Đánh thức tiềm năng du lịch
Hàng chục nghìn lượt du khách “xông đất” mỗi năm, cùng chợ sâm Ngọc Linh, Lễ hội Sâm đã bước đầu xác lập được thương hiệu, Nam Trà My tự tin tính toán làm du lịch một cách bài bản, gắn với nỗ lực gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống, cùng các giá trị về mặt sinh thái, lịch sử của miền đất…
Phiên chợ “đắt nhất Việt Nam”
Những cuộc ngã giá chớp nhoáng. Số tiền giao dịch lên đến hàng tỷ đồng chỉ trong vòng 3 ngày chợ phiên diễn ra. Nhiều người nói đùa rằng, đây là phiên chợ “đắt nhất Việt Nam”, được tổ chức định kỳ vào đầu mỗi tháng ở Tăk Pỏ, Nam Trà My kể từ tháng 10.2017 đến nay.
Ngày 1.7 vừa qua, phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 33 khai mạc, chỉ với 2 gian hàng trưng bày giới thiệu cây sâm Ngọc Linh do 6 hộ trồng sâm tại 5 chốt có sản phảm sâm củ của xã Trà Linh tham gia, bên cạnh 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm sâm và dược liệu khác. Quy mô tưởng chừng nhỏ bé thế song có hơn 1.100 lượt người đến thăm quan, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động lớn đến mọi hoạt động xã hội, đủ cho thấy sức hút của phiên chợ có một không hai nơi miền rừng xa ngái. Doanh thu thống kê được từ phiên chợ là khoảng 3,6 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh đã bán được 40kg với… 3,4 tỷ đồng.
“Đắt xắt ra miếng”, nên từ lâu, việc gìn giữ thương hiệu cho sâm Ngọc Linh và phiên chợ độc đáo này được thực hiện bằng nhiều quy định hết sức nghiêm ngặt. Tổ thẩm định của huyện sẽ kiểm tra chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và xác định trọng lượng từng củ sâm. Sâm Ngọc Linh được kiểm tra bằng mắt thường lẫn kinh nghiệm của các “chuyên gia” - là người trồng sâm lâu năm ở đỉnh Ngọc Linh. Sau khi thẩm định, sâm được đưa vào gian hàng trưng bày, niêm yết giá. Ngoài giao dịch trực tiếp, phiên chợ cũng là nơi kết nối, giới thiệu để khách có thể đến, đặt mua theo nhu cầu với người trồng sâm, giảm được khoản chi phí đáng kể khi không phải qua tay thương lái.
Không như những gì thường thấy ở các phiên chợ khác, sâm Ngọc Linh khan hiếm đến mức cung không đủ cầu. Nếu không được giá, người dân có thể đưa về lại chăm sóc ở những vườn sâm khuất sâu trong rừng già, giá cả vẫn luôn giữ kỷ lục: từ khoảng 100 triệu đến 200 triệu đồng mỗi ký tùy trọng lượng. Cá biệt, có những củ sâm lâu năm được bán với giá hơn nửa tỷ đồng. Cam kết của chính quyền địa phương cùng những nỗ lực duy trì, quảng bá thương hiệu quốc bảo sâm Ngọc Linh giúp cho danh tiếng của phiên chợ này ngày càng vang xa.
Phát triển gắn với bảo tồn
Khởi đi từ cây sâm, rất nhiều kỳ vọng đang được đặt ra khi lượng khách tìm về Nam Trà My tăng đều theo từng năm, trong đó có cả khách nước ngoài. Tất nhiên, không đứng yên chờ đợi, một chiến lược phát triển trong 5 năm đến đã được hoạch định, trong đó có câu chuyện làm du lịch, vốn là “khoảng trống” còn dang dở ở nhiều địa phương miền núi. Theo đó, huyện mạnh dạn đặt ra mục tiêu thu hút hơn 50 nghìn du khách mỗi năm.
Ông Trần Duy Dũng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, Nam Trà My có độ che phủ rừng hơn 59%, trong đó có 42% diện tích là rừng tự nhiên. Vốn quý về đa dạng sinh học lẫn những thắng cảnh tự nhiên là tiềm năng lớn cho khai thác du lịch. Đồng thời bản sắc văn hóa của đồng bào miền núi cũng hứa hẹn hình thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch chung.
Một trong những nỗ lực của địa phương ở nhiệm kỳ vừa qua có thể kể đến là xây dựng và duy trì Lễ hội Sâm Ngọc Linh. Chương trình lễ hội được thay đổi, bổ sung và hoàn thiện qua từng năm bắt đầu tạo được ấn tượng với du khách. Đồng thời công tác sưu tầm, bảo tồn giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn vừa góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân, vừa phục vụ phát triển du lịch.
“Nam Trà My đang tập trung xây dựng các làng văn hóa - du lịch cộng đồng người Xơ Đăng (làng Mô Chai - thôn 1, Trà Linh), người Ca Dong (làng Tu Tot - thôn 1, Trà Don), người Bhnoong (làng Tak Pat - thôn 2, Trà Leng), đồng thời tận dụng những tiềm năng, thế mạnh của địa phương về phát triển du lịch, như: vườn sâm Ngọc Linh Tắk Ngo, các khu rừng nguyên sinh, thác 5 tầng, suối Đôi, Khu di tích lịch sử Liên Khu ủy và Ban Quân sự Khu 5, các thủy điện..., để xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Khá nhiều doanh nghiệp đã đến tìm hiểu, đặt vấn đề để có thể hình thành tour/tuyến mới phục vụ du khách. Trong đề án quốc gia về phát triển cây sâm Ngọc Linh (cây sâm Việt Nam), du lịch vùng trồng sâm Ngọc Linh cũng là một trong 7 nội dung quan trọng đang được triển khai. Chặng đường phía trước còn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, song những kết quả bước đầu sẽ là tiền đề quan trọng để tiếp tục có những hoạch định phù hợp trong tương lai, gần nhất là nhiệm kỳ sắp tới” - ông Trần Duy Dũng nhấn mạnh.