Theo đuổi mục tiêu "phát triển toàn diện, bền vững"
Trên cơ sở kết quả đạt được của nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Phú Ninh cần những hướng đi cụ thể nào để theo đuổi và hoàn thành mục tiêu “phát triển toàn diện, bền vững”? Nhân Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Ninh - Nguyễn Phi Thạnh xoay quanh vấn đề này.
Chọn hướng phát triển
* Nhiều chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế, thu nhập người dân… đến nay đã đạt và vượt kế hoạch. Những kết quả này xuất phát từ yếu tố nào, thưa ông?
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phú Ninh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm 12,4%; trong đó, ngành nông nghiệp hơn 5,5%, công nghiệp - xây dựng hơn 11,5%, thương mại - dịch vụ hơn 15,5%. Đến năm 2025, cơ cấu các ngành kinh tế: nông - lâm - thủy sản chiếm 11%; công nghiệp - xây dựng 42,9%; thương mại - dịch vụ 46,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 65 triệu đồng…
(Trích dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện Phú Ninh lần thứ XXI)
Ông Nguyễn Phi Thạnh: Nhiệm kỳ qua, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông nghiệp (NN) giảm từ 22% năm 2015 xuống còn 16%, công nghiệp (CN) - xây dựng và dịch vụ dự kiến tăng từ 78% lên 84% vào cuối năm 2020. Giá trị xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện trong 5 năm qua đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,9 lần so với nhiệm kỳ trước. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 43 triệu đồng, tăng 17 triệu đồng so với năm 2015... Có nhiều nguyên nhân cho kết quả trên, nhưng đầu tiên phải nói đến khát vọng thay đổi quê hương. Khát vọng ấy như dòng chảy không ngừng từ thời điểm thành lập huyện năm 2005 đến nay và cả tương lai. Ngay ở thời điểm còn muôn vàn khó khăn, huyện vẫn mạnh dạn bắt tay xây dựng nông thôn mới. Kế đến là sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện định hướng xuyên suốt, có tính kế thừa, chuẩn bị từ trước.
* Kinh tế có sự tăng trưởng nhưng quy mô và giá trị từng ngành vẫn còn nhỏ so với nhiều địa phương trong tỉnh. Ông có thể chia sẻ, nhiệm kỳ đến Phú Ninh chọn hướng phát triển như thế nào để tạo được bước đột phá?
Ông Nguyễn Phi Thạnh: Phú Ninh kiên trì mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện, nhưng không phải ưu tiên cho CN, mà là thương mại - dịch vụ (TM-DV) và NN công nghệ cao. Bởi, CN Phú Ninh không có nhiều lợi thế do địa phương nằm sát với Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu CN Tam Thăng, những vùng CN trọng điểm của tỉnh với những chính sách ưu đãi thông thoáng… Mặt khác, Phú Ninh tuy có lợi thế về CN khai khoáng, vật liệu xây dựng nhưng những ngành này thường đi đôi với vấn đề môi trường. Vì thế, tới đây huyện chủ yếu duy trì các cụm CN hiện có, đồng thời khuyến khích thu hút các loại hình CN sạch, phục vụ NN. Ngay cả Khu CN Phú Xuân, huyện cũng đã xin điều chuyển theo hình thức đa dạng, có thể phát triển CN, TM-DV, NN công nghệ cao.
Huyện sẽ tận dụng hạ tầng, giao thông kết nối, vị trí địa lý sát với TP.Tam Kỳ để tập trung thu hút đầu tư, thực hiện Đề án phát triển TM-DV các vùng trọng điểm. Cụ thể, ở khu vực cửa ngõ Tam Kỳ - dọc hai bên quốc lộ 1 (xã Tam Đàn), định hướng sẽ phát triển nhanh loại hình các showroom, với kỳ vọng hình thành khu TM-DV tập trung. Vùng thứ 2, từ Chợ Lò (Tam Thái) đến Cây Sanh (Tam Dân) theo tuyến quốc lộ 40B, sẽ quy hoạch thành trung tâm TM và các DV đa dạng; là nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa cho Tam Kỳ. Đối với vùng phụ cận hồ Phú Ninh, huyện đã đề nghị tỉnh đa dạng nhà đầu tư nhằm khai phá tốt tiềm năng ở đây.
