Điểm nhấn trên hành trình phát triển
Kinh tế phát triển khá; thu hút nhiều dự án đầu tư trọng điểm vào vùng đông; diện mạo nông thôn, đô thị có nhiều khởi sắc... là những thành quả nổi bật của huyện Thăng Bình trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX (nhiệm kỳ 2015 - 2020).
Hiệu quả thu hút đầu tư
Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2020 của huyện Thăng Bình ước đạt 9.995 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010). Năm năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của địa phương là 14,54%; trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng là 19,4%, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người lao động.
Các ngành công nghiệp may mặc, cơ khí, khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, gia công chế biến các sản phẩm từ gỗ, chế biến thủy - hải sản tiếp tục phát triển. Minh chứng rõ nét nhất là chuyển động mạnh mẽ ở Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được.
Ông Nguyễn Ngọc Hạnh - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Domex Quảng Nam cho biết, công ty đang tạo việc làm ổn định cho 1.500 công nhân với mức thu nhập hơn 7 triệu đồng/người/tháng và đang thu hút thêm nhiều lao động để ổn định sản xuất cho hơn 20 chuyền may trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại.
“Các điều kiện hạ tầng ở Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, nhất là giao thông ngày càng hoàn thiện là nền tảng tốt giúp công ty tận dụng được nhiều thuận lợi để tạo cú hích phát triển” - ông Hạnh nói.
Hiệu quả tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng nêu trên đến từ việc Thăng Bình tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Trong 5 năm qua, huyện phối hợp kêu gọi, xúc tiến đầu tư, thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn. Công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư trong và ngoài các cụm công nghiệp được chú trọng.
Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, đã có thêm 12 doanh nghiệp vào đầu tư với nhiều dự án du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng tại một số xã vùng đông của huyện. Lãnh đạo huyện thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại với các nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh. Niềm tin chính là cơ sở để doanh nghiệp đầu tư ngày càng nhiều ở Thăng Bình.
Tập trung phát triển hạ tầng
Trên hành trình phát triển, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được Huyện ủy Thăng Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Hạ tầng nông thôn được đầu tư, xây dựng nhiều khu dân cư NTM kiểu mẫu, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng lên. Số tiêu chí NTM đạt được bình quân từ 12,81 tiêu chí/xã vào năm 2015, dự kiến tăng lên 17,5 tiêu chí/xã vào cuối năm 2020.
Đến nay, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn đóng góp của các tổ chức và nhân dân vào xây dựng NTM trên địa bàn hơn 1.475 tỷ đồng, qua đó góp phần để Thăng Bình hoàn thành xây dựng NTM ở 16 xã (trong tổng số 22 xã, thị trấn) trên địa bàn huyện.
Đến xã Bình Đào vào những ngày này dễ dàng nhận thấy làng quê khởi sắc. Ông Trần Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho biết, điểm nhấn của xã là xây dựng NTM thành công đi đôi với tích tụ, tập trung ruộng đất hiệu quả để sản xuất và liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích. Thời gian qua, để tạo động lực cho các địa hương phát triển kinh tế - xã hội, Thăng Bình đã triển khai nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi. Cùng với đó, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng các tuyến đường ĐH. Trong 5 năm qua, Thăng Bình đã xây dựng được 65,13km đường ĐH với tổng mức đầu tư 264,59 tỷ đồng...
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thăng Bình Phan Công Vỹ cho biết, xây dựng, phát triển đô thị đang được địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Huyện ủy, HĐND huyện ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển đô thị và thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác tổ chức triển khai. Đối với đô thị Hà Lam, đã tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, các công trình hạ tầng văn hóa - xã hội, xây dựng 17/17 tuyến phố văn minh đô thị, nhất là quy hoạch xây dựng các khu dân cư, khu nhà ở có giá trị thương mại cao. Đến nay, Hà Lam đạt chuẩn đô thị loại IV. Ở xã Bình Minh, đã hoàn chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Minh, lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu dân cư và đô thị, đang triển khai xây dựng hạ tầng.