Chủ động phòng ngừa bệnh bạch hầu

XUÂN HIỀN 23/07/2020 09:08

Đến thời điểm này, Quảng Nam vẫn chưa ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu nào trong năm 2020. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh tại các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Kon Tum - nơi có đường biên chung với Quảng Nam, cần chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa...

Tăng cường rà soát lịch tiêm chủng của trẻ để đảm bảo trẻ được tiêm đủ các liều vắc xin phòng bệnh. Ảnh: X.H
Tăng cường rà soát lịch tiêm chủng của trẻ để đảm bảo trẻ được tiêm đủ các liều vắc xin phòng bệnh. Ảnh: X.H

Nhiều nguy cơ

Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, trong các tuần đầu tháng 7, địa phương phát hiện 7 ca bệnh nghi ngờ bạch hầu với các triệu chứng sốt, họng đỏ, có hóc mủ trắng, được chẩn đoán viêm họng mủ và được theo dõi điều trị. Sau khi được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Quảng Nam) kiểm tra giám sát và lấy mẫu xét nghiệm cho thấy, các ca bệnh này đều âm tính với bệnh bạch hầu.

Theo báo cáo từ CDC Quảng Nam, các ca bệnh nghi ngờ đều có tiền sử tiêm chủng không rõ ràng. Hiện tại huyện Nam Trà My đã tiến hành khử khuẩn tại các khu vực nghi ngờ và vùng lân cận, đồng thời tăng cường rà soát lịch tiêm chủng đối với trẻ em trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thế Phước cho biết, ngành y tế đang tiếp tục phối hợp cùng các ngành và địa phương nâng cao nhận thức của người dân về bệnh này, đồng thời vận động bà con đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ. Trong tháng 7 và 8, ngành y tế tổ chức bổ sung vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ 1 tuổi chưa tiêm đủ và rà soát trẻ em 18 tháng tuổi chưa tiêm mũi bổ sung để tiến hành tiêm ngay.

Bệnh bạch hầu hiện đang có diễn biến phức tạp tại một số vùng trên cả nước. Tại Quảng Nam, từ năm 2015 đến nay đã có 30 trường hợp mắc bạch hầu, với các ổ dịch xảy ra tại các huyện miền núi (năm 2015, 2017, 2018) và 5 ca mắc tại Duy Xuyên năm 2019.

Theo ghi nhận của CDC Quảng Nam, các ca bệnh nghi ngờ bạch hầu có thể xảy ra tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, khó khăn trong công tác tiêm chủng, trẻ không được tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc xin bảo vệ. Với tình hình diễn biến khá phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt trong đó có Kon Tum - nơi giáp ranh với Quảng Nam, không loại trừ nguy cơ cao mầm bệnh có thể xâm nhập vào địa bàn các xã giáp biên của tỉnh.

Đảm bảo đủ vắc xin

Mọi trẻ em phải được tiêm phòng bệnh bạch hầu

Theo hệ thống thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến ngày 16.7, cả nước ghi nhận 101 trường hợp dương tính với bạch hầu, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Số ca mắc chủ yếu tại Tây Nguyên gồm Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh. Đa số các trường hợp mắc bệnh là do không được tiêm vắc xin phòng bạch hầu đủ mũi, đúng lịch.

Vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ hơn 30 năm nay. Mọi trẻ em phải được tiêm phòng bệnh bạch hầu trong thành phần vắc xin phối hợp 5 trong 1 hoặc 6 trong 1, gồm 3 mũi cơ bản cách nhau ít nhất 1 tháng bắt đầu từ lúc trẻ được 2 tháng tuổi và tiêm nhắc mũi thứ 4 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Phụ huynh có thể chọn lựa vắc xin miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng mở rộng hoặc vắc xin có trả phí tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cho liệu trình tiêm chủng bắt buộc này.

Tất cả người chưa từng được tiêm chủng đầy đủ vắc xin bạch hầu đều có thể bị bệnh. Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả vì có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết: “Hiện nay lượng vắc xin có được đảm bảo đủ cung ứng nhu cầu cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Số liều vắc xin Td (vắc xin tiêm nhắc bệnh bạch hầu) trong chương trình tiêm chủng mở rộng còn trên 8 ngàn liều. Cùng với đó, chúng tôi đã có trên 12 ngàn liều vắc xin 5in1 - phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh do Hipp. Đối với vắc xin dịch vụ, chúng tôi còn đến hơn 500 liều. Cho nên có thể đảm bảo Quảng Nam đủ số liều vắc xin để cung ứng cho người dân”.

Ông Trần Văn Kiệm cho biết, hiện nay, đặc biệt ở các địa bàn vùng núi, các cán bộ của trạm y tế phối hợp với y tế thôn bản tiến hành rà soát, cập nhật lại danh sách các trẻ nằm trong độ tuổi được tiêm chủng vắc xin, trong đó có vắc xin bạch hầu để vận động gia đình đưa trẻ đến tiêm cho đúng lịch. Đồng thời, tuyên truyền trên loa, đài để người dân hiểu và biết phòng bệnh. Có nhiều trường hợp, trẻ theo mẹ đi lên nương rẫy, chưa thực hiện đủ mũi tiêm thì cán bộ trạm y tế tới nhà vận động và lên lịch thực hiện tiêm vét cho trẻ.

“CDC đẩy mạnh công tác giám sát, điều tra các ca bệnh hàng ngày, hàng tuần để kiểm soát từng ca bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh bạch hầu. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với hệ điều trị nhằm phát hiện sớm ca bệnh bạch hầu nếu có, qua đó kịp thời triển khai các biện pháp dập dịch, không để dịch lây lan ra cộng đồng” - ông Trần Văn Kiệm nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành Y tế tỉnh đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Ngành y tế cũng đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Td cho đối tượng từ 4 đến 40 tuổi với tỷ lệ trên 95,6%, tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng thường xuyên trên địa bàn đảm bảo đạt tỷ lệ trên 95%; rà soát, tiêm vét, tiêm bù vắc xin cho trẻ dưới 18 tháng tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ. Lập kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin Td với chỉ tiêu đạt tỷ lệ ≥ 90% trẻ 7 tuổi tại cộng đồng và trẻ học lớp 2, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh; chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh bạch hầu theo các văn bản Bộ Y tế mới cập nhật. Chuẩn bị dự phòng đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất cần thiết; đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình và tại cộng đồng...

XUÂN HIỀN