Mục tiêu mới cho nông nghiệp
* Trong khi nhiều địa phương quyết tâm giảm sâu tỷ trọng ngành NN, Phú Ninh lại đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 5,5%/năm và phấn đấu giữ tỷ trọng ở mức 11% trong nhiệm kỳ đến. Vì sao có sự khác biệt đó, thưa ông?
Ông Nguyễn Phi Thạnh: Quan điểm lâu nay trong phát triển là cứ phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng ngành NN. Nhưng với Phú Ninh, trong 5 năm đến vẫn xác định NN là thành tố quan trọng của nền kinh tế. Vấn đề là chúng ta phát triển NN như thế nào, theo phương thức gì để đem lại giá trị gia tăng. Huyện định hướng rõ là phát triển NN công nghệ cao dựa trên những tiềm năng và thế mạnh riêng. Điều này lý giải vì sao, khi xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội XXI, Phú Ninh nâng chỉ tiêu tốc độ phát triển NN lên 5,5% thay vì 3,55% như nhiệm kỳ 2015 - 2020. Bởi, nếu lấy NN công nghệ cao làm mũi nhọn thì tốc độ không dừng ở đó. Phát triển NN có giá trị gia tăng cao sẽ tác động tích cực, trực tiếp đến đại bộ phận người dân Phú Ninh, tăng thu nhập gắn với đảm bảo môi trường bền vững.
* Có lẽ ông cũng như tập thể lãnh đạo huyện Phú Ninh biết rõ rằng không dễ để làm NN công nghệ cao?
Ông Nguyễn Phi Thạnh: Đúng vậy! Ngoài các yếu tố về thị trường, phương thức tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ, tài chính, nguồn nhân lực, chúng tôi cũng nhìn ra rằng, khó khăn lớn nằm ở chính sách đất đai, nhất là khâu tích tụ ruộng đất. Người dân làm lúa không có lời, thậm chí lỗ, nhiều nơi bỏ ruộng, nhưng khi được đề nghị chuyển nhượng thì không chịu. Doanh nghiệp đầu tư NN công nghệ cao thì phải thuê đất, sau đó xóa bờ vùng bờ thửa để bố trí sản xuất, nhưng dân lại sợ mất đất, không lấy lại được. Đó là ở đồng bằng, còn vùng trung du phía tây, đất đai rộng lớn, nhưng để vận động người dân giao đất cho doanh nghiệp cũng chẳng dễ. Mà chưa nói đến tâm lý lo lắng của người dân khi doanh nghiệp chăn nuôi đầu tư sẽ ảnh hưởng đến môi trường…
* Vậy theo ông, khi giải quyết được khâu đất đai, huyện Phú Ninh sẽ phát huy tiềm năng, dư địa để phát triển NN?
Ông Nguyễn Phi Thạnh: Phú Ninh có tiềm năng, thổ nhưỡng, vị trí địa lý thuận lợi để phát triển NN. Chúng tôi đã chủ động triển khai xây dựng quy hoạch với 2 vùng riêng biệt cho phát triển NN. Ở vùng trung du, trọng tâm phát triển chăn nuôi tập trung kết hợp kinh tế rừng, vườn rừng. Đồng bằng tập trung phát triển các loại cây có giá trị gia tăng cao với 3 sản phẩm chủ lực: dưa hấu, rau sạch, lúa giống hàng hóa.
Chúng tôi cũng đã tự đặt câu hỏi: Vì sao Tam Kỳ dùng rau ở Hội An, còn Phú Ninh sát bên mà không cung cấp được rau sạch? Tam Kỳ có nhiều khu - cụm CN cần nguồn cung cấp sản phẩm NN rất lớn. Bên cạnh đó, Phú Ninh đã xây dựng được sản phẩm dưa hấu đem lại giá trị gia tăng cao so với trồng lúa và nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên, như đã nêu, muốn phát triển NN công nghệ cao phải khắc phục được nhiều khó khăn, nhất là khâu tích tụ ruộng đất.
Xin cảm ơn ông!