"Mỗi tấc đất là cuộc đời có thật"

QUẾ HÀ 24/07/2020 04:21

Một câu hỏi mà không biết đến bao giờ có câu trả lời: Có bao nhiêu liệt sĩ chưa được biết tên, đang yên nghỉ trong lòng đất mẹ; có bao nhiêu gia đình, bao người thân khắc khoải đi tìm? Phải chăng “mỗi tấc đất là cuộc đời có thật...” (thơ Phạm Đình Lân).

Căn hầm nơi 5 chiến sĩ hy sinh ở điểm cao 378.
Căn hầm nơi 5 chiến sĩ hy sinh ở điểm cao 378.

Tình dân

Sau Hiệp định Paris (năm 1973), đơn vị C1 - D7 - E31 - F2 được giao nhiệm vụ phải giữ vững chốt điểm cao 378 (nay thuộc thôn An Phố, xã Bình Lâm, Hiệp Đức). Và tại nơi đây đã diễn ra cuộc giao tranh ác liệt với quân địch. Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Lành (Bình Lâm, Hiệp Đức) dù đã 90 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những ngày tháng cuối năm 1973. Chồng và người con trai lớn của mẹ đã hy sinh, lúc ấy mẹ sống cùng người con trai còn lại là anh Nguyễn Mùi (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bình Lâm).

Anh bộ đội Nguyễn Công Lâm, là một trong những người con nuôi của mẹ Lành kể rằng, hơn 45 năm trước, đơn vị của anh có nhiệm vụ giữ chốt. Trời thì mưa suốt, lạnh và đói nhưng bộ đội ta phải bám chặt mục tiêu, giữ chốt. Gia đình của mẹ lúc đó vô cùng khó khăn, sống trong kì̀m kẹp của chế độ cũ vì có người thân hy sinh cho cách mạng, nhưng kiên trung trụ bám dưới chốt điểm cao 378. Hằng ngày mẹ ra đồng cày cấy, có gì ngon cũng dành cho các anh bộ đội. Đêm đến, các anh thay nhau rời chốt, xuống nhà mẹ Lành để tắm giặt, kiếm cái lót dạ.

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Công Lâm nhớ mãi trận đánh kéo dài từ 5 giờ sáng đến 15 giờ chiều ngày 20.10.1973. Sau trận đánh, quân Việt Nam Cộng hòa làm chủ trận địa, nhưng bộ đội ta vẫn cố giữ chốt, bên địch tấn công dữ dội. Các chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Trận đánh ấy có 7 chiến sĩ hy sinh, 5 người hy sinh trong căn hầm, 2 ngườĩ hy sinh ở ngoài hầm. Hai người hy sinh ngoài hầm được dân phát hiện, đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Lâm từ năm 1993. Còn 5 ngườĩ hy sinh trong hầm, trải qua hơn 47 năm, với sự thay đổi của thời gian, biến thiên của địa hình nên chính người dân địa phương cũng không tìm được cửa hầm của khu đồi núi rộng.

Dặm dài tìm kiếm

Sau trận đánh ngày 20.10.1973 ấy, anh bộ đội Nguyễn Công Lâm được Nhà nước tặng Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, hai lần được dự Đại hội Liên hoan anh hùng Quân khu 5. Cựu binh Nguyễn Công Lâm năm lần, bảy lượt ngược xuôi, vào Nam, ra Bắc, trở lại chiến trường xưa để tìm kiếm đồng đội, nhưng vẫn “mò kim đáy bể”. Năm 2012, thông qua các tổ chức, cá nhân cùng thân nhân của liệt sĩ, kết nối thông tin, sau hơn 5 ngày tìm kiếm, đã tìm thấy hài cốt các anh nằm rải rác trong căn hầm cùng với nhiều di vật, riêng liệt sĩ Nguyễn Thanh Dương có di vật được khắc tên kèm theo. Dù biết chính xác trong danh sách hy sinh của đơn vị, thế nhưng vì chưa lấy mẫu phẩm xét nghiệm với từng thân nhân của 5 gia đình liệt sĩ, nên các liệt sĩ được an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Lâm.

Ông Nguyễn Văn Trãi - em ruột của liệt sĩ Nguyễn Văn Đoan, tâm sự: “Khi anh trai hy sinh, theo giấy báo tử liệt sĩ hy sinh ở mặt trận phía Nam, tôi từng 9 lần vào đến những nơi anh trai mình chiến đấu và hy sinh nhưng vẫn chưa có kết quả. Đến năm 2012, tôi nhận được thông tin anh trai hy sinh ở cao điểm 378”.

Di vật của liệt sĩ được khắc tên Dương. Ảnh: Q.H
Di vật của liệt sĩ được khắc tên Dương. Ảnh: Q.H

Hay như trong trận đánh ngày 28.7.1968, 4 chiến sĩ thuộc đơn vị R20 Tỉnh đội Quảng Nam, trong quá trình chiến đấu tại xã Điện Ngọc (Điện Bàn) bị địch bao vây, 4 chiến sĩ đã được nhân dân đưa xuống hầm trú tránh, tại vườn Long, xóm Đông, xã Điện Ngọc. Bị chỉ điểm, địch phát hiện hầm trú ẩn của 4 chiến sĩ và sát hại. Nhân dân xóm Đông đã cùng nhau chờ địch sơ hở cướp thi thể và đem chôn cất cách căn hầm khoảng 500m. Năm 1982, chính những người dân này một lần nữa tìm và quy tập nhưng chỉ được 3 hài cốt liệt sĩ đưa vào nghĩa trang an táng, còn một hài cốt tìm mãi không thấy.

