình và đây chính là điều cuốn hút đối với du khách nếu biết khai thác”. Được biết, từ năm 2021, Điện Bàn sẽ duy trì nguồn kinh phí khoảng 350 triệu đồng mỗi năm để hỗ trợ tái hiện 7 lễ hội lớn có truyền thống lâu đời.
Làng nghề thường được ví von là tinh hoa, là một trong những “cái nôi” của văn hóa bản địa. Nghề làm chiếu chẻ Triêm Tây (Điện Phương) và làm mắm Hà Quảng (Điện Dương) đứng trước cơ hội gắn với phát triển trải nghiệm du lịch rất lớn khi nằm ngay cạnh hai đô thị du lịch Đà Nẵng, Hội An và thường xuyên có thể tiếp cận một lượng khách du lịch đông đảo. Việc được đưa vào hỗ trợ trong chương trình OCOP - “mỗi xã một sản phẩm” sẽ là cơ hội để duy trì, nâng chất các sản phẩm làng nghề này. Tuy nhiên để khai thác sâu câu chuyện văn hóa từ đó tạo thành chuỗi sản phẩm trải nghiệm thì cần nhiều hơn nỗ lực của một phía làng nghề…
Theo nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, về thủ công mỹ nghệ, Điện Bàn không thua kém gì các vùng đất nổi bật khác trên cả nước và vẫn còn giữ được nét chân chất, mộc mạc.
“Việc phát triển cơ sở làng nghề kết hợp phục vụ du lịch không cần diện tích, chi phí quá to lớn. Như cơ sở của tôi (ở Điện Phương) khách tới thăm thú, đặt hàng được ở trong không gian vườn tược, được trải nghiệm quy trình sản xuất truyền thống, chiêm ngưỡng các dụng cụ có tuổi đời hàng trăm năm đủ khiến họ thích thú rồi” - ông Nguyễn Văn Tiếp nói.