Ông Võ Như Quỳnh - nhân viên Ban Chính sách, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Điện Bàn đối chiếu hồ sơ xác định 3 liệt sĩ có thông tin trùng khớp. Và ngày 6.6 vừa qua, được sự dẫn dắt của cụ bà 85 tuổi (người đã từng chôn, quy tập hài cốt các liệt sĩ trước đây) cùng với đội quy tập Điện Bàn đã tiếp tục tìm thấy và quy tập được mộ liệt sĩ còn lại.

Trong lá thư gửi về cho chị gái Trần Thị Hên, ở xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Côi (Thái Bình), liệt sĩ Trần Trọng Hiển viết: “Chị ạ! Chị cứ yên tâm em vẫn khỏe! Tình hình trong này không căng thẳng lắm đâu, chị cứ giữ lòng tin tưởng, một ngày gần đây em sẽ trở về!”. Mang theo hy vọng ấy, hòa vào niềm vui chiến thắng chung của cả dân tộc, nhưng chị Hên đợi mãi vẫn không thấy đứa em trai yêu quý trở về. Rồi một ngày, chị Hên gặp được người đồng đội của em trai mình - CCB Vũ Ngọc Tại cho biết, anh Trần Trọng Hiển đã hy sinh. Sau khi vào đến chiến trường, anh được điều về Tiểu đoàn 12, mặt trận 44 Quảng Nam. Ngày 26.12.1968, khi đang trên đường đi công tác, anh đã bị trúng pháo của địch, hy sinh và được chôn cất ở dốc ông Thủ, Đại Lộc.

Mỗi ngày trôi qua, những cuộc tìm kiếm vẫn lặng lẽ, âm thầm trong rừng sâu, trên núi cao. Và có những con người cũng thầm lặng như thế suốt dặm dài, giúp biết bao gia đình tìm được người thân. Như các CCB Phan Thanh Dũng, Phan Văn Sáu, bà Trần Thị Xanh (Đại Lộc), Đặng Ngọc Nga, Lê Thanh Hùng (Hiệp Đức), Mai Xuân Hương, Đinh Hữu Hai (Quế Sơn), Nguyễn Phước Cương, Nguyễn Sanh (Nông Sơn)… Với họ, lên đường tìm đồng đội chỉ suy nghĩ giản đơn “Chẳng lẽ mình còn đây, đồng đội đã hy sinh vẫn còn nằm đâu đó chưa thể về bên gia đình, mình lại không giúp”.

Nằm lại nơi “đỉnh máu”

Nhắc đến Thượng Đức (Đại Lộc), là nhắc đến đỉnh 1062 (còn gọi là đỉnh máu). Bởi nơi đây có địa thế hiểm trở, bộ đội ngày đêm giữ chốt không chỉ đối phó với bom đạn mà còn phải hứng chịu thời tiết khắc nghiệt. Đường vận chuyển, tiếp tế luôn gặp ách tắc. Ăn uống thiếu thốn lại phải chiến đấu căng thẳng khiến sức khỏe của chiến sĩ ta giảm đi rõ rệt. Ta và địch giành đi giật lại hàng tháng trời. Bọn chúng ném bom, bắn phá, rải xuống hàng trăm loại vũ khí giết người, từ bom tấn, bom bi, bom từ trường, bom khoan... và cả bom napan đốt cháy cả cánh rừng nguyên sinh, cày nát đỉnh đồi. Bởi vậy, đỉnh 1062 là một nấm mộ tập thể khổng lồ, chôn không biết bao nhiêu sinh mạng của cả hai bên trên dãy núi Sơn Gà. Những người lính trở về thăm chiến trường xưa, tìm lại đồng đội, các anh cũng vô phương giữa rừng núi bạt ngàn. Hỏi người dân địa phương, từ cầu Ba Khe lên đỉnh cao 1062, đều bắt gặp những cái lắc đầu, nguy hiểm lắm, nơi đấy mìn còn nhiều vô kể, không thể lên đồi cao ấy được, chỉ đành chắp tay vái vọng.

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thời chống Pháp hy sinh ở cánh đồng cây Sung, được nhân dân hai xã Đại Cường, Đại An (Đại Lộc) tìm lại được. Thời đó, để giữ bí mật, chỉ vận động bà con làm tấm cót tre thay hòm. Phần lớn các liệt sĩ không biết tên tuổi, quê quán, chỉ kịp đánh dấu mộ bằng hòn đá. Sau hơn 70 năm bị lũ lụt bồi lấp, những ngôi mộ bị bồi sâu, không còn dấu vết mồ mả nữa, nên gọi vùng đất này gọi là “Lung mả chiến sĩ”. Tại chiến trường vùng B Đại Lộc, Đoàn pháo binh ĐKB - 577 cùng với các Tiểu đoàn R20, Q83 đánh địch càn quét, bảo vệ nhân dân. Trong các cuộc giao tranh quyết liệt, hơn 350 chiến sĩ đã ngã xuống, nhưng trong số đó có bao nhiêu người được tìm thấy thi thể...

Luật sư Lê Đăng Liệu ở TP.Hồ Chí Minh, có người anh trai hy sinh ở chiến trường Thượng Đức và gia đình có ý định đưa hài cốt về quê. Nhưng khi đến thăm Nghĩa trang Thượng Đức nằm trên một ngọn đồi thấp, bằng phẳng và trồng rất nhiều phi lao, xung quanh là cánh đồng lúa trải dài, anh đã thay đổi dự định ban đầu. Anh bảo rằng, máu xương của các anh đã tan vào dòng Vu Gia và thấm vào lòng đất Quảng mấy chục năm qua khó có thể tìm về. Anh trai được nằm ở một nơi tuyệt đẹp, giữa bao đồng đội, ấm tình quê hương và về thăm chiến trường xưa âu cũng dễ dàng...

QUẾ HÀ